Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin bệnh nhân được đưa vào khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) 7A, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP Thủ Đức, ngày 14/8. Ở giai đoạn đầu điều trị, bệnh nhân luôn trong tình trạng loạn thần, rối loạn tri giác, không phối hợp điều trị, tự ý tháo máy thở oxy lưu lượng cao (HFNC), nhiều lần có ý định nhảy lầu, cắn lưỡi tự tử.
Sau khi điều trị qua giai đoạn loạn thần cấp, để giúp người bệnh ổn định tinh thần, bệnh viện thường xuyên liên hệ, phối hợp với thân nhân để áp dụng tâm lý trị liệu. Trải qua hơn một tháng điều trị cả về thể chất và tâm lý, chị khỏi bệnh, hoàn toàn tỉnh táo, được xuất viện.
Trước lúc ra về, được bác sĩ cho biết chồng con đã ổn định sau khi cách ly và khuyên giữ gìn sức khỏe, người phụ nữ đã khóc rất nhiều và liên tục xin lỗi các bác sĩ, điều dưỡng.
"Cảm ơn các bác sĩ đã sinh em ra lần nữa, cho em được sống lần hai. Em cũng xin lỗi vì lúc mới vào bệnh viện, em lo sợ hoảng loạn và có những hành động không hợp tác", chị viết trong lá thư gửi lại bệnh viện.
Theo khảo sát của Bệnh viện Hồi sức Covid-19, 53,3% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC, thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Khoảng 67% bệnh nhân mong muốn được tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong điều trị và sau khi xuất viện.
Trước nhu cầu thực tế, bệnh viện đã mời tình nguyện viên là nữ tu, tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy, chuyên gia trị liệu tâm lý thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đến khảo sát và tư vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý cho các bệnh nhân Covid-19.
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho biết trường đã thực hiện chương trình "Vaccine tinh thần" nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người dân, F0 bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chương trình chính thức khởi động từ ngày 5/9, đã tiếp cận tư vấn, nâng đỡ tinh thần cho khoảng 800 F0 đang điều trị tại các bệnh viện hoặc tự cách ly tại nhà. Từ hai tháng trước, các chuyên gia tâm lý đã tới bệnh viện dã chiến số 12 và số 8, kết hợp với nhân viên y tế chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
Bước đầu, các chuyên gia nhận thấy F0 thường bị rối loạn lo âu, hoảng loạn, trầm cảm, sợ tử vong, căng thẳng, mất ngủ trầm trọng, đau đầu kéo dài... Nhiều bệnh nhân thậm chí muốn từ bỏ điều trị, tự tháo oxy trợ thở, không thiết ăn uống, chỉ yêu cầu được trở về nhà. Trường hợp người bệnh có ý định tự vẫn như nữ F0 trên không hiếm. Có ngày, tiến sĩ Điệp nhận thông tin có hai bệnh nhân nam cùng nhảy lầu tự vẫn. Họ thực hiện hành vi bất ngờ, nhân viên y tế không thể can thiệp kịp thời.
Theo tiến sĩ Điệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tâm lý, tâm thần ở người bệnh Covid-19 trong và sau điều trị, bao gồm nỗi lo dịch bệnh kéo dài không dứt; đọc nhiều thông tin tiêu cực; niềm nhớ nhung người nhà khi phải đi cách ly tập trung, điều trị một mình; tự tổn thương, mặc cảm vì mắc bệnh truyền nhiễm; căng thẳng vì nợ nần, không có thu nhập; nỗi đau đớn khi mất đi người thân vì Covid-19, trong khi họ không thể nhìn mặt lần cuối hay làm đám tang.
"Đặc biệt, nhiều F0 bị bào mòn tâm lý khủng khiếp khi lên cơn khó thở", tiến sĩ Điệp chia sẻ.
Ông phân tích, virus tấn công vào đường thở, gây viêm phổi, suy hô hấp. Bệnh nhân càng căng thẳng, cơn khó thở càng nặng nề hơn. Lúc này, người bệnh rất dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, loạn thần cấp, nghĩ mình sẽ tử vong ngay.
Với những F0 nhẹ, cơn khó thở hết, cơn hoảng loạn tức thì cũng chấm dứt. Ngược lại, nhóm bệnh nhân nặng không dễ dàng vượt qua trải nghiệm này. Họ cần nhiều thời gian để xoa dịu và chữa lành tâm trí hơn. Một số người có thể tự hồi phục. Một số khác bị dai dẳng, lặp lại triệu chứng lo âu, trầm cảm hậu Covid-19 nên cần trị liệu tâm lý lâu dài, khoảng 7-10 phiên (mỗi phiên 45 phút đến một giờ) với các chuyên gia tâm lý. Nếu tình hình nghiêm trọng hơn họ cần được bác sĩ tâm thần điều trị, kê thuốc.
Để hỗ trợ cho bệnh nhân Covid-19, các chuyên gia chương trình "Vaccine tinh thần" sẽ phân nhóm đối tượng người bệnh để có giải pháp phù hợp. Các F0 điều trị tại nhà được tư vấn, hỗ trợ từ xa qua điện thoại. F0 tại bệnh viện được chuyên gia đến tận nơi tham vấn, nâng đỡ tinh thần kịp thời. Nhiều bệnh nhân ngay trong cơn hoảng loạn đã có chuyên gia ở bên cạnh, như một người thân để nắm tay, trò chuyện, động viên giúp họ bình tâm hơn, vượt qua nguy kịch.
Tại buổi họp báo chiều 21/9, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố TP HCM cho biết, thời gian qua, khi bệnh nhân Covid-19 có vấn đề về tâm thần, cơ sở y tế điều trị sẽ mời hội chẩn với bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần để đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Bệnh viện Tâm thần TP HCM cũng có một đội ngũ các bác sĩ, chuyên gia liên tục đi hội chẩn cho các trường hợp này. Bác sĩ sẽ đến tận nơi khám cho bệnh nhân, sau đó hướng dẫn cho y tế cơ sở, hoặc cung cấp luôn thuốc đặc trị cho người bệnh. Hiện bệnh viện đã liên hệ làm việc với hơn 70 cơ sở điều trị Covid-19 có bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Trước đó, để sẵn sàng ứng phó với tình hình mới, thành phố chuyển đổi một phần công năng của Bệnh viện Tâm thần cơ sở 2 (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) thành Bệnh viện điều trị Covid-19 Lê Minh Xuân, dành riêng cho người bệnh tâm thần mắc Covid-19, hồi cuối tháng 7. Bệnh viện được tách thành hai khu vực riêng biệt, một khu vực để điều trị bệnh nhân không mắc Covid-19 và một khu vực tiếp nhận, điều trị bệnh nhân tâm thần là F0, với quy mô 100 giường (gồm 10 giường hồi sức cấp cứu).
TP HCM tính đến chiều 22/9 ghi nhận 353.655 ca Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố. Trong đó, khoảng 40.000 F0 đang điều trị tại nhà; hơn 22.000 người tại các cơ sở cách ly tập trung; hơn 40.00 người đang điều trị tại bệnh viện tầng hai và ba với số ca nặng có hỗ trợ hô hấp khoảng 7.200.
Thư Anh