11h trưa ngày 31/5, Lưu Thị Hà, sinh viên năm cuối trường Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam cùng gần 30 người vẫn đang hết tốc lực lấy mẫu xét nghiệm cho dân thôn 7, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên. Nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ C. Đây là ngày thứ 5, cô cùng đoàn tình nguyện gồm các cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường chi viện cho tâm dịch.
Lần đầu đi chống dịch, Hà khá bỡ ngỡ cộng thêm điều kiện khắc nghiệt khiến cô mất nhiều thời gian để thích ứng. Ngày nào trở về phòng, quần áo trên người nữ sinh viên cũng ướt sũng, hai mắt cay xè, mặt hằn vết khẩu trang. Hai bàn tay, chân nhăn nheo, trắng bệch vì đeo găng và "ngâm" mồ hôi nhiều giờ liền, đến mức bấm vân tay điện thoại không nhận. Nhiều bạn học khác còn bị trầy xước với những vết sẹo đỏ thẫm, mặt nổi mụn, dị ứng vì đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ. Song, để bảo vệ mình, ai cũng hiểu đây là tình thế bắt buộc. Chưa kể, nhóm phải hạn chế uống nước, nhịn đi vệ sinh để tiết kiệm đồ bảo hộ.
"Năm ngoái, tôi xót xa khi xem tivi thấy cảnh bác sĩ ở Vũ Hán, Trung Quốc mặt hằn khẩu trang, sưng rộp và chia cắt gia đình. Tôi không nghĩ có ngày mình cũng trải qua cảm giác này", cô gái 22 tuổi tâm sự.
Xác định khối lượng công việc lớn, mọi người chia nhóm làm hai để luân phiên đảm bảo tiến độ, sẵn sàng lên đường đến các điểm nóng theo sự huy động của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Cô gái nhỏ dần quen hơn với công việc, xông xáo nhận nhiệm vụ, có lúc còn nhận làm thay khi có bạn muốn nghỉ ngơi. May mắn, chưa có ai bị ngất xỉu vì kiệt sức.
"Từ lúc dịch bùng phát, em đã quyết ở lại Hà Nội để tham gia vào đoàn tình nguyện đi chi viện tâm dịch, không đi cùng trường thì đi cùng đoàn khác. Vậy mà suýt chút nữa em bị loại vì chỉ nặng 39 kg", cô sinh viên năm cuối bật cười, kể.
Hà cho biết, đoàn có 29 bạn nữ và 7 bạn nam, nên gặp khó khăn về vấn đề sức khỏe, thể lực. Song, trước khi lên đường, tất cả đã được trang bị đầy đủ kỹ năng chống dịch.
Đoàn cũng nhận được giúp đỡ từ nngười dân bằng món quà quê như bánh, sữa, nước lọc ra tặng, tiếp thêm động lực vượt qua thời tiết để hoàn thành công việc.
Trước lúc lên đường, cô không dám nói cho gia đình. Mẹ đi nước ngoài, ở nhà chỉ có bố và bà nội. Cô tính, "đến nơi rồi nói", nhưng lại sợ bố mẹ lo lắng hơn nên gọi cho mẹ trước rồi mới bảo bố.
"Cả nghìn người tình nguyện vào tâm dịch. Là bác sĩ tương lai, con không muốn đứng ngoài cuộc", Hà nói và hứa sẽ tự chăm sóc bản thân thật tốt.
Từ hôm đến Bắc Giang, ngày nào cô cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa gọi điện về nhà để "báo cáo tình hình". Ở đây, cô học thêm cách giao tiếp mới qua bảng tên trên áo, qua ánh mắt, cử chỉ tay chân hoặc chỉ cái gật đầu. Nhóm còn nghĩ ra cách viết những dòng chữ như "mệt mỏi chỉ là cảm giác" hay "tôi muốn tắt nắng đi" sau lưng áo bảo hộ, như liều thuốc tinh thần giúp quên đi mệt mỏi.
"Dù chẳng biết ngày về nhưng cứ thêm một ngày trôi qua, em thấy trưởng thành hơn khi đóng góp công sức cho cộng đồng, đất nước", Hà tâm sự.
Thùy An