Thạc sĩ Ngụy Đình Hoàn, Trưởng đoàn chi viện Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương tại Bắc Giang, cho biết những ngày này thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt. Nhiệt độ ngoài trời thường xuyên lên đến 39, 40 độ C, nắng nóng kéo dài suốt từ sáng sớm tới chiều muộn. Đêm vẫn rất oi bức, không có gió. Phải mặc bộ đồ phòng hộ cấp 4 kín mít suốt 5- 6 tiếng đồng hồ, thậm chí dài hơn, là điều rất khó khăn với đội y tế lấy mẫu xét nghiệm. Bởi vậy, anh nghĩ ra sáng kiến sử dụng túi đá lạnh chườm liên tục, trong cả ban ngày và ban đêm, khi hết mát sẽ thay bằng túi khác.
Toàn bộ nguyên liệu đều có sẵn hoặc rất dễ kiếm. Đá lạnh xin từ người dân, được buộc chặt trong túi zip, sau đó dùng dây đeo chéo qua người. Khi nóng bức, có thể lấy túi đá di chuyển khắp các vị trí trên cơ thể giúp giảm nhiệt. Trong suốt thời gian các đội thực hiện lấy mẫu, tổ hậu cần sẽ chuẩn bị những túi này, đi đến từng địa điểm để phân phát.
"Những túi đá này giúp cơ thể mát hơn, hiệu quả làm việc tốt hơn, là cứu cánh trong những ngày nhiệt độ cao đỉnh điểm", anh Hoàn nói. Ý tưởng này được thạc sĩ Hoàn nảy ra, sau đó chia sẻ cho các học trò, hướng dẫn lại cho nhiều đội lấy mẫu khác.
Hiện đoàn chi viện Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương tại Bắc Giang có gần 200 thành viên, nhiệm vụ là lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Anh Hoàn cho biết lực lượng chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm ba người, phân công thực hiện nhiệm vụ ở một số khu vực nhất định.
"Đợt cao điểm, đoàn lấy mẫu 20.000 đến 23.000 dân mỗi ngày. Đến nay, trung bình lấy cho khoảng 10.000 đến 15.000 người một ngày. Không chỉ lấy mẫu, các thầy cô và sinh viên còn kiêm nhiệm việc xét nghiệm nhanh tại nhà cho người dân, đọc kết quả tại chỗ.
Các ca làm việc rất linh hoạt. Thông thường, đội tập kết từ 6h sáng, bắt đầu lấy mẫu từ 7h tới khoảng 11, 12h trưa. Ca chiều bắt đầu từ khoảng 16, 17h tới 24h đêm. Tuy nhiên, cũng có hôm ca sáng kết thúc lúc 15 giờ chiều, ca chiều có thể kéo dài tới 1-2h sáng hôm sau tùy lượng người phải xét nghiệm. Nếu Ban chỉ đạo nhờ hỗ trợ lấy mẫu đột xuất, đội sẽ tiếp tục lên đường, có thể 3-4h sáng mới xong hết việc.
Bộ quạt làm mát chạy liên tục 6 giờ bên trong trang phục chống dịch
Kỹ sư Lưu Thiện Trường, Phòng Vật tư Thiết bị y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng, cùng thạc sĩ Lê Đức Lịch Sử, Phó Phòng Vật tư Thiết bị y tế, có ý tưởng về thiết bị này vào khoảng giữa tháng 5, khi thời tiết bắt đầu nóng hơn.
Anh Trường chia sẻ: "Tại cơ sở Đông Anh, đồng nghiệp của chúng tôi vẫn đang làm nhiệm vụ chống dịch. Nắng nóng khắc nghiệt nhưng các bạn ấy phải mặc đồ phòng hộ 6 tiếng khi vào ca. Ở tâm dịch Bắc Giang, nhiều nhân viên y tế kiệt sức, ngất xỉu ngay trong ca làm. Chúng tôi nghĩ phải nhanh chóng tìm được giải pháp để giúp họ phần nào".
Anh cho biết bộ quạt làm mát có trọng lượng khoảng 350-400 g, cấu tạo gồm 2 chiếc quạt nhỏ, một pin dự phòng, một cáp nối, một sạc nguồn và một dây đai. Trước khi mặc đồ phòng hộ, y bác sĩ chỉ cần đeo quạt lên thân người, cắm nối đầu cáp với pin dự phòng, sau đó bật quạt bằng cách nhấn giữ nút nguồn. Quạt chạy liên tục được 6 tiếng, có thể điều chỉnh tốc độ để vừa đủ mát.
Khi đeo trên người, bộ quạt làm mát có công dụng thổi bớt mồ hôi và hơi nóng, khiến chúng không ứ đọng ở một chỗ. Từ đó, y bác sĩ sẽ giảm cảm giác ngứa ngáy, ẩm ướt do mồ hôi, cơ thể dễ chịu hơn.
Hiện nhóm đã hoàn thiện xong 40 bộ sản phẩm, gửi đồng nghiệp ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và tặng một số mẫu cho các bệnh viện khác thử nghiệm.
Kỹ sư Trường cho biết: "đây là giải pháp trước mắt". Nhóm đang có ý tưởng thiết kế sản phẩm lấy năng lượng gió từ bên ngoài để làm mát tốt hơn. Tuy nhiên, sáng kiến này còn trong giai đoạn nghiên cứu bởi mất nhiều thời gian hơn, phức tạp hơn.