Đầu tháng 7, chị đến khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, Hà Nội để khám do thường xuyên đau đầu, mất ngủ, dễ bực tức, cáu gắt, hay hồi hộp, không tập trung được. Chị cho biết, hai tháng nay vừa lo công việc vừa quán xuyến gia đình, trong khi chồng không đỡ đần được nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E), ngày 9/7 cho biết, bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm do thường xuyên căng thẳng. Chị bật khóc khi bác sĩ hỏi bệnh.
Một bệnh nhân khác, 30 tuổi, có con vừa tròn một tuổi, cũng đang làm việc tại nhà do dịch bệnh. Chị cho biết ngoài việc cơ quan, chị tất bật chăm con mà không ai đỡ đần, kể cả chồng. Sau một thời gian ngắn, chị hay đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, chán nản, thậm chí trào ngược dạ dày thực quản.
Bác sĩ cho biết những khó khăn khi làm việc ở nhà là một trong những nguyên nhân. Khi ở nhà, con khóc thì phải dừng làm, mất tập trung, năng suất kém. Áp lực công việc khiến người bệnh tăng rối loạn lo âu, bi quan, căng thẳng, mệt mỏi, bác sĩ phân tích.
"Nữ giới dễ bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần nhiều hơn nam giới. Gần đây, số người đến khám do stress, rối loạn lo âu, căng thẳng tăng lên hơn so với trước đại dịch", ông nói thêm.
Theo bác sĩ Chung, khó có thể khẳng định bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần là hoàn toàn do Covid-19. Tuy nhiên trong thời gian này, dịch bệnh là một trong những yếu tố tác động dẫn đến khởi phát các bệnh tâm thần.
Nhóm dễ bị tác động nhất là những người làm việc ở nhà hoặc cách ly dài ngày. Họ hầu như dành đa số thời gian vừa làm việc, đồng thời phải chăm lo gia đình, con cái... Chưa kể, nhiều phụ nữ không ra ngoài gặp gỡ bạn bè, đi du lịch, dẫn đến stress, lo lắng, rối loạn cảm xúc. Covid-19 còn ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập, kể cả gia đình có kinh tế ổn định.
Ngoài áp lực gia đình, nhiều người mất việc, giảm lương do dịch bệnh, dẫn đến phát sinh các vấn đề về sức khỏe, trong đó có sức khỏe tâm thần phải điều trị bằng thuốc lâu dài.
Để phòng rối loạn trầm cảm, bác sĩ Chung khuyên các cặp vợ chồng cần đồng cảm, đoàn kết và thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với nhau. Người vợ có thể lập một thời khóa biểu sinh hoạt để gia đình thực hiện. Khi có khúc mắc, cả hai nên cùng nhau tháo gỡ, tránh "sóng ngầm" dẫn đến cáu giận, mất ngủ, căng thẳng, "chuyện bé xé ra to".
Gia đình cũng cần chuẩn bị tâm lý sống chung với dịch bệnh, dành thêm thời gian quan tâm đến sức khỏe như cùng nhau tập thể dục, chơi với con. Duy trì ăn uống đầy đủ, ngủ 8 tiếng một ngày để tinh thần thoải mái.
Các trường hợp khác nếu gặp bất cứ vấn đề gì như rối loạn giấc ngủ, lo âu, đau đầu,... cần đến các cơ sở y tế, tốt nhất là cơ sở có chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được thăm khám, can thiệp kịp thời. Bệnh tâm thần dễ bị nhầm với bệnh thần kinh, do yếu tố biểu hiện ban đầu khá giống nhau, thường là đau đầu.
Bác sĩ căn cứ vào nguyên nhân và dạng rối loạn trầm cảm để dùng thuốc, trị liệu tâm lý. Bệnh nếu không được can thiệp kịp thời sẽ trở thành mạn tính. Người bệnh giảm khả năng tự chăm sóc bản thân, suy nghĩ/hành vi tiêu cực, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người khác.
"Covid-19 như giọt nước tràn ly trên những áp lực đã dồn nén bấy lâu. Khi có bệnh, mỗi người nên sớm đi khám để được điều trị sớm, tránh biến chứng sau này", bác sĩ Chung nhấn mạnh.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Thùy An