Natasha Cockram từng không quan tâm tới giày chạy. Khi VĐV Xứ Wales này vào cuộc thi marathon đầu tiên trong đời năm 2017, cô đi một đôi Nike đã chạy được hai năm, có giá 15 bảng (khoảng 470.000 đồng), mua ở một cửa hàng chuyên bán đồ tồn kho. Bản thân Cockram là một VĐV tài năng, từng thắng giải vô địch chạy băng đồng tuổi thiếu niên và giải chạy cự ly trung bình. Cô giành học bổng vào Đại học Tulsa ở Oklahoma nhờ tài năng thể thao. Tại đây, Natasha theo học ngành tâm lý và vẫn miệt mài theo đuổi các cuộc thi chạy.
Cockram nói cô luôn yêu thích chạy bộ bởi đó là môn thể thao dễ tiếp cận. Cô kể với tờ Guardian (Anh): "Những gì bạn cần chuẩn bị là một đôi giày chạy. Không cần biết đó là giày gì, ai ai cũng có thể thử tập".
Nhưng mục tiêu của các hãng giày chạy lại không phải như vậy. Khi Cockram bắt đầu hành trình khám phá các cuộc đua marathon năm 2017, Nike đã tiết lộ một mẫu giày mới trong dự án "Breaking2" - nỗ lực phá vỡ mốc chạy marathon dưới hai giờ với VĐV trọng điểm là Eliud Kipchoge. Những đôi giày Vaporfly màu neon có đế xốp dày, được lót bằng các tấm nệm carbon, làm xôn xao làng chạy bộ với vẻ ngoài kỳ lạ và được quảng cáo là cải thiện hiệu suất của VĐV lên tới 4% - tương đương vài phút trong một cuộc chạy marathon.
Đôi giày này phải hứng chịu những cáo buộc về "doping công nghệ" khi không chỉ "thách thức sự thuần khiết của tinh thần Olympic", mà còn gây tranh cãi lớn về thiết bị thể thao. Sự vụ ồn ào không kém năm 2008, khi Speedo sáng chế ra bộ đồ bơi sản xuất bằng loại vải nhại theo hình dáng và bề mặt da cá mập. Công nghệ này cho phép các VĐV bơi lội - trong đó có cả Michael Phelps - lướt nhanh hơn trên làn nước, tạo ra vô số kỷ lục thế giới mới. Năm 2009, Liên đoàn Bơi Thế giới (FINA) đã cấm sử dụng bộ đồ này.
Các chân chạy cho biết những đôi giày Vaporfly của Nike cũng đem đến những hỗ trợ tương tự những gì Speedo từng làm các VĐV bơi. Họ cảm thấy như thể những đôi giày này có chứa lò xo, và các chuyên gia lên án mạnh mẽ công nghệ này. Ross Tucker, một nhà khoa học về thể thao hàng đầu tại Nam Phi, đã gọi chúng là "những đôi giày làm hỏng môn chạy bộ". Tuy nhiên, những đôi Vaporfly nhanh chóng được bán sạch khỏi các kệ hàng, góp phần đưa giá cổ phiếu của Nike tăng gấp ba lần, và làm nổ ra "chạy đua vũ trang" giữa các đối thủ.
Năm 2018, Cockram - vốn lớn lên ở một trang trại tại Cwmbran, gần Cardiff - đã chạy thêm hai cuộc thi marathon bằng đôi giày mua giảm giá màu xanh nhạt. Tuy nhiên, nó ngày càng cũ và chủ nhân của nó ngày càng tò mò về công nghệ giày mới. Tháng 1/2019, một ngày trước Houston Marathon ở Texas, chân chạy người Xứ Wales này tìm thấy và quyết định mua một đôi giày Vaporfly 4% mới của Nike. Nó có màu cam sáng, phủ phía trên phần đế dày cộp nhìn như chiếc xuồng cứu sinh bằng kẹo dẻo.
Tại Houston Marathon, thành tích cá nhân của Cockram được cải thiện đáng kể, rút bớt 90 giây, còn 2 giờ 34 phút. Chín tháng sau, cô về thứ năm tại Dublin Marathon 2019, phá kỷ lục marathon hạng mục nữ 31 tuổi ở Xứ Wales với thời gian 2 giờ 30 phút 50 giây. Chỉ hai năm kể từ khi bắt đầu thử sức ở các cuộc thi marathon, thành tích của Cockram đã tăng đáng kể, khiến cô kỳ vọng sẽ đủ điều kiện dự Thế vận hội tại Tokyo.
