Taylor Swift từng nói với People: "Tôi tô son đỏ vì nghĩ khuôn mặt mình thật tệ nếu thiếu sắc màu này". Ca sĩ nhạc đồng quê yêu chuộng màu son này và thường đưa chúng vào những ca khúc của mình.
Khi sáng tác Style, cô viết: "Anh có cái nhìn mơ màng của James Dean trong ánh mắt còn em là cô gái tô son đỏ cổ điển mà anh thích". Trong Wildest Dreams năm 2015, Taylor hát: "Standing in a nice dress, staring at the sunset babe/ Red lips and rosy cheeks/ Say you'll see me again/ Even if it's just in your wildest dreams..." (Hình ảnh em thướt tha trong chiếc váy dưới ánh hoàng hôn hôm nào/ Với đôi môi đỏ mọng và gò má ửng hồng/ Hãy nói với em rằng anh sẽ lại thấy em/ Thấp thoáng trong những giấc mơ hoang dại...). Trong các MV như Blank Space, Style, Wildest Dreams, hình ảnh đôi môi anh đào đỏ mọng cổ điển của nữ ca sĩ xuất hiện trong các khung hình như một nỗi ám ảnh.
Son đỏ có lịch sử lâu đời. Năm 3.000 trước Công nguyên, người cổ xưa tạo ra son bằng cách kết hợp các trầm tích của đất đỏ, carmine và các loại sáp khác nhau. Thời Ai cập cổ đại, nữ hoàng Cleopatra nghiền xác bọ cánh cứng và kiến với màu từ những quả mọng để tạo ra công thức son đỏ cho riêng mình. Từ đây, màu son đỏ gắn liền với hình ảnh vương giả và trở nên kinh điển.
Son đỏ trở thành biểu tượng quyền lực khi thường xuyên được phụ nữ sử dụng cho mục đích chính trị, đấu tranh đòi quyền bình đẳng. Năm 1912, 15.000 phụ nữ xuống đường biểu tình đòi quyền bầu cử. Khi họ diễu hành qua tiệm thời trang mới lập của Elizabeth Arden tại New York, cô chủ trẻ - người ủng hộ nữ quyền mạnh mẽ - đã tặng những thỏi son đỏ cho họ. Hai nhà lãnh đạo Elizabeth Cady Stanton và Charlotte Perkins Gilman yêu thích màu son tới nỗi biến chúng thành dấu hiệu cho tinh thần tự do, giải phóng phụ nữ, mở đầu cho ý tưởng về "phụ nữ hiện đại" ở châu Âu và châu Mỹ.
Xuyên suốt Thế chiến hai (1939 - 1945), son đỏ mang ý nghĩa thách thức, phản kháng phát xít, khi Adolf Hitler nổi tiếng ghét cay ghét đắng mỹ phẩm này. Ở các nước Đồng minh, màu son đại diện cho lòng yêu nước, tư tưởng chống phát xít. Khi thuế son tăng lên ở Anh, phụ nữ lấy củ dền nhuộm đỏ môi mình.
Cùng thời điểm, tại Mỹ, son đỏ là điều kiện bắt buộc cho phụ nữ muốn tham gia quân đội. Các thương hiệu mỹ phẩm của Elizabeth Arden, Helena Rubenstein tận dụng xu hướng thời chiến, ra mắt son Victory Red (Màu đỏ chiến thắng), Regimental Red (Trung đoàn đỏ), Montezuma Red. Tác giả cuốn Red Lipstick: An Ode to a Beauty Icon - Rachel Felder - nói với CNN: "Son đỏ thời đó đại diện cho ý thức về lòng tự trọng nữ tính, đặc biệt là lòng tự trọng của những phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ".
