Bác sĩ Phạm Ánh Ngân (Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3) cho biết, bên cạnh rượu bia, trong các buổi tiệc thường có thêm nước ngọt, nước có gas. Việc pha trộn các loại thức uống này với rượu bia trở thành điểm hấp dẫn cho buổi tiệc. Tuy nhiên uống lượng nhiều rượu bia pha các loại nước có gas sẽ khiến quá trình hấp thu cồn diễn ra nhanh hơn, người uống say nhanh hơn, kèm các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, kém linh hoạt, người mệt mỏi hơn.
Uống paracetamol trước hoặc sau khi uống rượu để giải rượu, giảm đau đầu, mệt mỏi cũng là một sai lầm thường gặp. Bác sĩ Ngân phân tích, glutathion là một peptid (acid amin) nội sinh được tổng hợp ở gan, có vai trò chính trong thải độc cho cơ thể, đặc biệt là rượu bia. Khi say, gan sẽ huy động glutathion để chuyển hóa acetadehyde từ rượu. Khi cơ thể đang huy động glutathion để giải rượu mà lại uống thêm paracetamol sẽ làm cho lượng thuốc không kịp đào thải, từ đó gây ảnh hưởng xấu lên tế bào gan. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến chuyên gia khi sử dụng thuốc giảm đau cho người say rượu và không tự ý dùng paracetamol trước hay sau khi uống rượu bia.
Bật quạt, nằm điều hòa nhiệt độ quá thấp, ngủ dưới sàn lạnh... khi đang say rượu bia cũng là thói quen tai hại, có thể dẫn đến trúng gió, ngộ độc, bác sĩ Ngân cho hay. Khi say, nhiệt độ cơ thể tăng lúc đầu, sau đó giảm do hiện tượng ức chế thần kinh, giãn mạch từ tác động của các chất chuyển hóa từ rượu. Người uống cần được nhắc nhở việc ăn và uống nước lọc sau khi qua cơn say, giúp họ dễ tỉnh rượu hơn. Người thân cũng chú ý kiểm tra tri giác, thân nhiệt của người say để tránh tình trạng họ bị ngộ độc rượu nhưng lại không được phát hiện kịp thời.
Để cơ thể không bị quá tải trong dịp Tết, bác sĩ cho rằng người dân nên cố gắng giảm tới mức tối thiểu việc sử dụng đồ có cồn. Mức khuyến cáo chung cho lượng cồn mà cơ thể có thể dung nạp đối với nam là không quá 60 ml và nữ không quá 30 ml (rượu 40%) mỗi ngày. Mặc dù vậy, tùy theo bệnh lý hiện có của cơ thể mà mỗi cá nhân lại có mức dung nạp rượu khác nhau. Người có bệnh lý về gan, đặc biệt là xơ gan, thì không nên dùng rượu bia, phải dừng tất cả đồ uống có cồn nạp vào cơ thể. Những người có tiền căn bệnh lý dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, cũng nên hạn chế tối đa việc sử dụng bia rượu.
Trường hợp say rượu bia, người dân có thể uống nước sắc đậu xanh, nước bột sắn dây, nước ép rau cần, nước ép dưa hấu, hoặc ăn một chén cháo củ cải với thịt xay lúc còn ấm nóng... cũng giúp giải rượu và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
Bên cạnh đó, trên bàn tiệc ngày Tết thường có những món ăn chứa nhiều cholesterol bão hòa như giò thủ (có nhiều phủ tạng động vật), da gà vịt, thịt nem nướng, thịt đông... Các món ăn này gây tăng cholesterol máu, tăng nguy cơ của bệnh lý xơ vữa mạch máu. Ngoài ra, những món ăn được lên men, muối chua, với lượng acid cao sẽ kích ứng dạ dày, ảnh hưởng đến người đang có bệnh lý về tiêu hóa.
Ngoài ăn các món ăn nhiều dầu mỡ, món nướng, người dân nên xen kẽ thêm rau xanh và trái cây, các loại hạt vào thực đơn ngày Tết. Trong cách chế biến, nên có thêm những món hấp, hầm, hạn chế dầu mỡ để giúp bữa ăn nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa hơn. Việc sử dụng thêm các loại trà thảo mộc, các loại nước ép hoa quả trong các buổi ăn phụ giúp bổ sung lượng vitamin cần thiết cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa lượng thức ăn nhiều dầu mỡ trước đó.
Thư Anh