Tay Seng Kee, cụ ông bị bệnh tiểu đường và huyết áp cao, không phải người duy nhất suy nghĩ như vậy. Mặc dù là nhóm đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 tại Singapore, những người từ 70 tuổi trở lên ở quốc đảo này hiện có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, thậm chí thấp hơn các nhóm vừa đủ điều kiện tiêm vào tháng trước.
Họ đưa ra nhiều lý do cho quyết định không tiêm chủng. Coreen Tan, 70 tuổi, cho biết bà không yên tâm với công nghệ mRNA được sử dụng để sản xuất một số loại vaccine Covid-19 vì "quá mới mẻ", có thể gây ra tác dụng phụ.
"Nếu người trẻ còn có khả năng phản ứng mạnh như bị ngừng tim, làm sao chúng tôi có thể yên tâm rằng những người già yếu sẽ không phải chịu những tác dụng phụ lâu dài vẫn chưa được phát hiện?", cụ bà đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Singapore (MOH) chỉ ra rằng công nghệ mRNA để sản xuất vaccine vốn đã được phát triển trong nhiều năm, trước cả khi đại dịch ập đến. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khẳng định những lợi ích của vaccine vượt xa nguy cơ.
Lý do mà S. Jaya, 75 tuổi, đưa ra cho quyết định không tiêm vaccine Covid-19 là tiền sử chóng mặt. Bà lo ngại về tác dụng phụ của vaccine và sự khó lường trong tình trạng sức khỏe của bản thân. "Tôi không muốn tự làm mình ốm thêm nữa. Chứng chóng mặt của tôi có thể đột ngột xuất hiện vì tiêm chủng", cụ bà cho hay.
Bên cạnh đó, Jaya không muốn trở thành gánh nặng cho những người con đã ngoài 50 tuổi nếu bà gặp biến chứng sau tiêm chủng. "Tôi không muốn các con phải chăm sóc mình. Đây là cơ thể của tôi. Bất kể chuyện gì xảy ra, tôi không muốn các con phải chịu khổ cùng tôi", bà giải thích.
Một cụ ông 80 tuổi tên Tan Peng Chew cũng không muốn tiêm chủng vì tiền sử bệnh tật, bao gồm các vấn đề tim mạch, cholesterol cao và huyết áp thấp. Bất chấp việc MOH đảm bảo vaccine Covid-19 an toàn đối với những người mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, cholesterol cao hay tiểu đường, Tan vẫn ngần ngại.
"Tôi đã quá già để tiêm vaccine và không muốn hỏi các bác sĩ quá nhiều. Không có gì giúp đảm bảo 100% vaccine phát huy tác dụng", cụ ông nêu quan điểm.
Andrew Tan, một người 71 tuổi không đăng ký tiêm, chỉ ra rằng các vaccine đang được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng của Singapore đều chưa được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ, mà chỉ là phê duyệt sử dụng khẩn cấp.
Tan thậm chí nghĩ đại dịch hiện nay cũng không phải trường hợp khẩn cấp, dù hơn 4 triệu người đã chết vì Covid-19 trên toàn cầu. Ông cho biết tỷ lệ tử vong tại Singapore "cực kỳ thấp", chỉ khoảng 0,06%, và dịch bệnh "không nguy hiểm như người ta tưởng".
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trung bình toàn cầu là khoảng 2,2%. Giới chuyên gia lý giải tỷ lệ này tại Singapore ở mức thấp nhờ những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, nhưng vẫn có thể tăng đột biến, đặc biệt trong số những người chưa tiêm chủng, khi các lệnh hạn chế được nới lỏng.
Bất chấp lập luận này, Tan lưu ý hàng trăm nghìn người khắp thế giới đã được chữa và khỏi Covid-19. "Điều đó chứng minh có sẵn những lựa chọn điều trị. Đại dịch bị coi là khẩn cấp chỉ bởi nỗi sợ hãi được tạo ra xung quanh nó", người đàn ông 71 tuổi nêu quan điểm.
Tan nói thêm rằng các vaccine chưa được bên thứ ba đánh giá, trong khi chỉ được phát triển trong thời gian ngắn, đồng thời bày tỏ lo ngại về những vaccine sử dụng công nghệ mRNA. Ông tự đưa ra nhận định rằng những lợi ích tiềm năng từ việc tiêm chủng không vượt xa rủi ro như tuyên bố của WHO.
Tuy nhiên, các chuyên gia về tiêm chủng Covid-19 tại Singapore bác bỏ những quan điểm như của ông Tan. Họ từng nhiều lần khẳng định lợi ích của các vaccine mRNA "vẫn tiếp tục lấn át rủi ro".
Một số người cao tuổi ban đầu tỏ ra ngần ngại tiêm chủng, cho đến khi được người thân thuyết phục, như cụ ông 83 tuổi tên Casey Law. Thợ cơ khí về hưu này từng không tin vào vaccine do tốc độ phát triển quá nhanh chóng.
MOH giải thích rằng vaccine được phát triển nhanh chóng nhờ nỗ lực chung của giới khoa học, các chính phủ và ngành dược phẩm. Nhiều hãng sản xuất vaccine đã đầu tư mạnh tay và cống hiến hết sức. Quan hệ đối tác toàn cầu vững chắc giữa các chính quyền, nhà nghiên cứu và nhà sản xuất, cùng những thử nghiệm diễn ra đồng thời, đã góp phần giúp quá trình được đẩy nhanh.
Ngoài ra, tình trạng đại dịch lan tràn khắp thế giới cũng giúp việc tìm đối tượng thử nghiệm nhanh hơn. MOH nhấn mạnh tính an toàn, khoa học và đạo đức trong quá trình phát triển vaccine không hề bị tổn hại, thêm rằng quá trình này không có bất cứ "lối tắt" nào.
Con trai Law cuối cùng cũng thuyết phục được ông đi tiêm vaccine Covid-19 và ông đã tiêm đủ hai liều từ tháng 4. Chan Hon Kee, một tài xế taxi về hưu, ban đầu cũng ngần ngại vì lo sợ tác dụng phụ và cho rằng vaccine không hiệu quả. Tuy nhiên, cụ ông 80 tuổi quyết định đi tiêm sau nhiều lời động viên và thuyết phục từ bạn bè và gia đình.
Chan, người sẽ tiêm liều vaccine thứ hai vào ngày 6/8, cho biết dù tiêm vaccine hay không phụ thuộc vào quyết định của mỗi người, ông giờ đây cảm thấy nhẹ nhõm vì đã được tiêm chủng.
Ánh Ngọc (Theo Straits Times)