TP HCM đang thí điểm bỏ đếm giây trên đèn giao thông ở một số giao lộ. Phương án này được nhiều chuyên gia ủng hộ và cũng đã được chứng minh hiệu quả ở các nước tiên tiến, nơi đã áp dụng từ lâu. Tôi không phải là một chuyên gia về giao thông hay đô thị học, nên không dám kết luận vội vàng về hiệu quả về mặt kỹ thuật của việc áp dụng bỏ đếm giây trên đèn giao thông. Nhưng cá nhân tôi có thể thấy được một số ưu và nhược điểm của sự thay đổi này đối với hành vi người tham gia giao thông.
Trước tiên, ưu điểm rõ ràng nhất của việc bỏ đếm giây trên đèn giao thông là làm giảm các tình huống tài xế ráng phóng nhanh để kịp vài giây đèn xanh còn lại. Theo thói quen, tôi luôn chủ động chạy chậm lại khi thấy còn dưới 5 giây đèn xanh, và đa phần chỉ có mình tôi hoặc vài người khác làm như vậy. Hành vi này theo tôi khá nguy hiểm bởi khi tăng tốc đột ngột, ta rất dễ bị mất kiểm soát, trong khi tâm trí đang tập trung xem có vượt kịp đèn xanh hay không nên sẽ không kịp xử lý các tình huống bất ngờ ở giao lộ. Đặc biệt nguy hiểm hơn hết đối với các xe cơ giới trọng tải lớn.
Ở hướng giao nhau còn lại, việc bỏ đếm giây đèn đỏ cũng sẽ làm giảm các tình huống chưa hết đèn đỏ đã bấm còi, rồ ga. Đều này rất khó chịu với những người nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông.
Tuy nhiên, mấy ngày trước, khi tham gia giao thông trên Xa lộ Hà Nội, tôi để ý đến hành vi của bản thân khi gặp đèn giao thông không có bộ đếm. Trước đây, tôi có thói quen tắt máy khi đèn đỏ còn hơn 40 giây, nhưng giờ vì không có đồng hồ hiển thị thời gian đếm ngược nên tôi không biết còn lại bao lâu?
Nếu tôi vừa tắt máy mà đèn chuyển xanh thì lại phải khởi động xe ngay, điều này không còn ý nghĩa về mặt tiết kiệm nhiên liệu. Chưa kể, khi đèn chuyển xanh bất ngờ, tôi không kịp khởi động lại liền sẽ vô tình gây cản trở giao thông cho người khác. Vì thế, tôi quyết định không tắt máy. Kết quả là tôi đợi gần 100 giây cho đến khi đèn chuyển xanh. Tôi thấy việc bỏ thói quen tắt máy sẽ làm tốn nhiên liệu và xả khí thải nhiều hơn.
>> 'Đếm giây trên đèn giao thông khiến tắc đường thường xuyên'
Trở ngại thứ hai của tôi, mà thực ra cũng là điều nhiều người phàn nàn, đó là khi gần tới ngã tư không biết đèn có chuyển đỏ đột ngột hay không? Nếu đèn chuyển đỏ ngay khi tôi vượt qua vạch thì vô tình tôi lạc giữa giao lộ. Sợ nguy hiểm nếu không nhanh chóng thoát khỏi ngã tư, buộc tôi phải tăng tốc, có nguy cơ mất an toàn giao thông. Còn nếu vừa gần tới vạch dừng mà đèn đỏ bật sáng thì việc thắng gấp cũng rất nguy hiểm khi các xe phía sau không phản ứng kịp. Thực tế, đường lộ ở Việt Nam đa số vẫn là làn hỗn hợp giữa xe máy và ôtô, nên nếu xe máy thắng gấp mà phía sau là ôtô thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
Hạn chế thứ ba mà cá nhân tôi thấy được, đó là độ trễ giữa các lần chuyển đèn sẽ tăng cao. Việc dừng đèn đỏ mà không biết khi nào có thể đi được, nhiều người sẽ bị mất tập trung theo dõi, làm việc riêng. Đến khi đèn xanh mới lại lúng túng khởi động xe, rất mất thời gian. Chưa kể, những người đứng sau có thể bấm còi liên tục để hối thúc, gây mất trật tự đô thị. Việc người tham gia giao thông bắt đầu di chuyển trễ có thể giúp tình trạng "đèn còn đỏ đã đi", nhưng việc độ trễ quá lớn sẽ là một sự lãng phí về mặt hiệu suất giao thông.
Tôi tin rằng sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều tích cực về mặt kỹ thuật, giúp tối ưu di chuyển giao thông khi mà mật độ dân cư ngày càng tăng. Nhưng mặt khác, những hạn chế mà người tham gia giao thông gặp phải khi bỏ bộ đếm giây trên đèn giao thông như đã nêu trên cũng phải được cân nhắc xem xét, cải thiện, để tăng chất lượng giao thông mà không ảnh hưởng đến tâm lý người đi đường.
Cá nhân tôi có một vài ý kiến đóng góp để xây dựng như sau:
Thứ nhất, cần khôi phục vai trò của đèn vàng. Chức năng của đèn vàng và đèn đỏ đang được hiểu là tương tự nhau khi quy định người tham gia giao thông không được vượt hai đèn này. Nếu giữ nguyên luật hiện tại thì có lẽ chúng ta nên bỏ luôn khái niệm đèn vàng. Theo tôi, đèn vàng nên được giao vai trò như trước - là một tín hiệu để người điều khiển giao thông đi chậm lại. Những ai lỡ vượt đèn vàng thì nhanh chóng thoát khỏi giao lộ chứ không bị phạt.
Tiếp theo, trước khi đèn giao thông chuyển từ đỏ sang xanh nên có độ trễ khoảng 10-20 giây. Đèn đỏ có thể nhấp nháy liên tục để báo hiệu cho người tham gia giao thông chuẩn bị khởi động xe và sẵn sàng di chuyển. Do không có hiển thị bộ đếm ngược nên cũng không lo tình trạng "còn đỏ đã chạy".
Tuy nhiên, tôi không ủng hộ thiết lập đèn nhấp nháy đối với đèn xanh sắp chuyển đỏ. Việc này tiếp tục gây tình trạng ráng tăng tốc để vượt qua, đây là một hành vi tham gia giao thông nguy hiểm. Trên đây chỉ là một số cảm nhận và góp ý của cá nhân, việc chính thức bỏ đếm giây trên đèn giao thông cần thời gian để nghiên cứu, thí điểm của các chuyên gia.
- Tắc đường Hà Nội vì cố vượt một hai giây đèn vàng
- 'Tôi bị dọa đánh vì không nhường đường cho người vượt đèn đỏ'
- Tôi ân hận vì nhường đường cho cô gái vượt đèn đỏ
- Bị cuốn vào gầm xe tải vì tiếc hai giây đèn đỏ
- Nhiều người chờ ăn 30 phút nhưng không đợi nổi 30 giây đèn đỏ
- Vòng xoay hiệu quả hơn đèn giao thông?