Tiến sĩ Benjamin Seet, Phó Giám đốc điều hành National Healthcare Group, được Ủy ban Phát triển Kinh tế (EDB) bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng chuyên gia về điều trị và vaccine (TxVax) vào ngày 13/4/2020. 18 thành viên của Hội đồng đều là các chuyên gia về miễn dịch hoặc các ngành khoa học cơ bản, có kinh nghiệm y khoa, cùng với chuyên gia từ công ty dược phẩm.
Trước khi ông đảm nhận trọng trách này, một đợt bùng phát xảy ra tại khu nhà ở dành cho công nhân nước ngoài, khiến 54.500 người nhiễm nCoV.
"Lúc đó, chúng tôi nhận thấy tác động của đại dịch đối với Singapore có thể sẽ nghiêm trọng hơn. Ngay khi có vaccine hiệu quả, Singapore cần được tiếp cận với nó. Chúng tôi có nhiệm vụ đảm bảo rằng đất nước sẽ có vaccine khi cần", ông Seet nhớ lại.
Hai tháng sau khi Hội đồng được thành lập, Singapore đã mua những liều vaccine đầu tiên từ hãng Pfizer và Sinovac. Thỏa thuận này đảm bảo đủ vaccine cho tất cả người trưởng thành, tuy nhiên, vốn thận trọng, quốc gia vẫn mua thêm nhiều vaccine để dự phòng cho nhiều tình huống. Vaccine có thể phản ứng tốt với người này, nhưng không hợp với người khác.
Bước đầu tiên của khâu chọn vaccine, TxVax liệt kê những vaccine truyền thống và vaccine tiềm năng dựa trên công nghệ mới của các hãng dược lớn. Khi ấy, có khoảng 8 đến 9 nhóm vaccine đang được phát triển trên thế giới.
Theo ông Seet, việc đánh giá kỹ lưỡng tất cả các vaccine rất khó khăn. Vì vậy, họ rút xuống còn bốn nhóm có thể sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Đó là vaccine sử dụng công nghệ RNA, vaccine vector virus, vaccine chứa virus bất hoạt và vaccine tiểu đơn vị protein.
Ông Seet giải thích: "Chúng tôi chọn một số vaccine cũ và mới, đồng thời xem xét loại nào sẽ có trước". Mặc dù vậy, danh sách rút gọn vẫn còn tới hơn 40 công ty. Nhóm chuyên gia quyết định sẽ chọn vaccine đầu tiên được tung ra. Tuy nhiên, sớm nhất không có nghĩa là tốt. Vì vậy, họ nhắm đến các vaccine được phát triển nhanh và cả những loại có tiềm năng.
"Chúng tôi ngạc nhiên khi những vaccine đầu tiên lại cho hiệu quả cao nhất", ông nói, ám chỉ vaccine của Moderna và Pfizer với hiệu quả lên tới 95%.
Để chọn mua vaccine, TxVax phải được tiếp cận với thông tin mật. Họ nhờ tới Ủy ban Phát triển Kinh tế thuộc chính phủ và vận dụng các mối quan hệ trong giới khoa học, y tế để kết nối với những lãnh đạo cấp cao của các hãng dược toàn cầu. Ví dụ, nhóm đã liên hệ với nhà sáng lập Moderna, giáo sư Robert Langer, thông qua một học giả Singapore, đồng thời là học trò cũ của ông Seet.
Khi xác định được đầu mối, TxVax liên hệ, đề xuất xem xét và mua bán vaccine. Theo ông Seet, mua vaccine chưa từng có trên thị trường là điều mới mẻ đối với các nhà sản xuất.
"Dược phẩm là ngành được kiểm soát chặt nhất. Hãng dược chỉ bán thuốc đã được cấp phép", ông nói. Tuy nhiên, phần lớn các công ty đã đồng ý với đề xuất.
Sau khi ký thỏa thuận bảo mật thông tin, ban chuyên gia có thể trao đổi với các lãnh đạo, nhà khoa học và những người tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Khi cần thiết, người của Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) Singapore trực tiếp đến nhà máy để kiểm tra quá trình sản xuất.
Nhờ thỏa thuận, nhóm của ông Seet đã có dữ liệu trước khi chúng được công bố. "Khi thu thập được nhiều thông tin hơn, chúng tôi có thể sàng lọc các ứng viên", tiến sĩ Seet nói. Tới tháng 9/2020, danh sách được rút gọn còn khoảng 12 đến 14 công ty.
Trước khi đặt mua vaccine, TxVax nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo. Họ còn xem xét cách thức vận chuyển vaccine. Do các lô hàng mất ít nhất 6 tháng mới tới nơi, nhóm xác định đặt hàng từ các công ty khác nhau sẽ giúp Singapore sớm có vaccine và duy trì nguồn cung ổn định.
Những thỏa thuận mua bán trên đều được thực hiện trước khi HSA phê duyệt vaccine. Giáo sư Kenneth Mak, giám đốc Dịch vụ y tế của Bộ Y tế, cho biết Singapore ký hợp đồng với Pfizer/BioNTech, Moderna và Sinovac trước khi các công ty hoàn thành thử nghiệm giai đoạn ba. Theo ông, thỏa thuận còn bao gồm quy định về thời điểm giao vaccine.
HSA đưa ra khung phê duyệt vaccine riêng, cho phép các hãng dược cập nhật dữ liệu mới cho cơ quan có thẩm quyền, thay vì phải đợi đến khi có toàn bộ thông tin liên quan. Điều này giúp quá trình xét duyệt vaccine bắt đầu sớm, ông Mak giải thích. Cách này áp dụng cho cả vaccine Pfizer và Moderna. Vaccine Pfizer được Singapore phê duyệt vào tháng 12/2020, trong khi Moderna được phép sử dụng tại nước này từ đầu tháng 2.
"Khi dữ liệu được gửi kịp thời, HSA có thể cấp phép sớm hoặc ngay trước khi vaccine đến Singapore. Thời gian phê duyệt nhanh chóng thực chất dựa trên khung thời gian được vạch sẵn", ông Mak cho hay.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 18/5, Singapore đã tiêm hơn 3 triệu liều vaccine. Hơn 2 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 1,4 triệu người được tiêm đầy đủ.
Ngày 18/5, để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng hướng tới mục tiêu càng nhiều người được tiêm sớm càng tốt, Singapore đã điều chỉnh chiến lược chủng ngừa. Theo đó, nước này quyết định kéo dài khoảng cách tiêm giữa hai mũi từ 3 - 4 tuần đang áp dụng hiện nay lên 6 - 8 tuần. Ước tính, điều chỉnh này có thể giúp thêm 400.000 người được tiêm phòng từ nay cho tới cuối tháng 7.
Mai Dung (Theo Straits Times, CNA)