Đồng cảm với câu chuyện "Cả nhà stress vì con học online", độc giả Chu Tuyển chỉ ra những bất cập trong quá trình học từ xa mùa dịch:
"Tôi là giáo viên cấp hai, có con học lớp 1 mà còn thấy sợ với chương trình và cách dạy học online hiện nay. Mỗi ngày con tôi học từ 19h đến 21h, có hôm còn muộn hơn mới nghỉ. Cháu học liền hai bài Tiếng Việt, một bài Toán, chưa kể cả Tiếng Việt thực hành... Hôm nào học, con cũng ngồi ngủ gật, và cũng chẳng hiểu bài gì cả. Hơn nữa, cô giao bài từ hôm trước, bố mẹ dạy, cô chỉ kiểm tra và hướng dẫn lại thôi.
Tôi là giáo viên nhưng cũng không đồng tình việc trẻ lớp 1 học online. Một mình con học lớp 1 mà cả gia đình tôi đảo lộn, nào là kèm con học cùng cô, hướng dẫn lại con làm bài tập, chụp ảnh, quay video nộp cho cô, không kể các nhóm thông tin lớp các kiểu, ngày đêm cô nhắn tin công việc, phụ huynh trao đổi... rất khó chịu.
Theo tôi, lớp 1, các con chỉ học online ôn lại bài cũ 40 phút/ ngày là ổn. Sau này hết dịch, cô dạy trên lớp cả ngày tha hồ thời gian dạy lại. Ngoài ra, cũng nên cắt bỏ các môn Âm nhạc, Thủ công, Mỹ thuật, Tự nhiên xã hội, Kỹ năng sống... Các môn đều quan trọng, nhưng giờ dịch bệnh, nên tạo điều kiện để các em biết đọc, biết viết trước để không mất một năm tuổi học của các em, còn lại có thể học bù sau".
Đồng cảm với những suy nghĩ trên, bạn đọc Hà lại chia sẻ quá trình học online phức tạp cùng con:
"Con tôi học lớp 6, tôi còn thấy khó chịu khi cháu học online. Cô giao bài trên mạng cho phụ huynh, bố mẹ in ra con làm, làm xong chụp ảnh chuyển lên drive. Nếu đơn giản thế thì không nói, đằng này, có khoảng bốn kiểu giao bài trên web khác nhau cho đủ các môn học. Cô nhắn đâu thì đăng nhập vào đó. Cô vừa giao bài trên mạng thì vài chục comment của phụ huynh làm nó trôi, mỏi mắt mà tìm lại. Chỉ có một bài được ghim lên, còn năm môn khác sao ghim hết?
Tôi không ủng hộ tiểu học học trực tuyến".
>> 'Tiểu học không cần học online'
Tuy nhiên, nhiều độc giả lý giải tại sao các gia đình gặp khó trong việc cùng con học online, và cho rằng đây là cách dạy học hiện đại, cần phát triển. Độc giả Phước Minh Nguyễn nhận định:
"Đó là do các gia đình quá ép thành tích và cầu toàn chứ không phải lỗi do học online. Trước khi than phiền một vấn đề gì đó thì các phụ huynh nên nhìn lại xem, con mình được học online còn may mắn hơn rất nhiều trẻ em khác đang phải chịu đói rét trong mùa dịch này. Cho các em tự học với cô, rồi ở bên cạnh theo dõi là được. Đâu cần cứ phải ép con thế".
Chính độc giả Hà cũng nói:
"Một điểm tích cực là theo dõi con học online, cha mẹ có thể biết được con có yếu điểm gì để nắn chỉnh. Ví dụ: nhút nhát trên lớp dù ở nhà hoạt ngôn, chưa biết mở rộng bài, chưa biết bao quát lại vấn đề cần làm... Cứ mỗi lần điều chỉnh con xong là buổi sau thấy khả quan ngay. Cả thế giới học online, chút khó khăn cũng đành phải tự khắc phục vậy".
Đồng tình với quan điểm để con tự học thay vì liên tục theo cạnh thúc ép, bạn đọc Quốc Khánh Bùi nói thêm:
"Bạn hãy để cho con tự học. Theo dõi và động viên nhẹ nhàng, chứ đâu cần phải thúc ép con nhiều vậy làm gì. Bạn nên nhớ rằng, có bao nhiêu % học sinh được học online (số ọc sinh không có máy tính, không có mạng internet khá nhiều)? Trong thời gian tránh dịch, theo tôi, cái được lớn nhất của việc học online đó là các em vẫn nghĩ rằng mình đang học. Thay vì các cháu ăn rồi xem TV, chơi game... thì việc ngồi vào bàn nghe cô giáo nói 40 phút cũng là một cách giải trí. Đừng ép thành tích quá thì cả bạn và con đều vui thôi. Các thầy cô giáo cũng không phải tự nhiên mà có giáo trình giảng dạy online sẵn để truyền đạt cho các em học sinh, họ cũng phải lao động, cũng phải thích nghi để có thể dạy online mà".
Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các vị phụ huynh trong việc kèm con học online mùa dịch, độc giả Daisy Hà chia sẻ:
"Việc học phải rèn từ bé, chứ giờ con không học được như vậy thì lỗi phần nhiều từ phụ huynh. Con tôi cũng học online, cháu tự vô link trường gửi, tự in và tự làm bài, tôi chỉ hướng dẫn 1-2 lần. Tôi cũng không làm gì giúp bé, còn những gì cháu chưa hiểu, cháu sẽ tự tra từ điển, google, tôi sẽ chỉ ngồi gần quan sát cháu và kiểm tra lại thôi. Bé nhà tôi đang học lớp 5, nhưng ngay từ lớp 1, bé đã được rèn thói quen này. Đầu tiên rất vất vả, nhưng giờ bé lớn hơn, tôi rất nhàn. Nói chung, việc học là của bé, chính bé phải tự giác và cảm thấy thích thú".
Trong khi đó, bạn đọc Kieu Anh Vu lại có một cách khác để khiến những bài giảng online khô khan trở nên sinh động:
"Con tôi cũng học lớp 1, nhà trường cũng đăng bài lên youtube, yêu cầu phụ huynh mở cho bé học. Nhưng thú thật, tôi thấy bài giảng quá khô khan. Đến bản thân tôi còn thấy chán, huống chi con trẻ. Con tôi lại thuộc dạng lười học nữa nên không thể ép con được. Do vậy, tôi nghĩ ra cách mua các loại chuyện tranh có nhiều hình ảnh sinh động và ít chữ cho bé vừa xem vừa đọc. Tôi thấy khá hiệu quả, bé nhà tôi trước chỉ biết đọc những từ đơn giản còn hầu hết phải đánh vần thì nay sau một tháng, con có thể đọc hết một câu chuyện ngắn mà chỉ đánh vần một số từ khó".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Việt Thành tổng hợp