Xung quanh câu chuyện "Được - mất của sinh viên chạy xe ôm", độc giả Mr.hai chia sẻ bài học thành công của bản thân khi quyết định từ bỏ công việc chạy xe ôm để tập trung vào chuyên ngành theo học:
"Tôi cũng từng trải qua quãng đời sinh viên như thế: năm nhất chỉ lo học; năm hai vừa học vừa chạy xe ôm, làm phục vụ bàn thời vụ; nhưng đến cuối năm ba tôi tập trung vào chuyên ngành học của mình bằng cách đi làm thêm cho một công ty chuyên về lĩnh vực mình đang học, với mức lương ít ỏi nhưng bù lại tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng giao tiếp và đó là nền tảng phát triển cho tôi sau này.
Đi làm thêm kiếm tiền khi còn là sinh viên là một điều hay vì bạn sẽ tiếp xúc với rất nhiều người, học được rất nhiều bài học cuộc sống mà trên giảng đường không bao giờ được học. Tuy nhiên nó đòi hỏi bạn phải là người thật sự có bản lĩnh vì xã hội cũng có rất nhiều cạm bẫy, không phải ai cũng là người tốt và đồng thời bạn cũng phải có định hướng cụ thể cho việc học của mình, không vì kiếm tiền trước mắt mà bỏ bê việc học rồi có lúc bạn sẽ phải hối tiếc.
Đừng buồn vì nhiều người so sánh lương kỹ sư còn không bằng chạy xe ôm công nghệ hay phụ hồ vì đó là những người có tư duy, tầm nhìn hạn hẹp. Hãy cứ cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng thực hành khi có cơ hội rồi nhất định một ngày thành công sẽ đến với bạn".
Cùng chung quan điểm trên, bạn đọc Ấm Văn lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học thật, thi thật và kiên trì với ngành nghề được đào tạo:
"Tương lai phụ thuộc vào trình độ. Tôi không đủ thông minh nên không đỗ đại học, chỉ đỗ trường trung cấp. Tuy nhiên, tôi học thật thi thật, không làm thêm, không cúp giờ, không đút lót, không phao. Ra trường với bằng xếp hạng trung bình nhưng tôi tự tin với kiến thức và chuyên môn của mình.
Nằm nhà hai tuần, tôi nhận công việc đầu tiên, đúng chuyên ngành, học việc không lương, mỗi tuần được mấy đồng tiền ăn. Ba tháng sau tôi nhảy việc sang chỗ khác, vẫn đúng chuyên ngành, nhận lương bằng bảo vệ, gắn bó đến nay đã bảy năm và lương đã gấp bốn lần lúc mới vào. Tuy vẫn chỉ là người làm thuê nhưng giờ nhìn quanh, tôi tự tin và tự hào với bằng cấp của mình. Nó đúng là một cái gì đó có thể dẫn con người ta đến thành công như kỳ vọng chứ không phải như đa số sinh viên lười học ham chơi, đút tiền qua môn.
Cứ học thật, thi thật, yêu ngành nghề đã chọn, tôi tin rằng sẽ không ai sẽ thất bại hết. Tôi không khinh thường con đường hay ngành nghề làm ăn chính đáng nào cả. Tôi chỉ chê những người không cố gắng nhưng lại thích đổ lỗi cho hoàn cảnh. Cứ làm điều mà bạn cảm thấy tốt cho mình, nhưng một khi đã quyết định thì phải chấp nhận rủi ro có thể xảy ra và đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh. Sinh ra mà nghèo là lỗi của bố mẹ bạn nhưng chết đi vẫn nghèo là lỗi của bạn".
Tái khẳng định tính việc sinh viên ra trường hoàn toàn có thể làm giàu với ngành nghề mình đã theo học, độc giả Lê Tùng nhấn mạnh:
"Làm 3-5 năm mà thu nhập không bằng chạy xe ôm công nghệ thì phải tự trách trình độ bản thân thôi. Còn nếu làm được việc thì lương khởi đầu có thể thua chạy xe ôm công nghệ nhưng về lâu về dài (10-20 năm) thì thu nhập sẽ bỏ rất xa các công việc tay chân.
Ở Sài Gòn này, 10 năm kinh nghiệm đi làm lương 50 triệu đồng trở lên, hay 15-20 năm kinh nghiệm lương 70-150 triệu khá phổ biến dù thời mới ra trường lương họ dưới 10 triệu đồng. Học Đại học ra làm không đúng chuyên ngành chứng tỏ học kém, không thể cạnh tranh xin việc đúng ngành. Ngoài ra nếu tư duy, đầu óc tốt thì làm đúng chuyên ngành hay không vẫn giỏi".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.