Khi thành tích thiếu 80 giây để đủ điều kiện vào nhóm elite của London Marathon 2020, Cockram bắt đầu đặt mục tiêu mới. Lúc đó, những đôi giày mới hào nhoáng của cô gái Xứ Wales - vốn nổi tiếng nhanh hỏng - cần được thay thế. Chúng trở nên lỗi thời khi Nike liên tục đưa ra các mẫu giày mới, kỳ lạ hơn. Phiên bản cập nhật nhất thời điểm đó là đôi Alphafly Next% - đôi giày vừa được hoàn thiện để chuẩn bị cho sự kiện chạy marathon Sub2 (dưới 2 tiếng đồng hồ) của Kipchoge vào tháng 10/2019. Việc sử dụng đôi giày này và 40 máy định hướng bằng các tia laser trên đường cho Kipchoge chạy khiến các nhà phê bình đồng loạt lên tiếng, cho rằng đây đúng hơn là một thí nghiệm chứ không phải một kỳ tích thể thao.
Trong khi đó, Cockram là "tay mơ" trong làng chạy đỉnh cao, đang nhắm mục tiêu dự Olympic và còn sáu tuần nữa để tham dự London Marathon, cô cảm thấy áp lực quá lớn. "Mọi thứ đều xoay quanh những đôi giày mới và tôi thấy mình thiệt thòi làm sao nếu không có một đôi", Cockram nhớ lại. Không nhà tài trợ, không cơ quan đại diện, nữ VĐV đang làm trong bộ phận nhân sự của Sở Cảnh sát Norfolk, quyết định đi mua sắm. Nhưng những đôi giày Alphafly trị giá 260 bảng Anh (khoảng 8 triệu đồng) đều "cháy hàng" trên các trung tâm thương mại, cửa hàng.
Trở về, Cockram than thở trên Twitter: "Tôi là một trong số ít elite của London Marathon năm nay chưa tìm được nhà tài trợ. Ai đó giới thiệu giúp, tôi có thể mua đôi Nike 4% hoặc Next% ở đâu không? Hoặc bất cứ đôi giày đua nào cỡ 4 (khoảng cỡ 37 Việt Nam). Không cầu kỳ, chỉ cần là đôi giày dùng để đua được". Cô thêm biểu tượng nhún vai sau bài đăng.
Vài ngày sau, một chiếc hộp được chuyển tới nhà của Cockram. Nike đã xem Twitter và gửi tặng cô một đôi Alphafly Next%. Cockram thử mang ngay đôi giày, cảm nhận chúng khác lạ thế nào, ngay cả khi so sánh với đôi Nike 4% mà cô đang có. Buổi tập sau đó - chạy 16km, cô lập tức đạt thành tích tốt nhất ở quãng đường này. "Tôi nghĩ mình đã chạy với pace 3 phút 03 giây mỗi km. Trước đó, pace của tôi chưa bao giờ xuống được dưới mức 3 phút 07 giây mỗi km", Cockram kể.
Về hình dáng bên ngoài, đôi Alphafly Next% này nhìn còn kỳ cục hơn cả những thiết kế trước đây. Vẫn có những tấm carbon dưới đế giày, đệm ở gót chân, nhưng Nike đã thêm vào bộ đệm không khí ở nửa trước bàn chân. Đôi giày giờ đây không còn giống thuyền cứu hộ, mà gần với hình dáng thuyền cao tốc thuỷ lực hơn. "Tôi không biết tả thế nào", Cockram thành thật. Cô cất chúng đi, để dành cho cuộc đua quan trọng sẽ diễn ra sau đó năm tuần.
