Đến tháng 11 năm ngoái, anh có triệu chứng mắc Covid-19. Bạn gái anh xét nghiệm dương tính virus. Căn bệnh, chứng lo âu, nhiều tháng cách ly xã hội và nỗi sợ hãi cho bản thân và các thành viên trong gia đình đã khiến anh bị trầm cảm.
"Nó như kiểu giọt nước tràn ly của năm 2020", anh nói.
Chàng trai 27 tuổi đến bác sĩ trị liệu một tháng sau đó, nhưng mọi thứ không đơn giản. Anh phải giải thích cho bố và người mẹ gốc Việt lý do mình cần chăm sóc tâm lý. Vài tháng sau, sức khỏe tinh thần của anh "cải thiện tốt hơn bao giờ hết".
Theo các chuyên gia, người Mỹ gốc Á có xu hướng né tránh khi nhắc đến vấn đề sức khỏe tâm thần, bởi thế hệ cũ coi đây là dấu hiệu của sự kém cỏi. Song đại dịch và bóng ma của nạn kỳ thị, phân biệt chủng tộc khiến nhiều người châu Á vượt qua tâm lý dè dặt và chủ động chuyển sang trị liệu.
Lia Huynh, chuyên gia tâm lý tại Milpitas, California, cho biết: "Mọi người mắc kẹt trong nhà cùng những lo lắng và suy tư như thể không có lối thoát".
Theo Hiệp hội Tâm lý người Mỹ gốc Á, hơn 40% cư dân thuộc cộng đồng này bị chứng âu lo hoặc trầm cảm trong đại dịch, tăng mạnh từ con số 10% trước đây. Theo Tổ chức Kaiser Family, tỷ lệ này tương tự với người bản địa Mỹ trưởng thành, song con số có thể thấp hơn thực tế vì nhiều người Mỹ gốc Á không thoải mái chia sẻ về vấn đề sức khỏe tâm thần.
Hơn một năm rưỡi sau đại dịch, nỗi sợ hãi với các hành vi thóa mạ chưa nguôi ngoai ở một phần tư người Mỹ gốc Á trưởng thành. Theo một cuộc thăm dò do Đài NPR, Quỹ Robert Wood Johnson và Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan thực hiện, nhiều tháng liền, cộng đồng này vẫn sợ bị đe dọa hoặc tấn công, xâm hại.
Đối với Jess Stowe, 35 tuổi và Terry Wei, 36 tuổi, Covid-19 đã đủ đáng sợ. Giờ đây, họ có thêm nỗi lo bị tấn công. "Thái độ thù địch với người châu Á còn kinh khủng hơn đại dịch toàn cầu", bà Wei nói.
Tháng 4/2021, một phần ba số người Mỹ gốc Á tham gia khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết họ sợ bị tấn công. Theo các chuyên gia Đại học bang California, San Bernardino, thái độ thù địch ở các thành phố lớn nhất cả nước trong quý đầu năm nay đã tăng vọt 164% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người Mỹ gốc Á, gốc Phi và gốc Tây Ban Nha thường né tránh nói đến sức khỏe tâm thần, theo nghiên cứu của tạp chí BMC Public Health. Song quan điểm này đã thay đổi một phần vào ngày 16/3, sau khi 6 phụ nữ châu Á tử vong trong một vụ xả súng ở Atlanta.
Sau một năm đối phó với những hành vì phân biệt chủng tộc vì Covid-19 và các lo ngại liên quan đến sức khoẻ, vụ xả súng là động lực khiến nhiều người gốc Á đăng ký tham gia trị liệu.
Diana Liao, chuyên gia tư vấn về sức khỏe tâm thần và trị liệu tâm lý ở New York, cho biết: "Họ không còn tránh né nữa vì đã chịu quá nhiều đau đớn".
Catherine Vuky, giám sát lâm sàng tại Trung tâm Y tế Cộng đồng South Cove ở Boston, cho biết nhiều công ty và tổ chức đã đề nghị một số chuyên gia trị liệu châu Á hỗ trợ cho nhân viên của họ. Bác sĩ tâm lý Satsuki Ina cho biết đã tiếp nhận nhiều người Mỹ gốc Nhật lớn tuổi từng bị sang chấn trong Thế chiến thứ hai.
Bà Huynh, chuyên gia tâm lý đến từ California, cho biết bà đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các bệnh nhân đang gặp khó khăn khi tìm kiếm bác sĩ trị liệu hiểu về nền văn hóa của họ. "Mọi người thường bảo ‘Tôi cần ai đó hiểu rằng tôi không thể chia sẻ với cha mẹ mình", bà cho biết.
Cộng đồng châu Á phải chật vật để đối phó với tổn hại tinh thần, những lời đe dọa hành hung và nguyên tắc giữ thể diện cố hữu. Nhiều người nhập cư châu Á không muốn bị mang tiếng vì "không duy trì phẩm giá của mình".
Theo Kevin M. Chun, giáo sư tâm lý học tại Đại học San Francisco, việc trị liệu tâm lý kiểu truyền thống bị một số người coi là mất thể diện.
Doris Chang, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học New York, cũng nhắc đến rào cản mang tính thế hệ đối với việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Người trẻ tuổi cởi mở hơn khi nói đến sức khỏe tâm thần, song người ở thế hệ trước có xu hướng nghĩ rằng họ có thể giải quyết tất cả vấn đề của mình mà không cần sự trợ giúp về y tế.
Thục Linh (Theo NY Times)