Phạm Trung Anh, sinh viên năm thứ 2, lớp Xét nghiệm 12B, trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, hôm 25/5 lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên. Nơi lấy mẫu là trong lán nhỏ lợp tôn, dưới cái nắng 40 độ. Lưng và da Trung Anh bỏng rát, mồ hôi đổ đầm đìa trong bộ bảo hộ kín mít, nhưng vì "cố làm cho xong" nên gạt qua mệt mỏi.
"Thấy hơi chóng mặt, tôi ngồi xuống định nghỉ một lúc nhưng sau đó không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy đã thấy mọi người đưa vào trong nhà", Trung Anh nhớ lại.
Trong lúc Trung Anh bất tỉnh, các đồng nghiệp nhanh chóng đưa anh ra chỗ thoáng, cởi bỏ trang phục bảo hộ, lay nhẹ người. Khi đó, toàn thân Trung Anh ướt sũng, mặt bất động, tái nhợt. Xung quanh, mọi người động viên "cố lên", "cố lên em nhé".
Nhận ra con trai trong video, bố mẹ Trung Anh gọi "cháy máy điện thoại". Biết mọi người lo lắng, anh cố gắng nhắn tin, gọi điện báo vẫn an toàn. Hiện, sức khỏe chàng sinh viên năm hai đã hồi phục, có thể tiếp tục thực hiện công việc.
Từng có kinh nghiệm chống dịch ở Hải Dương đầu năm nay, Trung Anh được phân công làm nhóm trưởng, vừa đi xét nghiệm, vừa đốc thúc, phân bổ các thành viên hỗ trợ theo yêu cầu của ngành Y tế.
Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc khoảng 21-22h. Riêng Trung Anh thường xuyên dậy sớm hơn và ngủ muộn hơn, thậm chí trắng đêm đến 2-3h sáng hôm sau để kiểm tra đồ dùng, trang thiết bị, phân công các thành viên đến các địa điểm để lấy mẫu xét nghiệm.
Hiện khó khăn lớn nhất là thời tiết Bắc Giang những ngày này vô cùng nóng bức, "lực lượng y tế làm công tác lấy mẫu test nhanh mặc bộ đồ bảo hộ chỉ chịu đựng được khoảng 4-6 tiếng đồng hồ", giảng viên Hoàng Thị Hằng, Khoa Xét nghiệm, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, cho biết.
Thời gian đầu khi nhận nhiệm vụ, tổ xét nghiệm có thể lấy mẫu hơn 10.000 trường hợp. Sau này để tăng tốc độ xét nghiệm test nhanh, mỗi ngày có thể lấy vài chục nghìn mẫu, các thành viên trong nhóm buộc làm việc hết sức. Tự nhận mình "đô con", song khối lượng công việc và thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều lần Trung Anh thấm mệt.
Theo cô Hằng, ban đầu Sở Y tế tỉnh Bắc Giang chỉ đề nghị đoàn Hải Dương chi viện, hỗ trợ chống dịch ba ngày. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch phức tạp, tất cả thành viên đồng lòng khi nào hết dịch mới trở về.
"Ai cũng tin tưởng Bắc Giang sẽ sớm khống chế và chiến thắng dịch bệnh", cô giáo nói.
Bắc Giang đang nhận được sự hỗ trợ của nhiều đoàn y bác sĩ và sinh viên đến từ nhiều tỉnh thành. Tổng cộng hơn 2.200 nhân viên y tế đã tới chi viện kể từ khi dịch bùng phát mạnh tại tỉnh.
Một trong các khó khăn tại hiện trường là địa bàn huyện rộng lớn, đông dân, nhân viên y tế phải đến từng xã, thôn để lấy mẫu. Đường vào xã nhỏ, xe ô tô to không thể di chuyển, mọi người chấp nhận "cuốc bộ" hoặc đi nhờ xe máy, xe ba gác của người dân.
"Đợt dịch này nguy hiểm hơn những lần trước. Số ca dương tính lớn cộng với thời tiết khắc nghiệt đang bào mòn sức lực của mọi người, kể cả nhân viên y tế hay người dân", Trung Anh tâm sự. Để giảm nhiệt, mỗi nhân viên y tế đều tự chuẩn bị một túi chườm đá, tranh thủ lúc nghỉ ngơi lại áp lên mặt hoặc cơ thể cho mát.
Hơn nửa tháng xa nhà, Trung Anh và mọi người không màng đến nguy cơ bị lây nhiễm, mà chỉ lo bỏ sót ca bệnh nghi ngờ. Mỗi lần nhận mẫu bệnh phẩm nghi ngờ dương tính, hầu hết suy nghĩ đổ dồn về việc người này đã đi những đâu, tiếp xúc bao nhiêu người, nguy cơ lây nhiễm đến đâu...
Nhiều ngày chống dịch, một vài bạn trong đoàn vì việc riêng hoặc sức khoẻ không cho phép nên đã xin rút. "Còn với mình, mệt thì có mệt, ăn không đúng bữa nhưng chưa lúc nào có suy nghĩ bỏ cuộc giữa chừng", anh nói.
Trở về phòng ở sau nhiều giờ làm việc, Trung Anh thay bộ đồ ướt sũng, mở hộp cơm được các tình nguyện viên chuẩn bị sẵn và ăn ngon lành. Tranh thủ lên mạng đọc thông tin, thấy nhiều đồng nghiệp cũng vì kiệt sức mà ngất xỉu, có người không thể về chịu tang khi người thân mất, nam sinh nghẹn ngào: "Cầu mong mọi người dân đều có ý thức phòng chống dịch, tự bảo vệ mình để hạn chế lây nhiễm. Thật sự, chúng tôi đang cố gắng hết sức rồi".
Thùy An