Shalaya Kipp nhớ có một hộp mẫu giày Nike từng được chuyển tới phòng nghiên cứu về vận động thuộc Đại học Colorado ở Boulder. Phòng thí nghiệm này vốn ngập tràn các máy tập thể dục và thiết bị giám sát, nghiên cứu cơ chế của việc đi bộ, chạy, đạp xe và đôi khi làm việc cho các thương hiệu, có cả Nike. Lúc đó là vào khoảng tháng 5/2016, Kipp là nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm, tìm hiểu về sinh lý học. VĐV 30 tuổi đến từ Utah này xuấn thân từ môn trượt tuyết, nhưng yêu thích sự đơn giản của chạy bộ. Cô từng hoàn thành phần thi chạy vượt rào tại Olympic 2012. "Chiếc hộp là điều tối mật lúc đó. Chúng tôi phải ký thỏa thuận không tiết lộ thông tin", VĐV sinh năm 1990 này kể.
Nike dự tính mẫu giày này sẽ tiết kiệm khoảng 3% mức tiêu thụ năng lượng cho người chạy, giúp đẩy tốc độ lên cao hơn. Kipp nói: "3% là rất lớn. Khi tung ra những đôi giày công nghệ đế xốp Boost, Adidas từng quảng bá về con số 1%".
Đôi giày công nghệ đế xốp Boost của Adidas, được tạo thành từ các viên nén vừa chặt chẽ, vừa mỏng đồng thời tạo lớp đệm cho chân vận động viên, giúp giảm mệt mỏi và căng cơ. Sau khi ra mắt năm 2013, đây là dòng giày chạy nổi bật. Năm 2014, ngôi sao Kenya, Dennis Kimetto đi đôi Adidas Boost và phá kỷ lục thế giới chạy full marathon (42,195km) với thành tích 2 giờ 2 phút 57 giây. Đây là lần thứ tư liên tiếp một "gà nòi" của Adidas lập kỷ lục thế giới.
Dòng giày Vaporfly là lời đáp trả của Nike. Để đè bẹp Adidas, nhãn hàng Mỹ tận dụng mọi nguồn lực của họ để phá bỏ rào cản về mốc 2 giờ của loài người khi chạy marathon. Khả năng tiết kiệm năng lượng 3% sẽ đủ để thu hẹp khoảng cách với kỷ lục của Dennis Kimetto. Nếu một VĐV nào đó của Nike có thể chạy với pace 2 phút 29 giây, đó sẽ là một cuộc đảo chính trong thể thao, một cú tiếp thị chấn động.
Shalaya Kipp đầy nghi ngờ nhưng vẫn thử một đôi giày mẫu trong phòng thí nghiệm. Nhìn qua, nó có phần giản dị, thậm chí là xấu và tất cả đều là giày nam. "Tôi chỉ cảm thấy nó rất đàn hồi", Kipp kể.
Chỉ 10 năm trước đó, chạy đường dài bị gắn với một cuộc đua khác. Khi người người theo trào lưu chạy chân trần, các nhãn hiệu giày tập trung phát triển những đôi giày có thân được làm bằng vải "featherlight" mô phỏng lông vũ và đế mỏng. Trong quá trình nghiên cứu ban đầu cho ý tưởng "Breaking2" (phá mốc 2 giờ), Nike đã xem xét những đôi giày tối giản. Nhưng những vận động viên chạy bộ phàn nàn rằng chạy chúng khá khó chịu, mệt mỏi.
Các nhà khoa học của Nike, dẫn đầu là Matthew Nurse - một nhà nghiên cứu cơ sinh học tại trụ sở chính của nhãn hàng ở Oregon - bắt đầu tìm kiếm một giải pháp ở những đôi giày có đế xốp dày hơn nhưng trọng lượng nhẹ hơn nữa. Bước đột phá nằm ở Pebax, một loại nhựa đã được sử dụng trong nhiều năm, nhẹ hơn 20% so với TPU và mềm dẻo, có độ đàn hồi cũng như khả năng hấp thụ và chuyển hồi động năng lớn. Loại nhựa này được công ty Arkema của Pháp sản xuất ở dạng hạt thô. Cấu trúc hoá học của nó là một chuỗi các khối cứng và mềm xen kẽ nhau, tỷ lệ giữa chúng có thể được điều chỉnh một cách chính xác. Kết hợp với nhau, các khối này tạo ra độ dẻo dai và linh hoạt, trọng lượng cực nhẹ nhưng có độ đàn hồi mạnh mẽ. François Tanguy, nhà khoa học đồng thời là giám đốc vùng khu vực châu Âu của Arkema tiết lộ: "Bản chất của các chuỗi này vốn không phải là bí mật. Cách chúng tôi tạo ra nó mới là bí mật được giữ rất kỹ".
