Singapore vẫn áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với người nhiễm nCoV, dù bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng hoặc là ca bệnh nhẹ. Biện pháp này nhằm giảm nguy cơ chuỗi lây nhiễm mở rộng trong cộng đồng.
Theo bác sĩ Satya P.K. Gollamudi, lãnh đạo bộ phận dịch vụ y tế tại Bệnh viện Alexandra của Singapore, những trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ và vừa thường vẫn được nhập viện để theo dõi. Thời gian theo dõi sức khỏe trong bệnh viện kéo dài 7 ngày kể từ khi xét nghiệm dương tính, vì những triệu chứng nặng thường xuất hiện trong tuần đầu tiên.
Sau 7 ngày, nếu được cơ sở điều trị xác nhận các triệu chứng chỉ ở mức nhẹ, hoặc sức khỏe lâm sàng ổn định sau điều trị nhưng vẫn dương tính với nCoV, bệnh nhân sẽ được xuất viện và chuyển đến "cơ sở chăm sóc cộng đồng".
Không giống các ca bệnh nghiêm trọng, bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ không cần can thiệp bổ sung oxy hay biện pháp đặc trị. Một số loại thuốc được bán trên thị trường đủ để điều trị triệu chứng nhẹ và vừa của Covid-19, theo bác sĩ Gollamudi.
"Phần lớn ca nhiễm nCoV tại Singapore có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Đa số đều được chuyển về những cơ sở chăm sóc cộng đồng và có thể bình phục với mức độ can thiệp y tế tối thiểu", Bộ Y tế Singapore hướng dẫn về điều trị bệnh nhân Covid-19 vào tháng 5/2020.
Tính đến ngày ngày 30/6, đảo quốc còn 133 ca nhiễm đang được giám sát trong bệnh viện. Đa số bệnh nhân đều ổn định, chỉ có 8 trường hợp nghiêm trọng cần can thiệp bổ sung oxy và 4 trường hợp nguy kịch cần chăm sóc tích cực (ICU).
Với tiến triển của chương trình tiêm chủng Covid-19 ở Singapore, đảo quốc đang chuyển hướng sang chiến lược sống chung với đại dịch. Điều này châm ngòi cho một số tranh luận về chính sách điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ hoặc không triệu chứng.
Theo nhà nghiên cứu thống kê sinh học Alex Cook và chuyên gia bệnh truyền nhiễm Hsu Li Yang của Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, điều trị tập trung bệnh nhân Covid-19 mà không phân biệt mức độ ca bệnh sẽ thiếu tính bền vững trong bối cảnh mới.
Dù chiến lược cũ chứng tỏ hiệu quả kiểm soát tình hình dịch bệnh, duy trì nó trong thời gian dài sẽ tạo ra sự mệt mỏi cho xã hội. Singapore cần "áp dụng cách tiếp cận có trọng điểm để giải quyết nhanh chóng các ca bệnh mới thay vì thẳng tay dùng búa tạ", Cook nói.
Theo các chuyên gia, phương pháp cách ly mọi ca bệnh trong bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc cộng đồng sẽ không còn cần thiết "một khi đại đa số người dân đã được bảo vệ" bằng vaccine. Cách tiếp cận này cũng không thiết thực nếu số ca bệnh nhẹ mỗi ngày đạt mức ba con số, trong khi sẽ gây sức ép quá lớn đối với hệ thống y tế của đảo quốc.
"Phản ứng nhanh nhằm khống chế lây lan mang ý nghĩa then chốt. Tuy nhiên, chính sách cách ly mạnh tay sẽ khiến người nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ ngần ngại đi xét nghiệm hoặc tìm kiếm hỗ trợ y tế", Alex Cook và Hsu Li Yang nhận định. "Không cần dùng nguồn lực chăm sóc sức khỏe và bệnh viện tốn kém với diện này".
Thống kê của Bộ Y tế Singgapore trong 28 ngày qua về ca nhiễm nội địa cho thấy 1% số bệnh nhân Covid-19, thuộc diện đã tiêm đủ hai mũi vaccine, cần can thiệp bổ sung oxy trong thời gian điều trị. Không bệnh nhân nào trong nhóm cần chuyển vào ICU.
Đối với nhóm đã tiêm một mũi vaccine trước khi nhiễm nCoV, tỷ lệ ca bệnh nhẹ và không triệu chứng là 92,9%, còn 4,8% cần hỗ trợ thở oxy và 2,4% cần can thiệp ICU. Theo các chuyên gia, thay đổi chiến lược cách ly và điều trị tập trung mọi ca bệnh Covid-19 ở Singapore cần đảm bảo hai yếu tố then chốt: mức độ bảo vệ toàn dân bằng vaccine và ý thức xã hội.
