Noel năm nay thật đặc biệt với chị Thoa (Từ Liêm, Hà Nội) khi con gái của chị đã đi làm và có lương. Vì thế, thay vì dẫn con đi mua đồ đón Noel như mọi năm, con gái đã dành tặng chị món quà độc đáo - chiếc đầm nhung đỏ có khóa trắng sáng ở cổ. Chị luôn miệng trầm trồ khen con gái yêu khéo chọn đồ.
Đêm Noel, gia đình chị xúng xính váy áo đi chơi cùng bạn bè. Chị diện váy đỏ con gái tặng. Ai cũng tấm tắc khen chị xinh, trẻ ra đến 5 tuổi làm chị càng thêm yêu món đồ con tặng. Nhưng chỉ sau đêm hôm ấy, khi ngủ dậy, chị phát hiện xung quanh khu vực cổ đầy những vết mẩn đỏ. Tưởng do dị ứng món ăn, chị Thoa vẫn đi làm bình thường và nghĩ bệnh sẽ chóng qua. Đến cơ quan, hiện tượng ngứa càng dữ dội khiến chị rất khó chịu. Sang ngày thứ 3, bệnh tình vẫn không thuyên giảm, chị đi khám và phát hiện mình bị dị ứng chiếc khóa trắng sáng.
Một lần đi chợ đêm, chị Lan (Mai Dịch, Cầu Giấy) phát hiện gian hàng trang sức dành cho giới trẻ có nhiều món hàng độc, đẹp mà lại rất rẻ. Trong khi đó, cô con gái tuổi teen của chị lại có sở thích đeo nhẫn, vòng to bản và khoác túi, tất cả đều được tán đinh nhọn hoắt, sáng láng nổi bật.
Bỏ ra chỉ 50 nghìn đồng, chị Lan mua được chiếc nhẫn to màu sáng trắng, có tán đinh trông rất ngộ nghĩnh. Con gái rất thích món đồ mẹ mua, cứ mân mê nhìn ngắm đầy thích thú và đeo cả ngày. Nhưng sang ngày thứ 3, chỗ da tay đeo nhẫn ngứa ngáy, nổi nhiều nốt mụn nước. Chị Lan hốt hoảng đưa con đi khám thì mới biết con mình bị dị ứng kim loại độc hại. Từ đó chị sợ, chẳng bao giờ mua mấy món nữ trang rẻ tiền ở chợ cho con nữa.
Hiện những món trang sức độc đáo, đẹp mắt mà lại rất rẻ tiền, những chiếc quần tán đinh hầm hố, những chiếc áo có mạ kim, những chiếc váy có khóa kéo sáng trắng… xuất hiện rất nhiều trong các gian hàng và trở thành trào lưu làm đẹp không chỉ với giới trẻ mà còn nhiều độ tuổi. Trừ một số ít có tên tuổi của các thương hiệu lớn, đa phần là hàng nhái, hàng Trung Quốc trôi nổi.
Nhiều người tiêu dùng không rành rất khó phân biệt được hàng thật hàng giả. Hơn nữa, tâm lý tiết kiệm, chuộng hàng rẻ tiền mà đẹp đã đi vào tiềm thức của nhiều chị em. Chị Tâm (khách hàng ở chợ Nhà Xanh, Hà Nội) phân vân giữa 2 chiếc dây chuyền màu bạc trắng lóa. Chị cho biết cuối tuần thường rủ con gái đi mua những món đồ này để kết hợp với áo váy. “Giá rẻ nên tôi mua vài cái đeo để thay đổi và cũng là để trang phục được đẹp hơn”, chị chia sẻ.
Riêng với những bạn trẻ thì các món trang sức, phụ kiện độc đáo này chẳng thể nào thiếu. “Em thấy nó rất đẹp, giá lại rất rẻ, cũng chưa thấy ai kêu ca độc hại gì thì cứ dùng thôi”, cô gái 18 tuổi hồn nhiên nói.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành (nguyên Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Da liễu trung ương), niken là kim loại có ánh kim, màu trắng bạc. Do đặc tính này, niken xuất hiện nhiều ở những trang sức rẻ tiền, những món đồ có khóa kéo, kể cả cúc quần kim loại… Người tiêu dùng nên cảnh giác, vì rất có thể sẽ bị dị ứng niken hay dị ứng kim loại nói chung. Bệnh về da do dị ứng kim loại xuất hiện nhiều nhất trên những người có cơ địa dị ứng.