Bằng cách biến các hạt Pebax thành lớp bọt đệm, Nike đã có được những gì mình cần: Một quân bài đánh bại dòng Boost được gọi với tên ZoomX. Một lớp đế giày khác thường, nhẹ, mềm sẽ phản hồi lại năng lượng chứ không phải hấp thụ, làm giảm sự mệt mỏi cho VĐV trong những km cuối cùng của cuộc đua marathon. Một tấm lót sợi carbon - tính năng mà Reebok và Adidas đã thử nghiệm vào những năm 1990 - giúp hỗ trợ, giảm dồn năng lượng lãng phí xuống đầu các ngón chân.
Để kiểm tra giả thuyết 3% của Nike, Shalaya Kipp và nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm 18 người đàn ông có đôi chân cỡ 10 (khoảng 43-44) có thể chạy 10km trong vòng 30 phút. Với chiếc máy chạy được đặt chế độ nhanh chóng mặt trong vòng 5 phút, những người đàn ông này đi ba đôi giày khác nhau: Dòng giày Adidas mà Kimetto từng sử dụng khi lập kỷ lục thế giới, đôi giày chạy Nike tốt nhất ở thời điểm đó và đôi giày mẫu. Máy thở cũng cấp dữ liệu để tính toán mức tiêu thụ năng lượng.
"Vài người thích đôi giày, số khác lại ghét. Nhưng điều đó không quan trọng, bởi ngay cả những người không thích nó cũng sử dụng mức năng lượng ít hơn. Sau khoảng 6 người đầu tiên, chúng tôi đã biết mức lợi thế năng lượng sẽ cao hơn 3%", Kipp kể.
Mức tiết kiệm năng lượng trung bình cuối cùng là 4%, đưa mục tiêu 2 giờ tới gần hơn. Nike rất tự tin. Họ đặt tên cho đôi giày này là Nike Vaporfly 4% khi tung ra bán trong hè 2017. Trước đó, hãng đã tặng đôi giày cho các VĐV được tài trợ. Ba "gà nòi" của Nike đã đi đôi giày này khi thi marathon tại Olympic Rio 2016. Kipchoge giành HC vàng với thời gian 2 giờ 8 phút 44 giây, vượt qua cả Feyisa Lilesa của Ethiopia và Galen Rupp của Mỹ.
Đó là sự kiện khởi động để mùa hè 2017, Nike công khai đôi Vaporfly 4% tại Breaking2. Ngày 6/5/2017, Kipchoge đi đôi giày này, chạy vòng quanh đường đua FI ở Monza, Italy và thiếu 25 giây để chinh phục mốc 2 giờ. Nike đã thất bại hôm ấy, nhưng lịch sử đã thay đổi. Kipp nói: "Tôi thực sự hào hứng với nghiên cứu này, vì ở đây là sự đột phá ở mức tốt nhất".
Cuộc tấn công của Nike vào các cuộc đua marathon diễn ra nhanh chóng và chưa từng có. Vào năm 2018, Kipchoge đi Vaporfly 4% khi phá kỷ lục thế giới cự ly full marathon ở Berlin, vượt thành tích của Kimetto. Đó là bước nhảy vọt lớn nhất trong suốt nửa thế kỷ. Năm 2019, đôi Vaporfly 4% giúp 36 trong tổng số 42 VĐV lên podium trong hệ thống bảy giải marathon lớn. Trong đó, 12 người về nhất ở cả hạng mục nam và nữ. Tại Chicago Marathon, một VĐV Kenya, Brigid Kosgei phá sâu kỷ lục thế giới dành cho nữ với thành tích 2 giờ 14 phút 4 giây.
Những đôi giày công nghệ mới - vốn được thiết kế cho các elite đi tranh podium -luôn cháy hàng. Nhưng đôi khi người ta vẫn thấy bóng dáng những đôi Vaporfly 4%xuất hiện ở các giải nghiệp dư. Phân tích thời gian chạy marathon trên Strava - ứng dụng đo kết quả chạy phổ biến - tạo ra quan niệm rằng loại siêu giày vốn đòi hỏi người sử dụng phải có tốc độ cao nhất định cũng mang lại lợi thế lớn cho những người chạy chậm, nhờ khả năng đệm đàn hồi.