"Quyết định bỏ cách ly, điều trị tại bệnh viện cho ca nhiễm thể nhẹ hoặc không triệu chứng đòi hỏi người bệnh có trách nhiệm, tự cách ly tại nhà và nghỉ ngơi, đảm bảo không lây bệnh cho người khác", hai chuyên gia Đại học Quốc gia Singapore lưu ý.
Phương án tự điều trị tại nhà cho người nhiễm Covid-19 nhẹ hoặc không triệu chứng cũng đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), người nhiễm nCoV thể nhẹ "nên ở nhà trừ trường hợp cần chăm sóc y tế". Phần lớn người nhiễm nCoV chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ và có thể bình phục mà không cần điều trị. Người nhiễm cần giữ liên lạc với bác sĩ, chú ý tìm kiếm sự giúp đỡ từ người có chuyên môn khi cảm thấy khó thở hoặc trong tình trạng khẩn cấp.
Những tín hiệu khẩn cấp đối với bệnh nhân Covid-19 cần nhập viện tại Mỹ gồm: Khó thở, đau hoặc tức ngực dai dẳng, mất tỉnh táo hoặc da, môi, vùng da quanh móng tay trở nên xanh xao nhợt nhạt.
Những người trong cùng gia đình cần hạn chế tiếp xúc tối đa với người nhiễm nCoV, không dùng chung đồ vật, dọn vệ sinh và khử trùng thường xuyên những không gian chung, đồng thời bố trí nhà vệ sinh riêng cho người nhiễm nếu có thể. Người chăm sóc bệnh nhân cũng cần cách ly tại nhà và hạn chế ra đường.
Tại Anh, cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) lưu ý những ca bệnh Covid-19 nhẹ không cần nhập viện, nhưng vẫn nên đăng ký kiểm tra sức khỏe qua mạng.
Người nhiễm có thể liên hệ với đường dây nóng để xin tư vấn và can thiệp hỗ trợ nếu xuất hiện các dấu hiệu như: Không thể tự ứng phó các triệu chứng tại nhà, các triệu chứng ngày một tệ hơn, không dứt sốt và bình phục sau một tuần hay không thể làm những công việc đơn giản thường nhật như nhìn điện thoại, đọc sách hay rời khỏi giường.
Ngoài các trường hợp khẩn cấp trên, cơ quan y tế Anh chỉ khuyến cáo người nhiễm nCoV mang triệu chứng nhẹ tự điều trị và cách ly tại nhà. Các khuyến cáo này tương tự điều trị cúm thông thường, như uống nhiều nước, tránh thức uống có cồn vì nCoV có thể tấn công vào gan, nghỉ ngơi nhiều và tránh hoạt động quá sức, dùng thuốc để tự điều trị triệu chứng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Quá trình tự cách ly và điều trị tại nhà có thể kéo dài hơn một tuần, cho đến khi người nhiễm hồi phục sức khỏe. Người thuộc nhóm nguy cơ cao như lớn tuổi hoặc có bệnh nền sẽ được ưu tiên theo dõi sức khỏe và điều trị ở bệnh viện.
Biện pháp cho người nhiễm nCoV thể nhẹ tự cách ly và điều trị tại nhà cũng được áp dụng ở Ấn Độ, đặc biệt trong giai đoạn làn sóng dịch thứ hai làm hệ thống y tế nước này quá tải. Những ca nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được Bộ Y tế và Gia đình Ấn Độ cho phép tự cách ly trong phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người thân trong gia đình.
Thân nhân sống cùng nhà được yêu cầu tự cách ly 14-21 ngày và có trách nhiệm giữ liên lạc thường xuyên với cơ sở y tế. Bệnh nhân trên 60 tuổi có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng chỉ được phép tự cách ly ở nhà nếu được bác sĩ đồng ý.
Tuy nhiên, tương tự những tranh cãi hiện nay ở Singapore, việc tự điều trị ca nhiễm triệu chứng nhẹ tại nhà đòi hỏi người bệnh có ý thức tự giác cao trong việc chấp hành quy định tự cách ly.
Nhiều trường hợp ca nhiễm không tuân thủ quy định cách ly đã được ghi nhận tại Ấn Độ trong giai đoạn bùng phát dịch, khiến chính quyền một số địa phương phải áp dụng kèm theo biện pháp giới nghiêm hoặc giãn cách xã hội để vừa giảm áp lực lên hệ thống y tế, vừa giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Thanh Danh