Bị hất khỏi sàn diễn năm 1998 rồi nhen nhóm trở lại vào 2011, phải mất năm năm, váy ngủ mới thăng hoa và được hàng triệu tín đồ khắp thế giới đón nhận. Từ đầu năm đến nay, thảm đỏ BAFTAs, Oscar 2016, Grammy hay Cannes... đều tràn ngập những bộ váy ngủ muôn màu muôn vẻ. Ở Việt Nam, nhiều người đẹp cũng chuộng trào lưu này như Thu Minh, Ngọc Trinh, Hạ Vi, Tú Anh, Minh Hằng, Tâm Tít...
Trải qua quãng đường chinh phục làng mốt, đối mặt nhiều chỉ trích, tranh cãi, chiếc váy lụa hai dây đã chứng tỏ sức hút đặc biệt. Vậy điều gì khiến món đồ vốn lấy cảm hứng từ nội y, chỉ mặc trong phòng ngủ trở thành thứ ưa thích khi ra phố của các cô gái?
Nhu cầu khoe nội y một cách tinh tế và diện váy ngủ ra đường là sự thách thức chuẩn mực đạo đức, phá bỏ rào cản định kiến dành cho nữ giới
Váy ngủ (slip dress) là kiểu váy trơn, may liền một mảnh bằng nhiều chất liệu, chủ yếu là lụa, satin, cotton..., được mặc lót bên trong. Trong lịch sử làng mốt, chuyện mặc váy ngủ ra phố và tham dự sự kiện vốn không phải hiếm hoi. Những người có tầm ảnh hưởng từng nhiều lần lăng xê trào lưu này nhằm ủng hộ quyền được mặc thứ yêu thích ra đường.
Cuối thế kỷ 18, người dẫn đầu xu hướng thời trang khi ấy là hoàng hậu Pháp Marie Antoinette và nữ công tước xứ Devonshire của Anh đã tiên phong mặc váy lót muslin mỏng có thắt lưng cao tới nơi công cộng. Sang thập niên 1920, váy lót hai dây dần trở thành biểu tượng của sự gợi cảm.
Theo Elle, đầu những năm 1930, một nguyên tắc bất di bất dịch ở Hollywood là các nữ diễn viên xuất hiện trên màn ảnh đều ít nhất một lần phải mặc váy ngủ. Sau trào lưu này ở Hollywood, một bài xã luận trên tạp chí thời trang Nova tháng 1/1969 đã đánh dấu cuộc cách mạng mặc nội y, đồ ngủ như trang phục bình thường. Bài viết cho rằng con người luôn sợ bị đánh giá về đạo đức khi lỡ sai sót trong cách ăn mặc, ví dụ lộ nội y khỏi lớp áo ngoài. Để giải quyết vấn đề này, phụ nữ hãy mặc tự nhiên như thể bạn chủ ý mặc như vậy.
Những năm 1990, trào lưu đồ mặc trong trở thành đồ mặc ngoài phát triển rực rỡ và đạt tới thời kỳ cực thịnh trong làng thời trang thế giới.
Năm 1996, bộ váy ngủ Dior mà công nương Diana mặc đến sự kiện Met Ball chỉ vài tháng sau khi ly hôn được giới mốt đánh giá cao. Vẫn là đồ ngủ, nhưng trang phục không hề phản cảm, lố lăng mà quyến rũ và nổi loạn đúng cá tính của công nương.
Bay Garnett, biên tập viên của tạp chí Vogue - một người cuồng nhiệt với mốt váy ngủ, nhận định sự phù hợp hay không tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. "Bạn có thể nhận xét khác nhau về váy hai dây. Trong tình huống nhạy cảm, nó dễ thành thảm họa. Nhưng trong một tình huống khác, nó đẹp và quyến rũ đến kinh ngạc". Theo Bay Garnett, các ngôi sao diện mốt này thành công là vì họ gạt bỏ được những quan điểm bảo thủ và định kiến về một món đồ phòng the.
