-
14h00
Chung cư nhà tôi nhiều người bảo nhau đi khám hậu Covid làm tôi hoang mang. Tôi đã khỏi Covid-19 được 3 tuần, hiện tại sức khỏe bình thường, không triệu chứng gì nhưng cũng khá lo lắng. Xin hỏi bác sĩ tôi cần đi khám không, hoặc bao lâu sau khi có xuất hiện di chứng thì phải đi khám? (Nam Anh, 31 tuổi, Hà Nội)
Biến chứng và khái niệm hậu Covid còn khá mới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra định nghĩa mới nhất về Covid, là bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sau 3 tháng, kéo dài 6 tháng mà không được lý giải bằng chẩn đoán khác. Không phải ai cũng có triệu chứng hậu Covid. Nhiều người tự hỏi, một số để lại hậu quả nặng nề nhưng tỷ lệ rất nhỏ. Nhiều người lo lắng và đi khám. Điều này chưa cần thiết. Nếu triệu chứng kéo dài sau 6 tháng mới cần đi khám tại các cơ sở được cấp phép.
Cần phân biệt các khái niệm về các triệu chứng sau Covid. Trong đó, Covid kéo dài (Long-Covid) là triệu chứng của bệnh nhân khi nhiễm Covid-19 vẫn kéo dài đến 3 tháng mặc dù đã khỏi bệnh. Hậu Covid (Post Covid) là những triệu chứng mới xuất hiện, sau 3 tháng (kể từ khi mắc bệnh), mà không lý giải được bằng các chẩn đoán khác. Di chứng là tổn thương các cơ quan do Covid-19 gây ra như tắc mạch, viêm cơ tim, tổn thương gây xơ phổi...
-
14h04
Trong thời gian mắc Covid-19, tôi chỉ có triệu chứng nhẹ là ho và đau mỏi người, không sốt. Sau khỏi bệnh gần một tháng, tôi có những cơn co thắt ngực, thường xuyên bị hụt hơi khi nói nhiều, thỉnh thoảng làm việc gắng sức hay leo cầu thang là thấy khó thở. Có một đêm đang ngủ thì tim tôi như bóp nghẹn lại, không thở được làm tôi tỉnh cả ngủ và mệt. Hiện tôi cảm thấy cơ thể còn yếu hơn khi mắc bệnh. Vì sao tôi lại bị hiện tượng này và cách khắc phục như thế nào? (Văn Hùng, 38 tuổi, Hà Nội)
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện cho đến nay, khái niệm nhiễm Covid-19 gây bệnh cho phổi thay đổi nhiều. Khoảng một năm gần đây, nghiên cứu cho thấy virus tác động đa cơ quan trong cơ thể kể cả tim, gan, thận... Bệnh nhân sau nhiễm bị hụt hơi, tức ngực... cần phân biệt các triệu chứng này xuất hiện khi nhiễm Covid-19 hay sau khi khỏi. Đối với hụt hơi, đau tức ngực thường do tim mạch và hô hấp gây ra. Bạn nên đi khám chuyên khoa để đưa ra phác đồ phù hợp. Không nên chủ quan để bệnh diễn biến dài gây ảnh hưởng sức khỏe.
-
14h07
Tôi khỏi Covid một tuần nhưng có hiện tượng đau ngực, đau xuyên cả sang lưng, xin hỏi bác sĩ hiện tượng này là gì? Cách khắc phục như thế nào?(Kim Anh, 45 tuổi, Vĩnh Phúc)
Triệu chứng đau ngực, khó thở là một trong những biểu hiện di chứng Covid-19. Nếu bạn đau vùng ngực, đau phía trước bên trái hoặc phía đằng sau xương ức, cũng có thể là biểu hiện bệnh lý mạch vành, hoặc các bệnh lý khác về dạ dày. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đi khám, nội soi dạ dày cũng như thực hiện biện pháp thăm dò hô hấp, tim mạch siêu âm tim, điện tim, loại trừ bệnh lý về mạch vành, nhồi máu cơ tim...
-
14h08
Tôi hiện 28 tuổi, khỏi Covid ngày 12/3. Trong lúc bị Covid, tôi có biểu hiện ho nhiều, tiêu chảy nhưng triệu chứng rất nhẹ. Sau khi khỏi Covid, tôi bị ho nhiều hơn, dai dẳng. Tôi muốn hỏi triệu chứng của tôi có nghiêm trọng và có cần phải đi khám sức khỏe hậu Covid không? (Đỗ Văn Hà, 28 tuổi, Hà Đông)
Triệu chứng về hô hấp hoặc tiêu hóa cũng là biểu hiện di chứng Covid-19. Vấn đề của bệnh nhân sau khỏi vấn tồn tại triệu chứng thì cần theo dõi sát chỉ số SpO2 và nhịp thở, nếu SpO2 giảm sâu và nhịp thở tăng lên thì bạn đi khám chuyên khoa hô hấp để các bác sĩ đánh giá sát hơn. Từ 1-2 tháng thường là triệu chứng Covid-19 kéo dài chứ không hẳn là hậu Covid-19, vì hậu Covid-19 thường khởi phát sau 3 tháng.
