"Hệ thống giao thông của thành phố còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và chậm so với quy hoạch", ông Trần Quang Lâm báo cáo HĐND TP HCM về tiến độ, hiệu quả các công trình giao thông trọng điểm, ngày 10/6.
Theo ông Lâm, những năm qua ngành giao thông được thành phố quan tâm và bố trí tỷ lệ vốn lớn nhưng so với các nơi khác về mật độ giao thông với diện tích đường và dân số thì chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Dẫn chứng Hải Phòng có số km đường bằng 1/10 thành phố, dân số chỉ 2 triệu (1/5 thành phố) nhưng vốn dành cho đầu tư hạ tầng giao thông đến 15.000 tỷ đồng trong năm 2019.
"TP HCM trong cả giai đoạn 2015-2020 chỉ dành vốn hơn 50.000 tỷ cho đầu tư giao thông, trong đó tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đã chiếm 50%, còn lại cho các công trình chỉ khoảng 25.000-30.000 tỷ", ông Lâm nói.
Ngoài ra, theo ông Lâm, hàng loạt dự án quan trọng tại TP HCM đang rất chậm so với quy hoạch do thiếu vốn, khiến tình trạng giao thông trên địa bàn ngày càng "bức bối".
Cụ thể, HĐND thành phố có hẳn một Nghị quyết về việc khép kín đường Vành đai 2 (64 km) trước năm 2020 nhưng đến nay không thể làm được. Còn đường Vành đai 3 (dài gần 90 km, nối với các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai), theo quy hoạch của Chính phủ cũng phải hoàn thành trong năm nay nhưng hiện chỉ có Bình Dương làm được một đoạn 16 km; một số đoạn đang chuẩn bị thủ tục đầu tư, có đoạn chưa bố trí được vốn.
Đối với các tuyến cao tốc, TP HCM được quy hoạch 5 tuyến kết nối với các tỉnh nhưng hiện chỉ 2 tuyến được đưa vào khai thác là TP HCM - Trung Lương và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
"Trong khi đó, so với các tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng, hệ thống vành đai và cao tốc đều được đầu tư cơ bản", ông Lâm nói và cho biết, qua mô phỏng tình hình giao thông trên địa bàn, nếu thành phố không tăng cường nguồn lực đầu tư thì 5 năm nữa nhu cầu sẽ vượt năng lực đáp ứng của đường sá 1,55 lần; đến năm 2030 là 1,6 lần. Vì tính theo số phương tiện tăng 9,6%, đến năm 2025 thành phố sẽ có 890 ôtô trên 1.000 người.
"Hầu hết các dự án mà thành phố đã phê duyệt và thông qua chủ trương đầu tư đều là những công trình cấp bách và sau khi hoàn thành đều phát huy hiệu quả", ông Lâm nói.
Dù đánh giá tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chậm hơn quy hoạch, dân số và phương tiện liên tục tăng, song ông Lâm cho rằng bức tranh giao thông của thành phố không phải "không có màu hồng".
Từ năm 2015 đến nay, tình hình giao thông ổn định và có cải thiện hơn. Số vụ tai nạn hàng năm đều giảm về 3 mặt; số vụ ùn tắc kéo dài cũng giảm từ 37 xuống 22 điểm.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ ghi nhận nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm hoàn thành và đưa vào khai thác phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn các dự án kéo dài, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân như nút giao Mỹ Thuỷ (quận 2), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Bưng (quận Bình Tân và Tân Phú)...
Bà Lệ cho rằng, các dự án chậm tiến độ một phần do khâu chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh, phải điều chỉnh, thậm chí vượt cả thẩm quyền của TP HCM. Mặt khác, sự phối hợp giữa các bên liên quan chưa hiệu quả dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu sự chủ động giải quyết.
Bà Lệ đề nghị Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan chấn chỉnh việc này; đồng thời quá trình thực hiện các dự án cần đánh giá cụ thể tác động, hiệu quả để ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải...
"Riêng đối với 8 dự án chuẩn bị trình HĐND thành phố vào kỳ họp sắp tới, các sở ngành cần chuẩn bị kỹ các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ đúng quy định, thời gian để các đại biểu có điều kiện thẩm tra, xem xét", bà yêu cầu.
Hữu Công