“Thắt lưng da, cúc quần bò… cũng là thủ phạm gây ngứa ngáy, mụn nước… Nhiều khi người bệnh không biết, cứ tiếp tục dùng các sản phẩm này, gãi liên tục sẽ bị sưng, bị lan ra vùng rộng", bác sĩ lý giải và cho hay không chỉ phụ nữ dễ mắc do tiếp xúc với trang sức rẻ tiền mà đàn ông cũng không loại trừ. Dị ứng kim loại dễ gặp vào mùa hè hơn, nguyên nhân là do mùa hè nóng, mồ hôi ra nhiều, thấm vào kim loại, thôi niken ra khiến da bị dị ứng.
Bác sĩ Thành khuyến cáo: “Nếu còn trẻ mà da từng vùng phải tiếp xúc nhiều với những món đồ này thì chất dưỡng tự nhiên cho da không được duy trì, do đó da sẽ bị nhiễm độc kim loại và lão hóa sớm. Đây là trường hợp có thể xảy ra ở cả những người không có cơ địa dị ứng”.
Chung nhận định với bác sĩ Thành, dược sĩ Phạm Quốc Hoàn (công tác tại một phòng khám ở quận Hai Bà Trưng) cho biết thêm, niken không chỉ gây dị ứng cho da mà còn gây nên rất nhiều bệnh như: ung thư phổi, viêm xoang, viêm phế quản…
Ngoài ra, theo dược sĩ, trong những món đồ bắt mắt kia rất có thể còn chứa cadmi. Đó là kim loại nặng đứng thứ 7 trong 275 chất cực độc. “Bình thường cadmi màu xám, khi dùng mạ lên kim loại khác để chống gỉ thì trở nên sáng bóng, lấp lánh rất đẹp. Tuy nhiên, muốn biết nữ trang có chứa cadmi hay không là rất khó vì phải mang sản phẩm đến phòng thí nghiệm mới kiểm chứng được”, ông nói.
Để hình dung rõ hơn mức độ nguy hiểm của chất này, dược sĩ Hoàn cảnh báo: “Những phụ kiện hay trang sức nếu có chứa cadmi sẽ đặc biệt nguy hiểm vì chúng sẽ gây hại khi tiếp xúc với bề mặt da. Nếu tiếp xúc với lượng cadmi cao hoặc tích tụ được qua thời gian quá lâu thì có thể gây nhiễm độc cấp tính”.
Biểu hiện cụ thể là trong vòng 4-20 giờ sẽ bị đau thắt ngực, khó thở, tím tái, sốt cao, nhịp tim chậm, hơi thở nặng mùi. Nếu qua đường tiêu hóa thì người bệnh sẽ mắc các triệu chứng: buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Cao hơn nữa, người bệnh có thể nhiễm độc mạn tính với biểu hiện vàng men răng, tăng men gan, đau xương, xanh xao, thiếu máu, tăng huyết áp. Ở người có thai, đứa trẻ sinh ra có khả năng bị dị dạng cao.
Dược sĩ Hoàn cũng cho biết, cadmi có thể tồn tại trong cơ thể rất lâu, từ 10 đến 30 năm, hiện nay vẫn chưa có phương pháp giải độc hữu hiệu do đó cách tốt nhất là phòng ngừa nhiễm cadmi.
Các chuyên gia đều khuyến cáo tốt nhất chỉ nên mua những mặt hàng có tên tuổi và nhãn mác rõ ràng, ở những nơi có độ tin cậy cao để tránh tự làm nguy hại đến sức khỏe của chính mình. Ngoài ra, những bạn ưa thích thứ phụ kiện này chỉ nên đeo chúng một lát rồi tháo ra, tránh đeo lâu dài khiến mồ hôi có dịp tương tác với kim loại.
Với đồ trang sức, bạn nên đeo bên ngoài áo, đồng hồ thì trước khi đeo nên dùng băng keo trong dán dính mặt kim loại để tránh tiếp xúc trực tiếp với da, còn quần jeans nên chú ý để thay những nút quần đã bị gỉ sét… Đặc biệt không được để chúng bị thôi nhiễm qua bàn tay và đi vào miệng, mũi…
Nguyễn Hòa