-
14h10
Kể từ ngày khỏi bệnh Covid-19 đến nay khoảng 2 tháng, tôi rất khó ngủ vào ban đêm, có khi gần sáng mới ngủ được. Xin hỏi bác sĩ, mất ngủ có phải di chứng Covid-19 không, làm sao cải thiện tình trạng này? (Việt Anh, 30 tuổi, Hà Nội)
Các báo cáo cho thấy các di chứng hậu Covid-19 nhiều, tuy nhiên phần lớn nhẹ. Biểu hiện lâm sàng có mất ngủ, lo âu, thậm chí trầm cảm. Bạn không chia sẻ rõ bạn khó đi vào giấc ngủ hay tỉnh giấc nhiều lần. Với những người mất ngủ kéo dài có thể sử dụng thuốc an thần hoặc thảo dược, tập thở, tập yoga... Nếu sau đó giấc ngủ vẫn không cải thiện thì bạn nên đi khám bác sĩ về tâm thần để được kê toa phù hợp.
-
14h12
Hiện tại tôi đã khỏi Covid được khoảng 2 tuần nay. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi hay bị khó thở trong khoảng 5-10 phút. Những lúc như vậy tôi ngồi để tập thở, đo SpO2 thì đều 98-99%. Cho tôi hỏi có phải bệnh đang bị ảnh hưởng lên phổi hay chỉ là di chứng tạm thời 1-2 tháng là hết. (Nguyễn Hiền, 32 tuổi)
Bạn không chia sẻ rõ tình trạng khi nhiễm Covid-19, nhưng những bệnh nhân Covid-19 tổn thương phổi phải thở máy, hỗ trợ oxy và hồi sức thì thường gặp di chứng nặng nề. Nếu bạn có triệu chứng nhẹ và tổn thương phổi không nhiều, biểu hiện khó thở ho và hụt hơi chỉ kéo dài sau hai tuần thì đây chỉ là Covid kéo dài chứ không phải hậu Covid. Bạn có thể đo các chỉ số của cơ thể như SpO2, nhịp tim, mạch... nếu các chỉ số ngoài mức an toàn thì nên đi khám.
-
14h15
Sau khi mắc Covid, cơ thể tôi có dấu hiệu suy nhược, mệt mỏi, hai tháng nay tôi không thấy có kinh nguyệt. Tôi phải làm sao thưa bác sĩ? Đây có phải triệu chứng hiếm gặp không? (Vân Hiền, 27 tuổi, Tuyên Quang).
Covid-19 tác động đến cơ quan, kể cả hệ sinh dục. Rối loạn kinh nguyệt do rất nhiều nguyên nhân. Các báo cáo cho thấy Covid-19 ít để lại rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, những người bị kinh nguyệt không đều vẫn nên đi khám sản phụ khoa để có những chẩn đoán sát hơn về sản khoa.
-
14h16
Sau khỏi Covid-19, tôi bị rụng tóc nhiều, khi gội đầu hay chải tóc nhẹ cũng bị rụng cả nắm tóc, trong khi trước lúc mắc Covid-19 tóc tôi rất đen mượt và chắc khỏe. Tôi rất khó chịu, không biết nên khắc phục thế nào? (Thúy Hiền, 40 tuổi, TP HCM)
Rụng tóc là một trong những triệu chứng hậu Covid-19 được nhiều nghiên cứu và báo cáo ghi nhận. Trong một báo cáo khoa học gần đây cho thấy, tình trạng rụng tóc gặp ở 25% bệnh nhân hậu Covid-19, tức 100 bệnh nhân có 25 bệnh nhân bị rụng tóc. Tuy nhiên triệu chứng này thường chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng do đó bạn cũng không nên quá lo lắng.
-
14h17
Sau khỏi bệnh, vợ tôi thường hay gọi sai tên vật dụng, nhiều lúc cô ấy như mất trí nhớ vì không thể nhớ tên và chỗ để các vật dụng ở đâu, đôi lúc còn quên việc mình đã từng làm, quên tên người thân. Tâm trạng vợ tôi cũng thay đổi, dễ dàng bực tức cáu gắt hơn. Xin bác sĩ lý giải kỹ hơn tình trạng của vợ tôi? (Duy Anh, 47 tuổi, TP HCM)
Nghiên cứu trên thế giới, hơn 1/3 trong số 236.000 bệnh nhân Covid-19 gặp rối loạn tâm thần, lo âu, căng thẳng, và đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân bị mệt mỏi hậu Covid-19 chiếm rất cao. Một số trường hợp gặp tổn thương của não, đặc biệt khái niệm hội chứng sương mù não làm bệnh nhân hay quên, rối loạn về trí nhớ, đặc biệt quên sự kiện xảy ra gần đây. Đây là triệu chứng hậu Covid-19. Với tình trạng bạn mô tả thì tôi nghĩ rằng bạn nên đưa vợ đi khám chuyên khoa thần kinh để xem có tổn thương thực thể trên não không, ngoài ra tổn thương tinh thần cũng nên được bác sĩ thăm khám nếu có, để điều chỉnh, cải thiện trí nhớ, cải thiện tinh thần.
-
14h18