Một bài báo trong tháng 8 viết về việc năng suất lao động người Việt Nam thua xa Thái Lan và các nước trong khu vực. Bài báo thực sự khiến nhiều người Việt cảm thấy xấu hổ. Khá nhiều ý kiến phản hồi, phần nhiều các ý kiền phàn nàn về kỹ năng và thái độ của người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, tôi thấy có một vài ý kiến nói về việc cần thiết phải trang bị công cụ, máy móc hiện đại cùng lúc với việc thay đổi tư duy mới có thể nâng cao năng suất lao động. Ý kiến này theo tôi rất chính xác nhưng thật bất ngờ chúng lại không nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Có lần tình cờ tôi được nghe một đoạn diễn văn của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu trên Youtube. Bài phát biểu được ghi hình từ những năm 80 thế kỷ trước. Trong đó có đoạn ông nói "năng suất là sự kết hợp giữa trí tuệ con người và máy móc". Singapore họ đã xác định được hướng đi rõ ràng là phải tăng năng suất lao động. Họ đã thuê chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn họ và họ đã làm được điều đó. Hiện nay năng suất lao động của Singapore thuộc top đầu thế giới, một người Việt có năng suất lao động chỉ bằng 7,3% của người Singapore, một điều thật đáng xấu hổ.
Muốn nâng cao năng suất lao động phải biết kết hợp con người với máy móc và công nghệ hiện đại. Đây là vấn đề rất rõ ràng và hiển nhiên. Tuy nhiên việc muốn thay đổi hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn của người sử dụng lao động lẫn người lao động.
Quê tôi ở Xuân Lộc một huyện miền núi của tỉnh Đồng Nai. Nơi đây có nhiều gia đình đông con, có nhiều ruộng rẫy. Đầu những năm 2000, khi nông sản được mùa, được được giá những người nông dân có thu nhập khá cao. Thời điểm đó một vài gia đình có tầm nhìn họ đầu tư mua máy móc cơ giới phục vụ canh tác, tưới tiêu, thu hoạch nông sản, con cái họ được học đàng hoàng đến nơi đến chốn. Hiện nay những gia đình này phần nhiều có cuộc sống ổn định, con cái họ thành đạt và ruộng vườn vẫn không ngừng phát triển, phần nào góp sức vào sự phát triển của địa phương.
Trong khi đó cũng có một số gia đình dùng số tiền đó tiêu sài, mua sắm xe máy, dàn karaoke, điện thoại...cho các con đua đòi với thiên hạ. Kết cục của những gia đình này có lẽ cũng không khó đoán khi nông sản mất giá và những mùa vụ thất bát, họ phải dần bán bớt ruộng vườn để xoay sở và trang trải chi phí. Những đứa con nghỉ học giữa chừng vì ăn chơi lêu lổng không thể tìm được một công việc đàng hoàng phải phụ hồ hoặc chạy xe ôm kiếm sống qua ngày.
Tôi làm giáo viên đi dạy ở một số trường đại học cao đẳng. Một số trường lớn, lâu đời, mang danh công nghệ nhưng vẫn giữ lề lối thu học phí và trả lương bằng tiền mặt. Việc này kéo theo hàng chục người phụ trách thu chi, và thủ quỹ, hàng ngàn sinh viên phải đứng xếp hàng vài giờ mới nộp được học phí. Mà vấn đề này chỉ cần giải quyết đơn giản bằng việc chuyển đổi các giao dịch qua thanh toán thẻ, chuyển khoản hoặc qua các đơn vị trung gian như cửa hàng tiện lợi mà một số trường đã thực hiện rất thành công. Công việc vừa tiện lợi cho sinh viên lẫn nhà trường nhưng nhiều trường vẫn chưa thực hiện.
Thu học phí bằng tiền mặt thì gần như vẫn được áp dụng ở hầu hết các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở TP HCM, nơi được cho là năng động nhất cả nước. Phụ huynh, học sinh phải mất hàng giờ đợi chờ để đóng học phí, bộ máy cồng kềnh, nặng nề, không hiệu quả. Đây là ví dụ điển hình của làm việc kém năng suất, kém hiệu quả, quá nhiều nhân lực.
Những chủ doanh nghiệp, những người sử dụng lao động chỉ cần thay đổi quy trình, thay đổi công nghệ. Người lao động bắt buộc phải thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu công việc không thì họ sẽ bị đào thải, nhờ đó chất lượng lao động sẽ dần được nâng cao, năng suất lao động sẽ thay đổi. Nhưng thực tế tại Việt Nam lại đang giống như những gia đình nông dân mà tôi vừa kể ở trên. Thay vì nhập khẩu công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất nhằm nâng cao năng suất thì chúng ta lại phát cuồng lên với điện thoại, siêu xe và đồ hiệu. Điều này thật đáng lo ngại nếu chúng ta không có những bước điều chỉnh kịp thời, không khéo chúng ta sẽ sớm trở thành gia đình những người nông dân thích đua đòi.
Gần 120 năm trước, Paul Doumer vị quan toàn quyền Đông Dương của thực dân Pháp, người sau này trở thành tổng thống Pháp đã viết về những quan chức và điền chủ (người giàu) người An Nam ở Nam kỳ trong hồi ký xứ Đông Dương rằng: "họ chỉ muốn xây những dinh thự đẹp, xây dựng những con đường nội tỉnh và mua những chiếc xe hơi đẹp để họ đi dạo mà không quan tâm đến việc xây dựng những tuyến đường liên kết vùng điều này ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế vùng". Có lẽ lời nhận xét của Paul Doumer vẫn đúng với người Việt ngày nay sau hơn một thế kỷ, chúng ta vẫn phát cuồng với những thứ đồ dùng phương Tây là điện thoại là xe hơi, là đồ hiệu cho dù (phần nhiều) trong đó vẫn có người phải trả góp từ những đồng lương còm cõi.
Phát triển hay tụt hậu đơn giúp chỉ là lựa chọn của chúng ta ngày hôm nay
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.