Để ủng hộ quan điểm trên, siêu mẫu Kate Moss tạo ra tiếng vang lớn cho chiếc váy ngủ khi diện thiết kế xuyên thấu màu bạc của Liza Bruce đến tiệc công ty năm 1993. Chiếc váy không che giấu bất kỳ vùng cơ thể nào ngoại trừ chiếc quần lót. Nhưng điều gây sốc cho mọi người không phải những thứ sau lớp váy mà ở thái độ của Kate khi ăn diện như thế trước đám đông. Tờ The Guardian đánh giá đó là màn phô diễn toát lên vẻ nổi loạn một cách thuần khiết: "Rất tự nhiên, cô ấy mặc như thể bình thường nó được mặc như vậy".
Bản thân chiếc váy ngủ đơn giản nhưng đa năng, gợi cảm pha chút nổi loạn - là những giá trị mà thời trang thế giới tôn thờ và là xu thế của tương lai
Những năm 1990, phụ nữ yêu thích món đồ này bởi chúng dễ mặc và dễ biến đổi. Ban ngày, họ mặc chúng dưới lớp áo khoác, khi màn đêm xuống, chỉ cần cởi áo ngoài, họ đã có một bộ đồ quyến rũ để hòa mình vào những buổi tiệc tùng. Tháng 2/1994, nhà thiết kế Mark Badgley của Badgley Mischka tiên đoán trên Elle rằng váy ngủ sẽ bất tử trong thời trang. "Slip dress là dạng đầm cơ bản nhất. Nó cũng giống như một chiếc áo T-shirt. Có cả triệu cách để nó luôn mới mẻ và khác lạ mỗi mùa".
Hai thập niên sau, cuộc tranh cãi về trang phục mặc ra đường và thời trang chốn riêng tư - thứ gì có thể phô bày và thứ gì cần che đi - một lần nữa bùng nổ đồng loạt trên sàn catwalk.
Tháng 9/2015, cuộc tranh luận dấy lên từ show diễn của Givenchy tại tuần thời trang New York với bộ sưu tập Xuân Hè 2016. Tại đó, Riccardo Tisci phô diễn loạt váy ngủ làm từ lụa satin và ren mỏng được thiết kế thành áo váy mặc ra phố. Calvin Klein cũng không thua kém khi trình làng những mẫu váy ngủ hai dây bằng lụa màu kem, phong cách thập niên 1990 phối cùng giày thể thao tối giản để mặc ra đường.
Ở tuần thời trang London, Christopher Bailey của Burberry cũng chung ý tưởng, kết hợp váy ngủ với ba lô hiện đại và giày đế thô theo phong cách grunge (bụi bặm kiểu du mục). Các nhà thiết kế đồng loạt chứng minh váy ngủ không còn là trang phục chỉ dành cho phòng ngủ.
Tuần thời trang Paris cũng không nằm ngoài trào lưu bằng bộ sưu tập chào tạm biệt của Alexander Wang dành cho Balenciaga. Sàn diễn tràn ngập váy ngủ bằng lụa trắng đi cùng dép bông. Trong show diễn của Celine, nhà thiết kế Phoebe Philo - người trước giờ ít khi đi quá giới hạn của sự hở hang - nay cũng đưa ra những chiếc váy lụa trắng khoét sâu, đắp ren đen ở vòng một. Theo Vogue, Hedi Slimane của Saint Laurent đã ghi điểm với sự kết hợp hai phong cách gần như trái ngược: boudoir (phòng the) và grunge (bụi bặm kiểu du mục). Những chiếc váy ngủ hai dây mỏng, khoe lưng trần, kết hợp vương miện kiểu Courtney Love cho thấy một hình ảnh thời trang lãng mạn hơn là điều gì đó trần tục chốn khuê phòng.
Từ bộ đầm ôm sát người và ngắn, váy ngủ hiện nay trở thành trang phục mặc ngoài được thiết kế dài rộng hơn, chất liệu cứng cáp hơn. Chúng có thể mang chất punk (ngẫu hứng, nổi loạn), grunge (bụi bặm kiểu du mục) hay gợi tình. Sự hấp dẫn của váy ngủ năm 2016 đơn thuần là sự trỗi dậy của thời trang thập niên 1990, bên cạnh phong cách tối giản.
Các nhà mốt thế giới đồng loạt cho rằng thời nay, khi mốt ngực trần, khoe nội y, hay phụ kiện hình bộ phận nhạy cảm xuất hiện nhan nhản, trào lưu mặc đồ ngủ ra phố không thể coi là gây sốc.
>> Xem thêm: