Các kỹ sư chia sẻ với đài Radio 1 Newsbeat (Anh) rằng họ bị đe dọa, sỉ nhục vì nhiều người nghĩ họ đang tham gia phát triển công nghệ 5G.
"Một người khóa bánh xe tải của tôi vì nghĩ tôi đang làm gì đó liên quan tới 5G. Vì vậy, chúng tôi phải gỡ bảng hiệu, logo trên xe và không mặc đồng phục. Vợ tôi rất lo lắng, thường càm ràm khi tôi ra khỏi nhà và liên tục gọi điện để đảm bảo tôi không sao", kỹ sư Sam, 26 tuổi ở Plymouth, nói.
Cũng như Sam, Jake, 24 tuổi ở Birmingham, không tiết lộ tên đầy đủ do sợ bị trả thù. Anh kể, nhiều người la hét nhóm của anh rằng "chúng mày đang giết mọi người, hãy dừng việc triển khai 5G".
"Chúng tôi gặp nhiều kiểu tấn công, như lăng mạ, quay video và hỏi vì sao chúng tôi lại dựng lên những cột tháp chết chóc. Các kỹ sư còn bị ném vật lạ vào người. Họ đe dọa sẽ mang dao quay trở lại, thậm chí dọa bắn nếu chúng tôi không đi khỏi".
Trong khi đó, nhiệm vụ của anh chỉ là bảo trì mạng lưới để đảm bảo mọi người có thể làm việc, giải trí và liên lạc khi ở nhà trong đại dịch.

Nhiều cột viễn thông bị đốt dù không phát sóng 5G.
Theo báo cáo của Liên đoàn lao động đại diện cho hàng nghìn công nhân tại Anh, ít nhất 120 trường hợp phản ánh về tình trạng bị đe dọa này. "Chúng tôi nhận được báo cáo về những người bị dọa bằng dao, bị đánh, một số bị dọa giết", Andy Kerr, Phó tổng thư ký của Liên đoàn Công nhân Viễn thông (CWU), cho hay. CWU đại diện cho gần 40.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực viễn thông.
Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh cũng ghi nhận số lượng các cuộc tấn công hỏa hoạn và tình trạng phá hoại các cột viễn thông tăng lên trong tháng này.
Làn sóng đốt tháp 5G bắt đầu diễn ra ở Anh từ tháng 4, sau đó lan sang một số nước khác, như Hà Lan, Ireland, New Zealand... Nguyên nhân bắt nguồn từ các nhóm kín trên Change.org, NextDoor, Facebook, Twitter... tung tin giả rằng 5G là "tội đồ" phát tán virus corona. Nhiều người tin Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán sau khi thành phố này triển khai 5G và dịch bệnh cũng lây lan nhanh nhất ở các nước dùng 5G.
Chính phủ Anh bác tin đồn và tuyên bố những người phá hoại sẽ phải đối mặt với án hình sự, trong khi các nhà mạng phải "van nài" người dân không đốt tháp viễn thông. "Các nhà khoa học khẳng định công nghệ 5G và Covid-19 hoàn toàn khác biệt, không liên quan gì tới nhau, như phấn và phô mai vậy. Bạn không thể bị nhiễm virus vì sử dụng 5G", chuyên gia Olga Robinson chia sẻ trên BBC.
Minh Minh (theo BBC)