Vinh quang cho Nike lên đến đỉnh điểm vào tháng 10/2019 tại Vienna, Áo khi tập đoàn Ineos của Anh tài trợ cho Thử thách 1:59 của Kipchoge. Đi đôi giày AlphaFly Next%, Kipchoge chinh phục thành công mốc 2 giờ lịch sử. Yannis Pitsiladis, Giáo sư khoa học về thể dục thể thao tại Đại học Brighton và là nhà phê bình về siêu giày chạy marathon, cho biết: "Đây là sự kiện tiếp thị cho một đôi giày lớn nhất trong lịch sử thể thao". Pitsiladis lần đầu tiên bắt đầu lo lắng về những đôi Vaporfly khi ông sở hữu một đôi ở Rio và đưa qua máy quét tại bệnh viện để xem tấm lót bên trong. "Có điều gì đó kỳ lạ", ông nói.
Pitsiladis rất yêu thích giày. Năm 2014, bằng nỗ lực riêng, ông cố gắng giúp một VĐV vượt qua rào cản 2 giờ. "Dự án Sub2" là một thử nghiệm cộng tác mà ở đó nhà khoa học này hy vọng sẽ dẫn đến những tiến bộ trong dinh dưỡng, cơ chế sinh học, luyện tập, chiến lược..., hay cụ thể hơn là mọi khía cạnh - trừ doping.
Pitsiladis cho biết ông thực hiện "Dự án Sub2" với mục đích làm sạch thể thao. "Nhưng tôi đã mở chiếc hộp Pandora. Không chỉ vấn nạn ma tuý vẫn tồi tệ như trước, mà giờ chúng tôi còn đối mặt với cả doping công nghệ", thành viên của uỷ ban y tế và khoa học thuộc Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) này nói.
Giống Nike, ban đầu Pitsiladis nghĩ rằng những đôi giày tối giản có thể là con đường tốt nhất để phá rào cản 2 giờ. Nhưng dấu hiệu kiểm tra ở Rio cho thấy Nike hướng tới những đôi giày nhiều lớp đế hơn. Khám phá này được phát hiện khi quá trình hợp tác giữa Pitsiladis và Nike không suôn sẻ. Vị giáo sư cáo buộc Nike lấy ý tưởng Sub2 của ông, trong khi Nike phủ nhận và bác bỏ lời buộc tội "doping công nghệ", khẳng định đôi AlphaFly Next% tuân thủ các quy định của Liên đoàn Điền kinh Thế giới.
Pitsiladis khẳng định không phản đối công nghệ, nhưng cảm thấy thể thao là vô nghĩa nếu không thể so sánh các màn trình diễn giữa năm nay với năm sau, hoặc thậm chí trong cùng một cuộc đua.
Đồng quan điểm với Pitsiladis, Liz McColgan - cựu vô địch thế giới 10.000m người Scotland - nói: "Tất cả VĐV phải ở vạch xuất phát ngang bằng nhau. Và hiện tại thì không". Nhưng ở chiều ngược lại, Kipchoge tuyên bố trong một cuộc họp báo: "Chúng ta cần phải chấp nhận sự thay đổi".
Một nghiên cứu được Nike và Đại học Exeter công bố hồi đầu tháng 11/2020 tiết lộ rằng các VĐV của sự kiện Breaking2 thành công phần lớn nhờ vào khả năng đặc biệt của họ trong việc điều tiết lượng oxy hiệu quả khi chạy.
Nhưng trước áp lực ngày càng lớn vào năm 2019, Liên đoàn Điền kinh Thế giới đã đồng ý điều tra tất cả công nghệ giày chạy đường dài mới. Vào tháng 1/2020, họ ra bộ quy tắc mới. Bất cứ đôi giày thi đấu nào cũng phải có chiều cao đế tối đa là 40mm và có một lớp lót cứng duy nhất. Để cấm các mẫu nghiên cứu bí mật, các đôi giày được lựa chọn thi đấu phải có mặt trên thị trường ít nhất 4 tháng.
