Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ án trẻ nhỏ bị giết hại do đeo trang sức. Mới đây nhất, cháu Thọ, 6 tuổi, ở xã Trung Hòa (Chương Mỹ, Hà Nội) bị một thanh niên cùng xóm giết hại để đoạt lấy sợi dây chuyền bằng bạc em đeo. Trước đó, em Linh (sinh năm 1996, ở Đại Lộc, Quảng Nam) cũng bị sát hại vì hung thủ muốn chiếm đoạt 2 chiếc nhẫn vàng em đeo trên tay.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cảnh báo, thói quen đeo đồ trang sức cho con không chỉ gây ra những tổn thương, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng mà còn có tác dụng “ngược” trong việc nuôi dưỡng tâm hồn.
Theo tiến sĩ Bình, nhiều trẻ em được bố mẹ cho đeo trang sức đắt tiền ngay từ nhỏ để làm đẹp. Đó cũng chỉ xuất phát từ việc cha mẹ yêu thương con. Tuy nhiên, trong xã hội xuất hiện nhiều tệ nạn mà trẻ nhỏ đeo trang sức dễ dàng trở thành nạn nhân.
Kẻ xấu có thể là con hàng xóm mê chơi game không có tiền sinh lòng tham rồi ngó nghiêng tới món đồ trang sức có giá trị trên người con bạn. Rồi người nghiện hút, chơi bời lêu lổng khi nhìn thấy trang sức của con bạn có thể bất chấp để làm liều... Chúng thường nghĩ, các em còn nhỏ không đủ sức chống cự, lại dễ bị gạt. Hậu quả có thể chỉ bị mất của, nhưng nghiêm trọng hơn là có thể chịu thương tật khi bị giật trang sức, thậm chí là bị sát hại như những trường hợp trên…
Hơn nữa, theo ông Bình, đồ trang sức có giá trị không có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Ngược lại, nó còn dễ đem đến những rủi ro không đáng có. Với những trẻ từ 6 tuổi, nhận thức về cái đẹp đang hình thành nên việc cha mẹ cho đeo trang sức có thể tác động đến thị hiếu thẩm mỹ của cháu sau này. Đó là chưa kể, nhiều cha mẹ còn cho con đeo trang sức giả với chất liệu bằng đồng, sắt… Những trang sức bằng sắt dễ bị gỉ và xỉn màu khi trẻ hoạt động ra mồ hôi hoặc đeo lâu ngày. Da của trẻ vốn rất nhạy cảm có thể dẫn đến viêm da với những chất gỉ sét. Ngay cả đồ trang sức bằng bạc vẫn có thể gây kích ứng da.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý (Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ trẻ em 18001567) cho rằng, ngay cả người lớn cũng đã có nhiều trường hợp mất mạng vì đeo trang sức. Vì thế, trẻ đeo những thứ trang sức giá trị có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào: khi trên đường đi học về, lúc ra cổng, ngõ, sang nhà hàng xóm chơi với bạn bè… Bản thân trẻ nhỏ chưa ý thức được giá trị của trang sức và chưa có khả năng tự bảo vệ mình trong những tình huống bất lợi. Cha mẹ, thầy cô thì không phải lúc nào cũng có thể kè kè ở bên để trông nom, quản lý được trẻ. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ đeo trang sức để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Theo bà, tình thương yêu, dành nhiều sự quan tâm cho con trẻ của bố mẹ là việc làm rất đáng trân trọng, nhưng tình hình tội phạm hiện nay diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh tốt nhất không nên đeo trang sức quý cho trẻ nhỏ, nhất là khi đưa các cháu đi trên đường hoặc đến những nơi tập trung đông người. Đồng thời, cha mẹ cũng cần trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ mình khi gặp kẻ xấu, người lạ mặt, như hét to khi có người lạ đến gần với ý đồ xấu, không ăn thức ăn người lạ đưa cho, không tự ý lên xe của người lạ, tìm cách bỏ chạy khi có người lạ dẫn đi…
Theo bà Quý, hàng ngày cha mẹ nên cùng con chơi những trò chơi tình huống, sắm vai, hay đố con nói gì, làm gì khi ở trong các hoàn cảnh khó khăn, sự cố xảy ra… Cha mẹ có thể biến những câu chuyện, những tai nạn nhìn thấy, nghe thấy thành bài học chia sẻ với trẻ, giúp con hiểu trong tình huống đó nên làm gì. Chỉ ra cho trẻ những người có thể tin cậy được là bố mẹ, ông bà hoặc những người bé có thể nhờ cậy như thầy cô giáo, người quen thân ruột thịt…
Điều đáng lo ngại nữa là nhiều trẻ sau khi bị cướp giật có nguy cơ sang chấn tâm lý, khủng hoảng tâm thần. Những vết thương đó có thể đi suốt cuộc đời nếu như trẻ bị dí dao vào cổ uy hiếp, thậm chí là bị tổn thương cơ thể… Trẻ có thể không ngủ được, khóc lóc trong giấc ngủ, ngủ mơ thấy lại những cảnh tượng đã xảy ra, khó tập trung chú ý, giảm khả năng học tập, căng thẳng...
Lúc này, cha mẹ cần dành nhiều thời gian chăm sóc, gần gũi con hơn. Cần tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực để trẻ quên đi những hình ảnh cũ, tạo cho trẻ niềm tin vào cuộc sống.
(Theo Gia đình & Xã hội)