Hurisa về nhất trên đường đua Vienna 12/9 với thành tích 2 giờ 9 phút 22 giây, nhanh hơn đối thủ về nhì Leonard Langat 3 giây. Nhưng một giờ sau khi chân chạy Ethiopia về đích, ban tổ chức thông báo không công nhận chiến thắng của Hurisa.
"Người chiến thắng ban đầu của cuộc thi Vienna Marathon đã bị loại vì thi đấu không hợp lệ. Đôi giày của anh không phù hợp với quy định. Đế giày chạy đường trường không được cao quá 4 centimet. Nhưng Hurisa sử dụng đôi giày chạy có đế cao 5 centimet", thông báo có đoạn.
Quyết định của ban tổ chức giúp Langat - chân chạy Kenya - được đôn lên ngôi vô địch. Đồng hương Ethiopia của Hurisan, Betesfa Getahun từ thứ ba lên thứ nhì.
Hình ảnh từ cuộc đua cho thấy Hurisa chạy đôi Adidas Adizero Prime X, còn Langat sử dụng mẫu Adizero Adios Pro 2. Nhưng theo tổng trọng tài Johannes Langer, ban đầu Hurisa đăng ký thi đấu bằng một đôi giày khác, đáp ứng các quy tắc của cuộc đua. Tuy nhiên, khi vào thi đấu, runner Ethiopia này chuyển sang đôi giày anh từng sử dụng khi luyện tập cho Vienna Marathon. "Lúc này, tôi không thể nói lý do vì sao Hurisa lại không chạy đôi giày đã chỉ định", Langer nói.
Vị tổng trọng tài cũng nhấn mạnh rằng ban tổ chức đã nhiều lần phổ biến quy định giày chạy trong các cuộc họp kỹ thuật với VĐV. "Thật không may, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài huỷ kết quả thi đấu của VĐV vi phạm. Đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra. Tôi nghĩ từ giờ trở đi sẽ có một hình thức kiểm tra để tránh những điều tương tự lặp lại ở một cuộc đua lớn".
Langat, người được công bố là nhà vô địch Vienna Marathon 2021, chia sẻ anh không hay biết gì về việc Hurisa bị loại vì phạm luật, cho đến khi ban tổ chức nói với anh. "Tất nhiên, mục tiêu của tôi là giành chiến thắng và thật may, cuối cùng tôi đã làm được", chân chạy Kenya khẳng định.
Người phát ngôn của Adidas chưa lên tiếng bình luận về vụ việc. Trang phục của các VĐV elite (nhóm VĐV có thành tích cao) thường được các quan chức kiểm tra trước cuộc đua từ 1 tới 2 ngày.
Vài năm trở lại đây, công nghệ sản xuất giày chạy bộ được cải tiến liên tục. Đó là nỗ lực của các hãng giày sau nhiều năm nghiên cứu các giải pháp mới, nâng cấp phần đế. Nike là công ty đầu tiên gắn tấm carbon vào đế các đôi giày chạy bộ của họ. Dần dần, các đối thủ cạnh tranh cũng có những thay đổi tương tự.
Năm 2019, cũng tại đường chạy kín ở Vienna, Eliud Kipchoge đã chinh phục cự ly Full Marathon (42,195km) với thành tích dưới 2 giờ, bằng đôi giày Nike mạ carbon. Thời gian 1 giờ 59 phút 40 giây không được ghi nhận kỷ lục do có quá nhiều sự hỗ trợ từ công nghệ, con người, giày chạy... Tuy nhiên, thành tích này đã vượt gần 2 phút so với kỷ lục thế giới của chính Kipchoge - 2 giờ 01 phút 39 giây, lập tại Berlin Marathon 2018.
Tháng 1/2020, Liên đoàn Điền kinh Thế giới (World Athletics) ra luật, cấm các VĐV chạy bộ thi đấu với bất cứ loại giày nào có đế dày hơn 4cm hoặc có nhiều hơn một tấm carbon. Tuy nhiên, những đôi giày bị cấm chỉ áp dụng với VĐV elite. Các runner bình thường khác vẫn có thể sử dụng loại giày chạy cấm cho các hoạt động tập luyện, đào tạo, thậm chí thi đấu.
Vienna Marathon 2021 là sự kiện chạy bộ lớn đầu tiên diễn ra trên đường chạy mở truyền thống, từ sau khi Covid-19 bùng phát. Mọi năm, giải này thường được tổ chức vào tháng Tư. Nhưng năm nay, vì dịch bệnh, Vienna Marathon được dời sang tháng 9, và diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhiều VĐV phàn nàn vì nóng bức. Một chân chạy 40 tuổi người Áo gục ngã khi xong nội dung half marathon (21,0975km), rồi qua đời sau đó tại bệnh viện.
Thuỳ Liên