Bác sĩ Trần Hạnh Vy, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nếu tóc rụng trung bình như trên thì không đáng lo ngại. Trường hợp tóc rụng trên 100 sợi một ngày; rụng lâu hơn một năm; rụng nhiều cả khi ướt lẫn khô; tóc thưa thớt, có thể thấy rõ da đầu (ở nữ) hoặc tóc rụng từng mảng, gây hói nhẹ (ở nam); tóc con mọc lên yếu, mềm, mảnh, xoăn hoặc không có tóc con mọc lên... cần đi khám để điều trị sớm, tránh để lâu khiến nang tóc thoái hóa, gây rụng vĩnh viễn.
Rụng tóc nhiều còn tiềm ẩn nguy cơ mắc một số bệnh khác như mất cân bằng nội tiết tố, lupus, buồng trứng đa nang, da đầu bị nhiễm trùng, di chứng Covid, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin, sắt... Người bị bệnh lý rụng tóc luôn cảm thấy tự ti, thậm chí mặc cảm và xa lánh đám đông.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng tóc, theo bác sĩ Vy, ở nam giới là do sự mất cân bằng giữa hormone dihydrotestosterone và testosterone. Lượng testosterone giảm và dihydrotestosterone (DHT) tăng sẽ khiến tóc suy yếu và rụng nhiều. Ở nữ giới, tóc rụng do thiếu hụt hoặc rối loạn hormone trong cơ thể, thường gặp ở phụ nữ thời kỳ sinh nở, trong chu kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh, mãn kinh...
Một số nguyên nhân khác có thể gặp ở cả nam và nữ như thiếu ngủ, di truyền, thiếu hụt dinh dưỡng, lạm dụng hóa chất làm tóc, sử dụng thuốc... Ảnh hưởng từ một số bệnh lý như viêm da đầu, bệnh tuyến giáp... cũng gây rụng tóc hay chế độ ăn không khoa học, lười chăm sóc khiến tóc bẩn, dễ bết dính gây rụng. Nhiều trường hợp rụng tóc nhiều là do tóc không tiếp tục phát triển, dẫn đến hói đầu, thường xảy ra ở nam.
Đại dịch phức tạp khiến nhiều người căng thẳng, rối loạn tâm lý, stress, mệt mỏi, lo âu... dẫn đến rụng tóc. Nhiều F0 khỏi bệnh có thể mắc di chứng rụng tóc, khiến tóc rụng từng mảng. Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, rụng tóc là một trong những triệu chứng hậu Covid-19 được nhiều nghiên cứu và báo cáo ghi nhận. Một báo cáo khoa học gần đây cho thấy tình trạng rụng tóc gặp ở 25% bệnh nhân hậu Covid-19, tức 100 trường hợp có 25 người bị rụng tóc. Tuy nhiên triệu chứng này thường chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng, do đó bạn cũng không nên quá lo lắng, bác sĩ nhận định.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho rằng tiêm vaccine cũng có thể là một nguyên nhân do miễn dịch trung gian của cơ thể khi chống lại các yếu tố "giả virus" có khả năng chống lại cả mầm chân tóc. Tuy nhiên, tóc gãy và rụng nếu có xảy ra cũng chỉ là nhất thời và có thể khắc phục.
Để khắc phục tình trạng này, bạn cần giải quyết nguyên nhân gây rụng. Đầu tiên là xây dựng lại chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng như protein, vitamin B1, vitamin B12, vitamin C, vitamin E, vitamin D, sắt, kẽm, acid folic. Chăm sóc tóc mỗi ngày, bổ sung thêm chất dinh dưỡng tốt cho tóc như khoáng chất, dùng tinh dầu dưỡng, thoa cấp ẩm...
Tránh bím tóc, buộc cao quá nhiều hay ủ tóc bằng bia khiến tóc khô, gãy và rụng. Không sử dụng máy sấy, máy tạo kiểu tóc quá nhiều. Không dùng móng tay gãi mạnh vào da đầu do vùng này mỏng, nên dùng đầu mút thịt ngón tay hay bàn tay để massage nhẹ nhàng. Sau khi gội không nên dùng khăn khô vò tóc mà lấy khăn mềm thấm nước nhẹ nhàng lên tóc để giữ nguyên độ ẩm và lớp màng bảo vệ.
Nên gội đầu bằng nước ấm giúp các lớp biểu bì mở ra và dễ dàng loại bỏ bụi bẩn, rồi dùng nước lạnh xả sẽ giúp các lớp biểu bì đóng lại, để giúp làn da sáng bóng hơn. Lưu ý, trước khi gội, bạn phải gỡ rối tóc bằng lược răng thưa để giảm lượng tóc rụng khi tắm.
Khi ra đường, bạn bảo vệ tóc khỏi tia cực tím bằng nón, áo khoác có mũ che để chống lão hóa cho tóc và da đầu.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E) khuyến cáo cũng không nên quá ám ảnh hay lo lắng thái quá về chứng rụng tóc khiến tình trạng stress thêm trầm trọng và rụng tóc nhiều hơn. "Bạn phải giảm căng thẳng thì tình trạng rụng tóc mới cải thiện được", bác sĩ nói và cho biết thêm nên bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, ngủ sớm trước 23h, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao, thiền để thư giãn...
Thùy An