Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm trả lời VnExpress về những khó khăn thu hút vốn đầu tư các dự án giao thông cấp thiết, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chậm hơn quy hoạch.
- TP HCM đóng góp gần 30% ngân sách quốc gia, là đầu tàu kinh tế và dân số đông nhất nước. Hiện mỗi năm thành phố chi bao nhiêu ngân sách cho việc này, thưa ông?
- Dù ngân sách còn hạn chế nhưng thời gian qua thành phố ưu tiên bố trí vốn hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm. Điều này góp phần phát triển hạ tầng giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc tại một số nơi của thành phố như: khu vực xung quanh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái...
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, giai đoạn 2015-2020, vốn dành cho lĩnh vực đầu tư giao thông của thành phố khoảng 59.000 tỷ, chiếm 39% so với tổng đầu tư của thành phố trong giai đoạn này.
- So với tỉnh thành khác số tiền này như thế nào và đáp ứng được bao nhiêu phần trăm với nhu cầu thực tế?
- Đầu nhiệm kỳ này thành phố đưa ra 172 dự án giao thông với tổng vốn đầu tư 373.000 tỷ đồng. Như vậy, số vốn 59.000 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 17% so với kế hoạch thực hiện.
Tôi không có số liệu về vốn đầu tư giao thông ở các địa phương khác. Nhưng một số nơi như Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng hiện hệ thống vành đai, đường cao tốc cơ bản hoàn thiện. Trong khi Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn chưa có vành đai 3, vành đai 4; cao tốc mới có 2 tuyến đưa vào khai thác, 3 tuyến còn lại chưa làm được.
- Tại sao nguồn vốn dành cho giao thông thành phố lại thấp hơn nhiều so với kế hoạch?
- Từ năm 2017 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020), tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách TP HCM từ 23% giảm còn 18%. Với 5% của 400.000 tỷ đồng tức là thành phố bị giảm 20.000 tỷ - con số rất lớn. Trong khi vốn chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và kinh phí đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng.
Ngoài ra, ngân sách Trung ương chi cho phát triển hạ tầng giao thông ở thành phố còn chậm so với kế hoạch. Đặc biệt đối với tuyến đường Vành đai 3 mới làm được một phần trên địa bàn quận 9 và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (dự kiến hoàn thành năm 2022).
Do chính sách thay đổi nên việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho giao thông cũng gặp khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 437, quy định việc đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) chỉ áp dụng với các tuyến đường mới, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo. Vì vậy các dự án giao thông ở thành phố dự kiến đầu tư theo hình thức BOT phải chuyển sang hình thức đầu tư khác.
Ngoài khó khăn về vốn thì việc vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư khiến nhiều dự án giao thông triển khai chậm.
- Những dự án quan trọng nào TP HCM chưa thể thực hiện do thiếu vốn?
- Đường Vành đai 2 dài 64 km thành phố đặt mục tiêu từ đầu nhiệm kỳ là phải khép kín nhưng do không đủ nguồn lực nên mới làm được một đoạn (đoạn 3). Còn đoạn 1 và 2 đang trình HĐND thành phố chủ trương đầu tư, dự kiến sau năm 2020 mới triển khai.
Ngoài ra, các dự án như mở rộng quốc lộ 13, đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) ban đầu tính kết hợp ngân sách và BOT nhưng chưa thực hiện được. Các dự án thuộc tuyến quốc lộ 1, 22, 50... vướng một số quy định về huy động vốn ngoài ngân sách nên đang chậm trễ.
- Thực trạng giao thông TP HCM hiện nay thế nào?
- Chiều dài đường bộ ở thành phố khoảng 4.555 km, trong đó hơn 2.000 km (gần 44%) có lòng đường trên 7 m. Tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị gần 10% - thấp hơn nhiều so với Quy chuẩn xây dựng đô thị gần 24%. Mật độ đường giao thông đạt 2,17 km/km2 - thua xa Quy chuẩn mật độ đường đô thị là 10-13,3 km/km2. Tăng trưởng bình quân mật độ đường giao thông giai đoạn 2005-2019 thấp, chỉ đạt 3%/năm (từ 1,45 km/km2 năm 2005 lên 2,17 km/km2 năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,048 km/km2).
So sánh các chỉ tiêu giao thông của TP HCM như: mật độ đường (chiều dài đường/ diện tích đất tự nhiên), tỷ lệ diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị đều thấp hơn so với các thành phố tương đồng, đang phát triển như Bangkok, Đài Bắc, Singapore...
Sự liên kết giao thông giữa thành phố với các tỉnh lân cận chưa chặt chẽ. Mạng lưới đường còn thiếu, hạn chế năng lực lưu thông, đường Vành đai 2 chưa khép kín. Các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50 chưa được đầu tư mở rộng theo quy hoạch; đường Vành đai 3, 4, đường cao tốc hướng tâm (TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Biên Hòa) chưa được đầu tư nên rất nhiều ô tô vẫn phải quá cảnh, chạy vào trung tâm thành phố gây quá tải, ùn tắc...
- Thành phố có giải pháp nào để thu hút nguồn vốn phát triển giao thông?
-Thành phố đang rà soát để tập trung nguồn lực giai đoạn 2021-2025 cho một số công trình quan trọng, hiệu quả. Sắp tới một số dự án dù đã thông qua chủ trương đầu tư phải tạm dừng để ưu tiên dự án quan trọng như Vành đai 2, các tuyến quốc lộ và một số dự án kết nối cảng, sân bay. Tập trung đầu tư các công trình cần thiết với người dân nhưng đang đình trệ kéo dài.
UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành rà soát lại các quỹ đất công, xây dựng các đề án tạo thêm nguồn thu. Riêng Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án thu phí hạ tầng kết nối cảng biển. Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải cử người tới Hải Phòng, Quảng Ninh học kinh nghiệm thực hiện vấn đề này.
Để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông TP HCM, thành phố cũng cần sự hỗ trợ của Trung ương thông qua một số nội dung như: Đề án tăng tỷ lệ điều tiết cho TP HCM giai đoạn 2021-2030; sớm ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) làm cơ sở huy động nguồn lực; hỗ trợ nguồn lực đầu tư tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc kết nối từ TP HCM đi các tỉnh.
- Trong 5-10 năm tới, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư những dự án nào?
- Qua mô phỏng tình hình giao thông, với tốc độ tăng dân số khoảng 200.000 người mỗi năm và phương tiện tăng gần 10%, đặc biệt là ôtô như hiện nay (đến năm 2025 thành phố sẽ có 890 ôtô/1.000 người), áp lực lên hạ tầng giao thông thành phố ngày càng lớn.
Trong đó, một số khu vực quá tải nghiêm trọng cần nhanh chóng đầu tư, nếu không sẽ ách tắc ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân: quanh sân bay Tân Sơn Nhất khi nhà ga T3 nâng công suất sân bay này lên 20 triệu hành khách mỗi năm; đường và cầu kết nối giữa trung tâm thành phố và khu Nam; kết nối giao thông thành phố với hệ thống cảng biển Cát Lái, Hiệp Phước...
Hữu Công