Theo giáo sư Teo Yik Ying, trưởng khoa Y tế công cộng của Đại học Quốc gia Saw Swee Hock, tình hình hiện nay không cho phép người dân lơ là dù chỉ trong phút chốc. Ông cảnh báo: "Chúng ta đã chứng kiến nhiều quốc gia phải siết chặt hạn chế, thậm chí phong tỏa, sau khi mở cửa nền kinh tế. Viễn cảnh này có thể trở thành hiện thực nếu ta chủ quan. Tôi hy vọng dịch sẽ không lan rộng hơn ra cộng đồng".
Số ca Covid-19 trong cộng đồng ở Singapore đang tăng đột biến. Báo cáo hôm 3/5 của Bộ Y tế Singapore, số ca nhiễm mới tăng lên 60 trong tuần qua, so với 10 ca của tuần trước đó.
Ngày 4/5, Singapore ghi nhận 17 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng ca Covid-19 lên 61.252. Trong số 17 ca, có 5 ca liên quan tới ổ dịch Bệnh viện Tan Tock Seng (TTSH). TTSH là ổ dịch lớn nhất trong số 9 điểm nóng Covid-19 ở Singappore, với 40 ca liên quan.
Tuy nhiên, các ổ dịch có thể sớm được kiểm soát nếu có biện pháp đúng đắn. Giáo sư Teo dự đoán: "Nếu công tác xét nghiệm, điều tra, truy vết và cách ly được thực hiện tốt như trước kia, ta sẽ dập được dịch sau vài tuần hoặc lâu hơn".
Giáo sư Teo cho rằng khả năng chống dịch của Singapore hiện nay cải thiện hơn năm 2020, với hơn 1/5 dân số được tiêm chủng, năng lực xét nghiệm tốt hơn. Tỷ lệ người dùng ứng dụng truy vết TraceTogether tăng và các cơ sở y tế được nâng cấp để đối phó với số ca nhiễm tăng đột biến.
Singapore cũng hành động nhanh chóng để ngăn virus lây lan, xét nghiệm cho 1.000 bệnh nhân cùng với 4.500 nhân viên, phong tỏa bốn khu bệnh xá ở TTSH. Các nhà chức trách khẩn trương khoanh vùng các ổ dịch và cả các điểm có nguy cơ.
Sau khi một học sinh trường Edgefield có kết quả dương tính với nCoV vào ngày 30/4, trường chuyển sang học trực tuyến từ ngày 4 đến 7/5. Nhà trường tiến hành khử khuẩn khuôn viên và lớp học. Giáo sư Teo nói: "Điều quan trọng là sự hợp tác của cộng đồng. Mọi người cần thực hiện các biện pháp giữ an toàn cho cá nhân như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội".
Theo giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia, các ca nhiễm tăng lần này là "bài kiểm tra" cho Singapore. Giáo sư Fisher khuyến cáo chính quyền tập trung giải quyết dứt điểm các cụm dịch này, khi virus chưa kịp bùng phát mạnh mẽ trong cộng đồng.
Ông cho rằng câu hỏi hóc búa đặt ra cho Singapore là làm thế nào để vừa kiểm soát ổ dịch mà không cần phong tỏa hoặc làm ảnh hưởng đến các nơi khác.
"Khi các ca nhiễm vượt ngoài tầm kiểm soát, những biện pháp hạn chế cần được siết chặt", Fisher nhận xét.
Ngày 1/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thắt chặt các biện pháp dập dịch cục bộ.
"Nếu phải áp lệnh phong tỏa, đó sẽ là một trở ngại lớn cho người dân và nền kinh tế. Chúng không thể để điều đó xảy ra", ông phát biểu.
Trong khi Singapore đang tăng cường khả năng phòng thủ, kẻ thù vô hình cũng trở nên nguy hiểm hơn. Sự xuất hiện của các biến thể mới khiến cuộc chiến chống dịch trở nên phức tạp. Những biến thể này dễ lây truyền hơn, khó phát hiện hơn và có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch.
Các biến thể bao gồm B.1.1.7 từ Anh, biến thể P1 Brazil, B.1.351 Nam Phi và B.1.617 mang đột biến kép từ Ấn Độ. Mặc dù vaccine có tác dụng phòng chống các biến thể mới, chúng không đạt hiệu quả 100% và vẫn có các trường hợp mắc Covid-19 sau khi tiêm phòng. Các nhà khoa học cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định nguy cơ lây nhiễm sau khi tiêm và khả năng bảo vệ của vaccine sẽ kéo dài bao lâu.
"Chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến ổ dịch là do các biến thể hay sự chủ quan của người dân. Tình hình có thể xấu đi rất nhanh nếu ta mất cảnh giác. Vì thế, ta cần tuân thủ các quy tắc an toàn để vượt qua đại dịch", giáo sư Teo khuyến cáo.
Mai Dung (Theo Straits Times)