Thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa theo hai giai đoạn và triển khai các đợt xét nghiệm diện rộng từ ngày 28/3.
Theo đó, khu vực phía đông sông Hoàng Phố, trong đó có Phố Đông Tân Khu, nơi khoảng 5,7 triệu người sinh sống, sẽ bị phong tỏa từ 28/3 đến 1/4. Cư dân được yêu cầu hạn chế di chuyển, phương tiện công cộng và ôtô cá nhân đều bị cấm lưu thông trong 5 ngày này. Sau đó, khu vực phía tây sẽ thực hiện lệnh phong tỏa tương tự từ 1/4 đến 5/4.
Lư Hồng Châu, trưởng nhóm chuyên gia y tế về kiểm soát dịch bệnh tại Thâm Quyến, cho rằng quyết định áp lệnh phong tỏa từng phần ở Thượng Hải là cần thiết để ngăn chặn đợt bùng phát của biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao.
Thượng Hải ghi nhận hơn 4.400 ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày 29/3, hầu hết là các ca triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Trong tuần qua, thông qua xét nghiệm diện rộng, giới chức thành phố phát hiện hơn 10.000 ca nhiễm, trong đó hơn 9.900 ca không triệu chứng.
Thực tế này cho thấy Covid-19 đã lây lan rộng tại Thượng Hải, ảnh hưởng tới đời sống người dân cũng như gây áp lực lên hệ thống y tế thành phố, ông Lư nói. "Nền kinh tế Thượng Hải sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc hơn nếu dịch bệnh bùng phát kéo dài", chuyên gia này cảnh báo.
Ông cho rằng quyết định ngăn đôi Thượng Hải để áp lệnh phong tỏa, thay vì phong tỏa toàn diện như các địa phương khác, là "biện pháp tốt ngăn thành phố rơi vào trạng thái tê liệt hoàn toàn".
"Một nửa thành phố sẽ triển khai xét nghiệm diện rộng, nửa còn lại vẫn hoạt động bình thường", ông Lư nói, cho rằng cách làm này hạn chế tác động từ lệnh phong tỏa, đồng thời phục vụ công tác xét nghiệm diện rộng nhanh chóng, nhằm xác định và cách ly ca nhiễm không triệu chứng, ngăn chặn chuỗi lây truyền.
Trần Nhị Trân, phó chủ tịch Bệnh viện Thụy Kim thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, cho biết biến thể Omicron khiến tỷ lệ ca nhiễm không triệu chứng cao, dẫn đến tình trạng nhiều người không biết mình đã nhiễm virus.
"Người dân nhiễm virus ở nhiều địa điểm khác nhau, cho thấy tình trạng lây lan trong cộng đồng, các hộ gia đình, công ty và nhà máy là rất nghiêm trọng", ông Trần chia sẻ trên trang Shanghai Observer. "Khi số ca nhiễm đạt một mức nhất định, công tác truy vết sẽ rất khó khăn".
Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc với 25 triệu dân, tới đầu tháng này vẫn được coi là hình mẫu kiểm soát dịch bệnh thành công, khi chỉ ghi nhận 400 ca nhiễm và 7 trường hợp tử vong từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hơn 95% người dân Thượng Hải đã được tiêm chủng đầy đủ.
Thông báo về lệnh phong tỏa bất ngờ được đưa ra vào tối 27/3, sau khi giới chức thành phố nhiều lần trấn an người dân rằng Thượng Hải sẽ không phong tỏa hoàn toàn. Các quan chức cho biết họ phải giữ cho thành phố cảng và trung tâm tài chính này hoạt động vì lợi ích kinh tế quốc gia và toàn cầu.
Lương Chí Siêu, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Hong Kong, cho biết việc áp lệnh phong tỏa, xét nghiệm diện rộng nhằm mục đích khoanh vùng, nên ông dự đoán các biện pháp kiểm soát dịch ở quy mô nhỏ hơn sẽ được chính quyền Thượng Hải thực hiện.
Ông Lương nói rằng đó là chính sách chống dịch đã được Thâm Quyến áp dụng. Sau khi lệnh phong tỏa toàn thành phố kết thúc vào ngày 21/3, Thâm Quyến vẫn duy trì các biện pháp hạn chế ở những khu vực phát hiện ca nhiễm.
"Các khu vực không ghi nhận ca nhiễm nào, theo kết quả từ đợt xét nghiệm diện rộng, có thể được nới lỏng hạn chế. Các khu vực xuất hiện ca nhiễm vẫn tiếp tục bị phong tỏa trong một đến hai giai đoạn ủ bệnh của virus, kéo dài 7-10 ngày", ông Lương nói. "Biện pháp hạn chế chỉ được dỡ bỏ khi không còn ca nhiễm nào".
Trung Quốc kiên trì theo đuổi chính sách "Không Covid" và hàng chục triệu người dân nước này đang chịu ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa. Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc không đáng kể so với toàn cầu, nhưng là mức cao nhất được ghi nhận trong hơn hai năm qua tại nước này. Trung Quốc hiện ghi nhận hơn 145.800 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong vì nCoV.
Đức Trung (Theo SCMP)