Những người quá khích không chỉ đốt trạm phát sóng, họ còn tấn công cả các nhân viên kỹ thuật. "Có khoảng 40 cuộc tấn công về cả thể chất lẫn tinh thần nhắm vào các nhân viên vận hành. Thậm chí một kỹ sư đã bị đâm và phải nhập viện", Philip Jansen, Giám đốc điều hành một công ty viễn thông của Anh nói.
Theo các nhà mạng lớn tại Anh, việc đốt trạm 5G gây ra những thiệt hại chưa từng thấy. Trong thời gian cả nước Anh đang nỗ lực chống Covid-19, việc đốt các trạm phát sóng di động khiến mọi việc trở nên tồi tệ.
Người dùng mạng xã hội tại nước này kêu gọi cộng đồng dừng việc lan truyền tin giả liên quan đến 5G và dịch bệnh. "Lúc đầu tôi nghĩ đó là hành động bộc phát của vài người, nhưng có 77 trạm phát sóng bị đốt thì đây là vấn đề nghiêm trọng về niềm tin", tài khoản Chella bình luận.
Nhiều người chỉ ra rằng có những quốc gia sớm triển khai 5G nhưng vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Điều đó cho thấy 5G và virus corona không liên quan gì đến nhau. "Công nghệ nói chung và Internet nói riêng đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19. Thật ấu trĩ khi tin rằng sóng 5G làm phát tán virus", Ding Xiaowei bình luận trên Weibo.
Làn sóng đốt phá trạm phát sóng bắt đầu từ cuối tháng ba và diễn ra mạnh mẽ vào khoảng giữa tháng 4. Ngày 6/4, bốn nhà mạng lớn tại Anh là EE, o2, Three, và Vodafone cùng nhau đưa ra lời khẩn cầu người dân không đốt tháp 5G. Mặc cho chính quyền giải thích việc Covid-19 bùng phát không liên quan đến 5G, các cuộc phá hoại vẫn âm ỉ diễn ra. Tin giả lan truyền mạnh trên các phương tiện truyền thông xã hội đến nỗi Youtube, Facebook phải xóa các bài đăng có liên quan đến nội dung này.
Khương Nha (theo Business Insider)