"Chúng tôi sẽ lưu ý và nghiên cứu các ý kiến cho rằng không cần thiết dùng trang phục bảo hộ. Tuy nhiên, hiện giờ nếu chúng ta bỏ trang phục bảo hộ thì sẽ mất vũ khí bảo vệ cho nhân viên y tế lấy mẫu", Thứ trưởng Sơn nói trưa 1/6.
Thứ trưởng cũng cho biết Viện Vệ sinh Lao động đã nghiên cứu, sản xuất các máy thông khí trong trang phục bảo hộ của nhân viên y tế, thổi khí từ bên ngoài vào trong, làm hạ nhiệt bên trong bộ bảo hộ.
"Chúng tôi sẽ thử nghiệm thiết bị này, nếu được sẽ cung cấp rộng rãi cho nhân viên lấy mẫu, nhân viên y tế làm việc trong khu tiếp nhận điều trị, cũng như hồi sức bệnh nhân", ông Sơn nói.
Thứ trưởng Sơn, người trực tiếp điều hành Bộ phận trường trực chống dịch của Bộ Y tế tại Bắc Giang, cho biết Bắc Giang là tỉnh được Bộ Y tế huy động nhân lực hỗ trợ chống dịch đông nhất từ trước đến nay. Hiện, có khoảng 2.200 cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên, tình nguyện viên đến Bắc Giang hỗ trợ công tác xét nghiệm, truy vết, thu dung và điều trị bệnh nhân, nhằm "khoanh vùng, dập dịch sớm".
Theo quy định, nhân viên tham gia chống dịch bắt buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ 4 cấp tùy theo vị trí làm việc. Bộ đồ chống dịch giúp bảo vệ nhân viên y tế. Tuy nhiên mặc liên tục trong cả ngày gây khó khăn trong việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, nóng, khó chịu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, người mặc có nguy cơ bị kiệt sức và ngất.
"Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt ở Bắc Giang đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của nhân viên y tế, sinh viên, người làm việc trực tiếp ngoài cộng đồng. Đây là quan ngại lớn của Bộ phận thường trực chống dịch", Thứ trưởng Sơn bày tỏ.
Để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế, Thứ trưởng Sơn yêu cầu tất cả đoàn công tác phải bồi dưỡng dinh dưỡng, nước uống, đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế. Thời gian lấy mẫu tại cộng đồng cũng được thay đổi chia thành 2 ca, từ sáng sớm đến 9h, và từ 19h đến 23h. Ban ngày, các điểm lấy mẫu bố trí ở điểm râm mát, có thông khí, có quạt, buổi tối có ánh sáng.