"Việc này chưa có tiền lệ. Thành phố đã chấp thuận chủ trương. Sở Kế hoạch - Đầu tư đang nghiên cứu hướng giải quyết để làm việc với chủ đầu tư trong tháng 6", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm nói tại buổi giám sát của HĐND thành phố với các sở ngành, sáng 10/6.
Động thái này được thành phố đưa ra khi thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước - cho rằng các dự án này không phù hợp theo Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu).
Liên quan các dự án đang thực hiện theo hình thức PPP (đối tác công - tư), Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Trung Anh cho biết đơn vị được UBND thành phố giao rà soát 13 dự án được triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Trong đó, 10 dự án đã được xem xét để hoàn thiện thủ tục, tiếp tục cho triển khai, số còn lại đang rà soát tiếp.
Dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn hai được TP HCM ký kết với Tổng công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) năm 2018 với tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng, trong đó đền bù giải tỏa hơn 1.364 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục mở rộng đường Ung Văn Khiêm dài 1,7km; nút giao thông Đài liệt sĩ tại giao lộ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm...
CII đã hoàn thành thi công một nhánh cầu Ông Dầu trên quốc lộ 13 và chi một phần tiền đền bù giải tỏa đường Ung Văn Khiêm. TP HCM sẽ dùng ngân sách hoàn trả nhà đầu tư các khoản đã chi trong dự án khi đàm phán kết thúc hợp đồng BOT. Theo đó, CII cũng sẽ không tổ chức trạm thu phí ở chân cầu Bình Triệu.
Còn dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý (dài 83 m, rộng 16 m và đoạn đường dẫn dài 225 m) đã được Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO triển khai từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng.
Đến giữa nằm 2018, công trình thi công đạt 70% khối lượng xây lắp. Do vướng giải tỏa nên dự án đã dừng thi công, sắp tới sẽ được bàn giao về thành phố.
Việc dừng thực hiện dự án trên đồng nghĩa với việc IDICO sẽ không kéo dài thêm thời gian thu phí giao thông ở trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1 (quận Bình Tân).
Hữu Công