Trả lời:
Tết là dịp đặc biệt để gia đình, bạn bè sum họp. Ngoài những món ăn truyền thống thì rượu là thức uống luôn có sẵn trên mâm cỗ. Song, nên tránh lạm dụng để tránh ngộ độc. Nguyên nhân gây ngộ độc phổ biến nhất là các loại rượu sản xuất thủ công, làm ăn gian dối, không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thậm chí rượu sản xuất bằng cách pha cồn công nghiệp.
Để phòng chống ngộ độc rượu, nên sử dụng mức độ vừa phải theo liều lượng. Không uống quá hai đơn vị cồn một ngày với nam, một đơn vị cồn mỗi ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Không cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia, kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần. Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.
Không điều khiển xe sau khi uống rượu bia. Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương...
Không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận, rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật, nhất là không được uống rượu khi đang đói, căng thẳng, hay mệt mỏi. Khi có biểu hiện triệu chứng ngộ độc rượu như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, nôn... cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
ThS. BS Nguyễn Văn Tiến
Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng