Thời gian qua, nhiều tác giả chia sẻ về câu chuyện đầu tư mua nhà đất. Nhiều người chọn bỏ tiền vay mua nhà từ sớm và ít nhiều đạt được những thành công nhất định như trong các bài viết ("Tôi cầm 120 triệu đồng đi mua nhà Sài Gòn", "Có ba nhà Sài Gòn vì không ngồi chờ giá đất giảm", "Nghĩ cách kiếm tiền thay vì ngồi chờ giá nhà đất giảm", 'Vay mua nhà dù không dư đồng nào mỗi tháng'...). Những không phải ai cũng có thể được hưởng cảm giác thảnh thơi sau khi vay mua nhà.
Bản thân tôi cũng từng đánh liều mua căn chung cư năm 2016 khi chỉ có 15 triệu đồng trong tay. Tôi vay thêm được 15 triệu đồng nữa, đủ để đóng tiền phí cọc tham gia tư vấn mua bán căn hộ (nếu không mua, người ta sẽ trả lại tiền). Tôi chọn một căn hộ diện tích 49 m2, hai phòng ngủ, một vệ sinh, giá 800 triệu đồng vào thời điểm đó.
Sau ký hợp đồng mua bán, để có đủ tiền đóng trước 30% giá trị căn hộ, tôi liều vay người quen ở quê 200 triệu đồng (trả lãi 2% một tháng), vay thêm 10 triệu đồng ở ngoài, cộng với 30 triệu đặt cọc trước kia nữa là vừa đủ tiền cần đóng. Sau đó, tôi điên cuồng "cày cuốc" kiếm tiền để trả nợ.
Lúc ấy, lương của tôi chỉ khoảng 8 triệu đồng một tháng. Thế nên, tôi luôn cố gắng tăng ca, làm thêm nhiều nhất có thể để kiếm được hơn 10 triệu đồng một tháng (để làm thẻ tín dụng ngân hàng được hạn mức cao). Sau đó, tôi cứ rút thẻ này để trả thẻ kia,tìm cách quay vòng để trả nợ dần (vì mỗi thẻ vay được vài chục triệu đồng, dễ gom dễ trả, phí rút cũng chỉ khoảng 2%).
May mắn, đang lúc tôi quay cuồng với nợ nần thì chủ đầu tư và nhà phân phối dự án kia kiện cáo nhau, tòa quyết định đóng băng tài khoản, nên tôi chưa cần phải trả tiền nhà các đợt sau. Rồi tôi có cơ hội nhảy việc qua công ty nước ngoài, lương cao hơn. Tôi vẫn chọn làm ca đêm để được thêm khoảng 30% lương so với làm ban ngày. Tôi cũng cố tăng ca nhiều hơn, chứ bản thân không thể sống nổi với mức lương quanh quẩn 10 triệu đồng một tháng như trước. Với việc làm không nghỉ ngày nào, tôi được trả 15-18 triệu đồng mỗi tháng.
>> Tôi cầm 120 triệu đồng đi mua nhà Sài Gòn
Sau khoảng hai năm, tôi gom trả được tổng cộng 200 triệu đồng để trả hết các khoản nợ đã vay trước kia. Lúc này, tôi chỉ còn nợ thẻ tín dụng khoảng 60 triệu đồng, có thể từ từ trả dần. Tôi cũng tranh thủ gom góp tiết kiệm tiền, rồi mới dám tìm vợ. Năm 2020, chúng tôi làm đám cưới, dư thêm được một ít tiền mừng. Vợ tôi cũng có một khoản tiết kiệm trước đó, gom lại cũng được 200 triệu đồng.
Cùng lúc này, người ta báo nhận nhà, chúng tôi còn thiếu 560 triệu đồng phải đóng. Như vậy, trừ đi khoản tích lũy, hai vợ chồng vẫn phải vay thêm 350 triệu đồng nữa để trả dứt tiền mua nhà. Chúng tôi vay ngân hàng trong 5 năm, hiện còn ba năm nữa mới hết nợ.
Có thể nói, giá nhà đất, chung cư hiện nay đang tăng quá cao, vượt quá khả năng tiết kiệm để mua của đa số người dân. Kể cả mua nhà trả góp cũng không phải chuyện đơn giản mà nhiều người có thể kham được với mức lương trung bình 15 triệu đồng một tháng.
Từ câu chuyện quay cuồng trả nợ của bản thân, tôi cho rằng nếu ai không đủ tài chính để mua được nhà thì tốt nhất nên tập trung tiết kiệm cho khỏe. Cuộc sống vốn có nhiều biến cố, nhỡ tai nạn, ốm đau, phải vào viện mà bạn không có đồng nào vì tiền đã đổ hết vào mua nhà đất, thì mỗi ngày qua đi, cuộc sống của bạn có thể sẽ ngắn lại đáng kể.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.