VTM sẽ diễn ra ở Mộc Châu, Sơn La ngày 20/1, với bốn cự ly: 10km, 21km, 42km và 70km.
Theo HLV Việt Dũng, thời tiết tại Mộc Châu có đặc thù là biên độ nhiệt lớn trong ngày, lạnh vào sáng sớm, nhưng có thể tăng nhiệt cao hơn nhiều trong buổi trưa. Vì thế, VĐV cần lựa chọn trang phục phù hợp. Áo khoác mỏng sẽ là vật dụng không thể thiếu, vừa có thể mặc khi gió lạnh lại có thể dễ dàng cất đi khi trời nóng. Ngoài ra, do nhiều khả năng sẽ có nắng to trong ngày thi đấu, VĐV nên mang đồ chống nắng như mũ, khăn ống, bó tay và cả kem chống nắng.
"Gậy là phụ kiện quen thuộc với các VĐV chạy cự ly 21km trở lên, nhưng tôi vẫn phải nhắc lại. Sẽ có nhiều dốc bê tông hoặc đường núi gắt và dài, gậy sẽ rất hữu ích trong trường hợp này. Nhưng VĐV không nên quá phụ thuộc gậy ở những khúc đường hẹp, dốc hiểm trở", HLV Việt Dũng cho hay.
Các giải chạy trail ở khu vực Tây Bắc thường gây ấn tượng với cảnh quan hùng vĩ và thiên nhiên thơ mộng. Năm nay, VTM diễn ra đúng dịp hoa mận Mộc Châu nở rộ. Làng Hang Táu với nền cỏ xanh mướt nhiều khả năng cũng sẽ là nơi các nhiếp ảnh gia chọn tác nghiệp. Do đó, HLV Việt Dũng cũng tư vấn VĐV chọn trang phục nổi bật trên nền xanh lá để có những bức ảnh đẹp.
Giống như các giải trail khác, khâu dinh dưỡng rất quan trọng và nên được VĐV chú ý từ đầu cuộc đua. Những con dốc dài sẽ nhanh chóng đốt sạch năng lượng của VĐV, nếu không được bổ sung hợp lý. Theo HLV Việt Dũng, VĐV nên bổ sung 200 đến 300 calories ở mỗi check-point (CP), tương đương hai đến ba gói gel. Ngoài ra, VĐV có thể sử dụng đồ ăn được ban tổ chức chuẩn bị sẵn, và nên bổ sung năng lượng ngay cả khi chưa cảm thấy đói.
"VĐV nên sử dụng muối và BCAA theo từng CP, hoặc theo giờ tùy theo thói quen cá nhân. Với thời tiết ở Mộc Châu, một viên muối và hai viên BCAA mỗi CP là đủ cho nhu cầu. Các VĐV cự ly dài (42km và 70km) có thể cân nhắc sử dụng bột recovery chứa đường và protein ở CP thứ năm, giúp cơ bắp hồi phục trước khi leo dốc", anh nói. BCAA là loại thực phẩm chức năng, bổ sung một số acit amin giúp thúc đẩy tổng hợp protein cho cơ bắp.
Trước khi leo dốc, VĐV nên tranh thủ nạp nhiều năng lượng. Tương tự, mỗi đoạn xuống dốc dài cũng yêu cầu lượng nước và năng lượng lớn để duy trì tập trung, tránh vấp vào cây cỏ hoặc ngã khi downhill.
Về cách đóng gói, HLV Việt Dũng tư vấn VĐV dùng áo vest chạy bộ hoặc đai chạy bộ có nhiều ngăn, mỗi ngăn để riêng một loại đồ và tập trước thao tác lấy, cất đồ. Ngoài ra, VĐV nên tính toán dinh dưỡng vừa đủ với nhu cầu, tránh mang thừa. "Một VĐV ưu tiên chạy nhanh thường mang một đai lưng loại tốt với gậy giắt phía sau, ngăn sau để điện thoại và túi sơ cứu. Hai bên đai có hai bình nước mềm và phía trước là đồ dinh dưỡng", HLV của Vietnam Ultra Trail cho biết.
Quỳnh Chi