Pitsiladis thất vọng và tin rằng sự kiện Olympic ở Tokyo sẽ trở thành "kỳ Thế vận hội giết chết môn chạy cự ly dài". Vị giáo sư này cũng lo ngại về ảnh hưởng của các cải tiến từ Nike trên đường chạy, những kỷ lục ở cự ly ngắn hơn cũng đang bị phá vỡ khi sử dụng các dòng giày khác, dựa trên công nghệ tương tự. Nhưng Nike không phải nhà sáng tạo duy nhất trong cuộc đua "siêu giày". Các đối thủ khác, tất nhiên có cả Adidas, đang điên cuồng chạy đua để bắt kịp.
Một buổi sáng đầu tháng Chín, Sam Handy đứng gần vạch đích thời "giãn cách xã hội" giải Half Marathon tại Praha, CH Czech. Đây là sự kiện hiếm hoi được tổ chức sau nhiều tháng bị lùi, và cuộc đua chỉ có các VĐV elite tham dự, thu hút một số tên tuổi lớn. Handy đang để mắt đến một vận động viên - Peres Jepchirchir - người được Adidas tài trợ và đang nắm kỷ lục thế giới.
Với tư cách là người đứng đầu của Adidas Running, Handy là nhân tố chủ chốt trong cuộc đua đánh bại Nike. "Tôi rất căng thẳng. Đánh mất kỷ lục thế giới mà chúng tôi nắm giữ trong nhiều năm là một bài học kinh nghiệm. Không có gì khiến bạn phấn khích hơn là không-chiến-thắng", Handy nói.
Vào tháng 5/2020, Adidas tung ra đòn phản công đầu tiên: Adidas Adizero Pro với lớp đệm mới và đĩa carbon. Adidas bước vào cuộc đua những đôi giày "siêu khủng" cùng hàng loạt ông lớn như New Balance, Reebok, Saucony, On, Brooks, Hoka và Asics. Tất cả đều hoạt động theo nguyên tắc tương tự Vaporfly 4% với đế giày và đĩa carbon. Giống Nike, Handy bác bỏ cáo buộc Adidas sản xuất "doping công nghệ", và nhấn mạnh công nghệ mới chỉ là sự phát triển.
Sau đó, vào tháng Sáu, Adidas tiếp tục đưa ra câu trả lời bằng đôi Adizero Adios Pro có lớp đệm dày hơn và 5 thanh carbon đặt dọc theo cấu trúc xương bàn chân. Theo Handy, 5 thanh carbon này vẫn nằm trong định nghĩa của Liên đoàn Điền kinh Thế giới về "một tấm lót" và cho phép vận động viên trượt chân tự nhiên hơn.
Adidas không tiết lộ lợi ích của đôi Adios, nhưng Prague Half Marathon là thử nghiệm lớn đầu tiên của hãng. Jepchirchir thống lĩnh đường chạy, phá vỡ kỷ lục thế giới ở cự ly 21,0975 km dành cho nữ với thời gian 65 phút 34 giây. Ở vạch đích, giám đốc marketing của Adidas - Caio Amato - viết thành tích của cô lên đôi giày Adios bằng bút dạ và đưa cho Jepchirchir. Nữ VĐV sinh năm 1993 nâng đôi giày lên trước ống kính phóng viên như nâng một chiếc cúp, móng tay sơn hai màu hồng trắng đúng tông của đôi Adios.
Kibiwott Kandie, cũng lập kỷ lục thế giới với thành tích 57 phút 32 giây khi thi Half Marathon ở Valencia hồi tháng 11 nhờ đôi giày Adios. Ba trong số bốn quán quân của giải chạy tại Valencia dịp đó, gồm Kandie, Jepchirchir và Chebet đều sử dụng đôi giày Adios. Jepchirchir thậm chí còn lập kỷ lục thế giới mới ở nội dung Half Marathon nữ, với 1 giờ 5 phút 16 giây, nhanh hơn 18 giây so với kỷ lục mà chính cô lập tại Prague trước đó hai tháng.
