Tại buổi giám sát của HĐND TP HCM về công tác quản lý đầu tư đối với các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sáng 3/7, Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nhìn nhận quá trình giám sát của các đại biểu đã chỉ ra nhiều vấn đề, trong đó hạn chế, khuyết điểm nhiều hơn ưu điểm.
Ông Hoan cho rằng, đối với các quốc gia đang phát triển thì việc huy động nguồn lực từ tư nhân, nước ngoài tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị là rất cần thiết nên đây là ưu điểm của hình thức PPP. Hiện, TP HCM chủ yếu triển khai hai dạng hợp đồng là BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) và BT (xây dựng – chuyển giao). Ngoài ra, thành phố đang nghiên cứu hợp đồng BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao).
Nói về tình trạng chỉ định nhà đầu tư trong các dự án PPP trên địa bàn thời gian qua, ông Hoan cho rằng về cơ bản việc này không xấu, không sai nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro, nếu lơ là thì nhà nước sẽ bị thiệt. Đây chính là lỗ hổng nên trong giai đoạn 2018-2019 hình thức này đã phải dừng lại và vừa qua bị Quốc hội khai tử.
Phó chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ ra một số bất cập khác đối với hình thức BT như nguyên tắc của PPP là xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác quỹ đất dọc theo dự án. Tuy nhiên, các nhà đầu tư làm dự án một nơi nhưng lại muốn được thanh toán đất chỗ khác. Ngoài ra, Chính phủ cho phép thanh toán bằng tiền hoặc đất nhưng họ đều chọn đất vì chỉ 5 năm sau khi ký hợp đồng đất đã có giá hơn rất nhiều, lãi suất ngân hàng không bằng. Vì vậy, việc thanh toán cho các nhà đầu tư thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi Quốc hội ban hành Luật hợp tác công tư, ông Hoan cho biết UBND thành phố đã họp bàn với các sở ngành và chia các dự án PPP thành 3 nhóm. Trong đó, các dự án đang chuẩn bị hoàn thành thì vẫn làm theo hợp đồng; các dự án đang dở dang thì thực hiện theo Nghị định cũ nhưng thanh toán theo Nghị định mới. Theo đó, khu đất dùng thanh toán cho nhà đầu tư phải được đấu giá và báo cáo Thủ tướng. Còn với các dự án mới có đề xuất thì sẽ ngưng.
Theo ông Hoan, sắp tới, thành phố chủ động đề xuất, đưa ra các dự án để đấu thầu công khai, kêu gọi đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm. "Việc này để tránh tính trạng nhà đầu tư tự đề xuất dự án rồi thành phố xem xét đồng ý nhưng chỉ có duy nhất đơn vị đề xuất tham gia, dẫn đến việc chỉ định", ông Hoan nói.
Tại buổi giám sát, Phó chủ tịch HĐND thành phố Phan Thị Thắng nói rằng, do đi trước các địa phương khác nên quá trình thực hiện các dự án theo hình thức PPP của thành phố đã có những cái mới phát sinh, chưa trùng khớp với quy định của pháp luật.
Bà Thắng cho rằng, thành phố đã ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP nhưng chưa có thứ tự ưu tiên. Các sở ngành chưa chủ động kêu gọi mà đa số các dự án do nhà đầu tư chủ động đề xuất rồi sau đó chính quyền xem xét, rà soát và chấp thuận. Điều này dẫn đến việc chưa đảm bảo công bằng để tạo sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư.
"Việc dự án bị tăng chi phí đầu tư do kéo dài thời gian cũng có trách nhiệm của các sở ngành, quận huyện", bà Thắng nói và đề nghị UBND thành phố sớm ban hành quy trình cụ thể đối với việc thực hiện từng loại hợp đồng của dự án theo luật PPP vừa được Quốc hội ban hành cũng như sớm có quy chế phối hợp trong quá trình thực hiện.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố Trần Anh Tuấn cho biết thành phố đang quản lý 22 hợp đồng dự án đã ký kết và triển khai theo hình thức PPP (đối tác công - tư) với tổng số vốn hơn 64.200 tỷ đồng; 166 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư với tổng vốn hơn 324.000 tỷ đồng và đang kêu gọi đầu tư gần 293 dự án ở tất cả lĩnh vực giao thông, môi trường, giáo dục, y tế...
Theo ông Tuấn, thời gian tới, khi Luật hợp tác công tư có hiệu lực, dự báo thành phố gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án không có nguồn từ hoạt động cung cấp dịch vụ công hoặc khó khả thi về tài chính như chống ngập, cống kiểm soát triều, đê kè, trụ sở cơ quan nhà nước, nghĩa trang, di dời các hộ dân ven kênh rạch...
"Nguyên nhân do Luật hợp tác công tư không còn quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Ngoài ra, luật mới cũng quy định tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án phải là 200 tỷ đồng và hạn chế nhiều lĩnh vực đầu tư. Thành phố sẽ có ít dự án đầu tư theo hình thức PPP và sẽ khó phân cấp được cho các quận huyện kêu gọi đầu tư cho các dự án có quy mô dưới 200 tỷ đồng", ông Tuấn nói.
Trước đó, đại biểu Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nói rằng qua khảo sát thực tế, tiến độ các dự án theo hình thức PPP còn chậm do vướng mắc trong bồi thường tái định cư; chính sách thay đổi; dự án phải dừng để rà soát pháp lý.
"Dự án càng kéo dài thì chi phí càng tăng. Vì vậy, UBND thành phố cần chặt chẽ hơn trong việc tổ chức cơ chế phối hợp giữa các đơn vị cũng như tính toán quỹ đất cho nhà đầu tư để giảm chi phí phát sinh", ông Bình nói và dẫn chứng dự án đường song hành phía Nam cao tốc TP HCM - Long Thành, đoạn từ nút giao An phú đến Vành đai 2, nhà đầu tư đã tự ứng vốn để làm nhưng dự án đang bị vướng mặt bằng ở quận 2 và 9. Trong khi đó, địa phương thì đổ lỗi cho nhà đầu tư phối hợp các sở ngành chưa chặt chẽ trong việc xác định ranh, xác định giá trị đất...
Ông Bình đề nghị đối với những dự án BOT đang bị vướng pháp lý do có quy định mới như cầu đường Bình Triệu, Tân Kỳ Tân Quý thì UBND cần sớm kiến nghị Trung ương tháo gỡ vì đây là nhưng khu vực có áp lực giao thông lớn, nếu không giải quyết nhanh thì sẽ giẫm chân tại chỗ.
Hữu Công