Tiến sĩ Ðỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, bệnh nhi bị cúm A gây biến chứng lên não.
"Những ngày đầu điều trị, Vinh không ngồi dậy được, nhận thức cũng kém. Sáu ngày sau, cậu bé mới đi lại được", bác sĩ Hải nói.
Ở phòng bệnh bên cạnh, chị Hương đang chăm sóc con hai tháng tuổi mắc cúm A. Con gái lớn của chị 5 tuổi học mẫu giáo, về ho, sổ mũi. Sau đó, bé thứ hai bị bệnh nặng hơn, phải nhập viện.
Bác sĩ Hải cho biết miền Bắc trở lạnh, bệnh nhi mắc cúm, đặc biệt là cúm A tăng mạnh. Nhiều bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi, viêm não. Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em dành riêng nhiều phòng để điều trị bệnh nhân cúm, cách ly với những ca bệnh khác đề phòng lây chéo trong bệnh viện. Trẻ nằm li bì trong vòng tay mẹ, trên giường.
Hơn hai tháng qua, có 820 trẻ nhập viện tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em. Riêng tháng 11, gần 500 bệnh nhân cúm nhập viện, tăng 10-20% so với trước.
Theo bác sĩ Hải, bệnh cúm thường gặp ở Việt Nam và các nước trong khu vực do virus cúm A và B, có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng. Bệnh có thể tự khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, những trẻ có bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm phế quản co thắt, tim mạch, khi mắc cúm sẽ nặng nề.
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho... Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục. Đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh diễn biến nặng hơn như viêm phổi, biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Hải cho biết ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, thời gian gần đây xuất hiện những ca biến chứng sang viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường sốt cao, đau ngực, bụng buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột. Phần lớn trẻ mắc bệnh dưới ba tuổi, đủ tuổi tiêm vaccine ngừa cúm nhưng hầu như chưa được tiêm phòng.
"Một số trẻ có biến chứng viêm não sau khi nhiễm cúm khoảng từ ngày thứ 3 đến thứ 10. Trẻ đều có biểu hiện của viêm não như phản ứng chậm chạp, sốt cao, lơ mơ, li bì", bác sĩ Hải nói.
Bác sĩ Hải dự báo, cúm là bệnh đặc trưng mùa đông xuân, số trẻ em mắc bệnh còn có thể tăng trong những ngày tới. Trẻ mắc cúm mùa có thể chăm sóc tại nhà, điều trị triệu chứng bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Nếu thấy trẻ dấu hiệu nặng lên như sốt cao liên tục không hạ, mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn cần đưa đến bệnh viện.
Để phòng bệnh ngoài ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, trẻ tốt nhất nên được tiêm vaccine cúm và đeo khẩu trang, cách ly.
Bác sĩ Hải cho hay nhiều gia đình tìm mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm cho con. Tuy nhiên, đây không phải là thuốc bắt buộc dùng điều trị cúm mà chỉ làm giảm sự nhân lên của virus. Vì vậy, thuốc Tamiflu chỉ dùng cho ca đặc biệt nặng, phải được bác sĩ kê đơn.
Tên bệnh nhi đã được thay đổi