Năm 2015, Jasmina Golubovska - nhà phân tích chính trị của Ủy ban nhân quyền Helsinki - nổi tiếng với việc sử dụng khiên cảnh sát làm gương để tô son trong cuộc biểu tình chống chính phủ. Sau đó, cô in màu đỏ lên tấm khiên bằng một nụ hôn. Năm 2018 ở Nicaragua, phụ nữ và nam giới đăng tải ảnh bản thân tô son đỏ lên mạng xã hội, hưởng ứng lời kêu gọi của nhà hoạt động xã hội Marlén Chow chống chính phủ. Bà nổi tiếng khi sử dụng đôi môi đỏ được tô vẽ cẩn thận để thách thức chế độ Tổng thống Daniel Ortega. Tháng 12 năm ngoái, gần 10.000 phụ nữ Chile đeo bịt mắt đen, khăn quàng và tô son đỏ để phản đối nạn bạo lực tình dục ở nước này.
Son đỏ là biểu tượng quyến rũ. Các minh tinh như Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor, Madonna, Angelina Jolie... gắn liền hình ảnh đôi môi đỏ mọng. Phim ảnh từ những năm 1990 tới nay thường xây dựng hình ảnh phụ nữ hấp dẫn, quyến rũ gắn với cặp môi đỏ. Đó là Vivian Ward của Pretty Woman, miêu nữ Selina Kyle trong The Batman Returns, Mia của Pulp Fiction, Harley Quinn ở Suicide Squad, Betty Boop với Dizzy Dish, Jessica Rabbit trong Who frames Roger Rabbit...
Nhà văn Rachel Felder nói trên CNN: "Son đỏ không chỉ đại diện cho sự mạnh mẽ mà còn là biểu tượng nữ tính. Màu son phản ánh lịch sử văn hóa và các hệ tư tưởng thời đại".
Trước khi trở thành biểu tượng, son đỏ từng bị gán ghép ý nghĩa tội lỗi, vô đạo đức. Thời Hy Lạp cổ đại, màu son này dùng để phân định khoảng cách xã hội, bị coi dành cho gái mại dâm. Một gái điếm không son ra đường có thể bị xử phạt vì giả dạng phụ nữ đứng đắn. Ảnh hưởng của nhà thờ, giáo hội ở châu Âu thời Trung cổ dẫn tới ý nghĩa màu son bị bóp méo, coi là vô đạo đức, dâm dục, dị giáo. Sally Pointer viết trong cuốn Artifice of Beauty: A History and Practical Guide to Perfumes and Cosmetics: "Hình ảnh quỷ dữ đưa son đỏ cho phụ nữ trở nên phổ biến, trong khi họ thường xuyên phải xưng tội nếu tô son". Năm 1700, chính phủ Anh ra điều luật "xử phạt phụ nữ tô son đỏ quyến rũ đàn ông đã kết hôn" và gọi những người này là phù thủy.
Ngày nay, dù thế giới liên tục cho ra đời những màu son mới lạ có thể khiến các cô gái chạy theo, son đỏ vẫn không thể thiếu. Trong hầu hết dòng son, son đỏ thường được đánh số 1 (màu đầu tiên), thể hiện sự phổ biến, kinh điển. Theo Allure, cứ mỗi phút lại có bảy thỏi son M.A.C Ruby Woo tông đỏ lạnh được bán ra toàn cầu dù nó đã chào đời từ cuối thập niên 1990. Tín đồ của son Tom Ford không thể quên màu son Scarlet Rouge đỏ thắm trứ danh. Givenchy dùng Bold Red rực rỡ để thể hiện thái độ sống ngạo nghễ của những cô gái thành thị. Màu 57 Rouge Feu đỏ cam huyền thoại của Chanel là cây son bán chạy nhất trong lịch sử hãng. Năm 1947, Dior ra mắt màu son đỏ cà chua 999 trên đường băng. Sau 73 năm, 999 vẫn được liệt vào danh sách những thỏi son được khao khát đầu đời của nhiều cô gái trẻ.
Màu son đã đi vào tủ đồ của phái nữ như một lẽ tự nhiên, chất chứa nỗi khao khát về nhan sắc, tình yêu, dục vọng, nhắn nhủ họ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào hãy luôn kiên cường và không bao giờ để mất niềm tin.
Ý Ly - Bảo Thư