Có vị lãnh đạo cấp tổng cục nọ đã nghỉ hưu gần chục năm, khi một đơn vị trong ngành tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, rất thiện chí gửi thư mời kèm theo vé máy bay mời ông tham dự. Nhưng ông ta tự ái khi thấy vé máy bay gửi cho mình là hạng thường chứ không phải hạng VIP như thuở còn đương chức...Ông liền trách cứ đơn vị trên "thiếu tử tế"...
Cũng từng có việc một vị sĩ quan cao cấp nọ, dù đã hưu trí, nhưng vẫn giữ cái thẻ sĩ quan để thị uy người thực thi công vụ khi bản thân mình sai phạm.
Dù những người đương chức đang phải chen chúc vì thiếu chỗ ngồi.
Ở nhiều đơn vị sự nghiệp, chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu đã tạo điều kiện cho nhiều người dù đã hết tuổi quản lý, vẫn có cơ hội tiếp tục cống hiến. Nhưng nhiều người hình như "quên mất" rằng, bây giờ mình chỉ là "phó thường dân", họ vẫn thể hiện quyền uy, vẫn tìm cách can thiệp vào việc của tổ chức, không để ý vào chuyên môn, dù rằng chuyên môn của chính họ đang có vấn đề...
Có thể nói, những hiện tượng đã nêu trên là "triệu chứng" của căn bệnh "nghiện quyền lực". Đây là một căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến "sức khoẻ" của tổ chức, của xã hội. Đây cũng là một dạng tha hoá cần phải được điều trị dứt điểm.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Người Việt bán cái mình có, không bán cái khách hàng cần'
>> 'Con khỉ thứ 100' và sự xuống cấp của văn hoá
Những người bị mắc "căn bệnh" này khi đương chức thường có tư tưởng "chủ nhân ông". Họ coi cơ quan, tổ chức như nhà của mình mà họ là ông chủ. Họ coi tài sản công là của riêng mà họ sở hữu. Vì thế họ mặc sức tuỳ tiện làm theo ý mình. Là lãnh đạo, họ không phân công nhiệm vụ theo vị trí việc làm và năng lực thực tế, mà giao theo mức độ quan hệ thân thiết, gần gũi hay không.
Bổ nhiệm chức vụ, họ không coi trọng nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình, mà "chiểu theo" tiêu chí: có nằm trong ekip không, có biết cách làm hài lòng cấp trên không... Tư tưởng "chủ nhân ông" biểu hiện ở thái độ gia ân, ban phát. Những người lãnh đạo có tư tưởng này thường tìm cách thâu tóm quyền lực để có thể thao túng. Họ sẽ vô hiệu hoá các thuộc cấp nếu thấy nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lực của mình. Họ bưng bít thông tin, úp mở các kế hoạch của đơn vị và bóng gió đe doạ cấp dưới. Họ cũng không từ bất cứ một thủ đoạn nào để vùi dập những người không cùng "phe", kể cả những thủ đoạn đê hèn nhất.
Các tổ chức do những "ông kẹ" kiểu này lãnh đạo thường có không khí làm việc ngột ngạt. Môi trường văn hoá của tổ chức phức tạp, các thành viên luôn đề phòng nhau. Hiệu quả công việc sút giảm vì không tạo được động lực làm việc tích cực. Sẽ dễ hình thành những nhóm người mang tính cách "Hoà Thân", nghĩa là loay hoay với kỹ năng nịnh nọt, bợ đỡ lãnh đạo để tìm kiếm cơ hội cho mình. Những người có tự trọng sẽ thu mình lại, khép kín, thận trọng, thui chột ý chí phấn đấu và mất niềm tin vào những giá trị cốt lõi.
Nhớ chuyện xưa, Phạm Công Trứ người làng Liêu Xuyên, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Hào, Hưng Yên), đỗ Tiến sĩ năm 1628, làm quan đến Tham tụng, mặc dầu chúa Trịnh Tạc giữ lại, đã nài xin đến mấy lần để được về hưu. Chúa Trịnh đã quyến luyến không muốn cho về, nhưng khi buộc phải đồng ý, đã ban cho ông 5 chữ: "Kỳ cựu trấn nhã tục" (Nghĩa là: Tuổi già làm quan đã lâu, làm gương cho kẻ nhã, người tục).
>> Quan chức và trí tuệ cảm xúc
>> Giới hạn trách nhiệm của quan chức
Người xưa có câu: "Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy". Trong "Tập đế" của nhà Phật, có chỉ rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến nỗi khổ của con người là "Tham" (Tam độc gồm: Tham, sân, si). Tham là không biết thế nào cho đủ, không có điểm dừng. Tham là bât chấp, tìm mọi cách để đạt được cái mà mình muốn, cái mà mình chưa có. Nghiện quyền lực là một dạng của lòng tham thiếu kiểm soát. Hệ luỵ do đó cũng khó lường. Một xã hội dân chủ sẽ không dung túng cho thói tham quyền cố vị đó. Để chữa khỏi căn bệnh "nghiện quyền lực", liều thuốc hữu hiệu nhất là phải triệt tiêu thói độc đoán, vị quyền. Đối với những đơn vị còn sử dụng người đã đủ tuối nghỉ hưu, cần có những quy định cụ thể, đánh giá năng lực dựa trên hiệu quả công việc. Theo đó, yêu cầu thật sự phải có chuyên môn cao hơn, chất lượng hơn so với những người đương nhiệm mới được tiếp tục ở lại. Tránh tình trạng "cả nể", phiên phiến, "nhận đại", sẽ gây phiền hà cho tổ chức, thậm chí trở thành "vật cản" cho sự phát triển của tổ chức. Và điều đó cũng sẽ khiến cho căn bệnh "nghiện quyền lực" trầm kha hơn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.