Pitsiladis vẫn tỏ ra nghi ngờ. Ông cho rằng dù các công ty đầu tư tiền bạc vào cuộc đua phát triển công nghệ, ngay cả khi xuất phát điểm trở lại bằng nhau, những đôi giày đắt tiền khiến nhiều người gần như không thể mua được. Điều này sẽ đe doạ sự công bằng, tự do của bộ môn chạy.
Handy, trong khi đó, không giấu hoan hỉ, cho biết Adidas tung ra số lượng lớn các mẫu giày Adios và đều bán hết với tốc độ kỷ lục. Nhà quản lý này nói: "Đây không phải đôi giày chế tạo ra để dân chủ hoá việc chạy bộ. Nó là cải tiến cho phép VĐV chuyên nghiệp kéo dài hiệu suất thi đấu".
Nạn nhân của cuộc đua công nghệ giày chạy này dường như lại chính là những VĐV lựa chọn sai hãng giày. Wilson Kipsang và Kimmetto - hai người nắm giữ kỷ lục thế giới trước thời Kipchoge - đã trở nên nhạt nhoà trong cái bóng của Nike. Những vận động viên khác phải tìm cách tránh né hoặc thậm chí phá hợp đồng tài trợ. Ở các cuộc đua của những elite, những đôi giày Nike được dán băng màu đen để che logo ngày càng xuất hiệu nhiều. Các hãng giày nhỏ buộc phải thoả hiệp, cho phép "gà" của họ sử dụng giày chạy của Nike khi đua.
Sau khi sở hữu đôi Alphafly Next% của riêng cô để chuẩn bị cho London Marathon, Cockram lại vướng vào mối lo khác. Nhiều ngày sau buổi tập với thành tích tốt ấn tượng, mắt cá chân phải của cô bị đau. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy có một u nang ở dây chằng. Trong ba tuần trước ngày đua, cô không thể chạy. "Tôi tin mọi thứ đã kết thúc", Cockram nói.
Hai ngày trước cuộc đua, Cockram được bác sĩ cho phép sử dụng thuốc giảm đau. Cô nhận một phòng khách sạn bí mật tại Windsor. Tất cả vận động viên được yêu cầu cách ly trước cuộc thi - sự kiện chỉ dành riêng cho elite và diễn ra khép kín tại Công viên St James.
Vào đêm trước ngày chạy, đại diện của các thương hiệu giày xuất hiện. Một quan chức kiểm tra giày của VĐV xem mẫu họ sẽ sử dụng có nằm trong danh sách được phê duyệt hay không. Vài VĐV tỏ ra lo lắng.
Sau vòng chạy thử lúc 3 giờ 30 phút sáng trong khuôn viên khách sạn mưa giăng, Cockram cảm thấy mắt cá chân ổn hơn. Cô lên xe bus dành cho VĐV để tới St James. Tại đây, mỗi người phải thay đồ trong những lều cách ly riêng.
Tại vạch xuất phát, giày của các VĐV rất đa dạng và đáp ứng chuẩn mới của Liên đoàn Điền kinh Thế giới. Tuy nhiên, thời tiết ẩm ướt và lạnh giá làm chậm nhịp của các runner. Những đôi giày mới sáng chế của Adidas hay Asics đã ngăn chặn cuộc càn quét từ phía Nike trên bục vinh quang. Người từng đại diện cho vinh quang của Nike - Kipchoge - chỉ về đích thứ tám.
Cockram lại có cuộc chạy đua của riêng mình, đạt mốc thời gian tiêu chuẩn để dự vòng loại ở Olympic Tokyo dành cho nữ với thời gian 2 giờ 29 phút 30 giây. Tuy chưa đạt chỉ tiêu dự Olympic, Cockram vẫn thấy nhẹ nhõm. Cô cảm thấy đôi giày rất tuyệt và sẽ tìm kiếm cơ hội tiếp theo để đạt mục tiêu.
Nhớ về những ngày chạy trên đôi giày cũ mua từ cửa hàng giảm giá, Cockram nói cô nhớ cảm giác chỉ biết chạy và không quan trọng đi giày nào. "Nếu ra ngoài và giành được một thành tích cá nhân mới, tôi sẽ luôn tự hỏi, liệu kỷ lục ấy có phải nhờ đôi giày không?", cô băn khoăn.
Thùy Liên (theo Guardian)