Mặc dù bỏ phiếu tha bổng cho Donald Trump trong phiên tòa luận tội, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng những rắc rối pháp lý đeo bám cựu tổng thống còn lâu mới kết thúc. "Chúng ta có hệ thống tư pháp hình sự. Chúng ta cũng có các vụ kiện tụng dân sự", McConnell nói. "Các cựu tổng thống không được miễn trừ truy tố".
Trong ba tuần kể từ khi Trump rời Nhà Trắng, các mối đe dọa pháp lý mà ông đối mặt đang gia tăng.
Các quan chức Georgia thông báo tháng này rằng cựu tổng thống phải đối mặt với hai cuộc điều tra liên quan đến những cuộc gọi giữa ông với các quan chức bầu cử nhằm lật ngược kết quả tại bang này. Tâm điểm cuộc điều tra là việc Trump vừa nài nỉ vừa đe dọa Tổng thư ký Brad Raffensperger để ông này "tìm phiếu" giúp lật ngược kết quả bầu cử của bang Georgia.
"Đây không phải là một vụ dễ dàng, nhưng cũng không phải là vụ bạn nên từ bỏ điều tra", Bret Williams, cựu công tố viên liên bang ở New York và Atlanta, nói. "Sẽ rất khó để chứng minh rằng ông ấy gạ gẫm Raffensperger thực hiện hành vi gian lận bầu cử, nhưng ông ấy có thể đã làm vậy".
Trong khi đó, cố vấn cấp cao của Trump Jason Miller nói rằng cuộc gọi "không có gì không chính đáng". "Nếu Raffensperger không muốn nhận các cuộc gọi về bầu cử, ông ấy đã không nên tranh cử chức tổng thư ký bang", Miller nói.
Cuộc điều tra cũng nhắm vào cuộc gọi của Trump hồi tháng 12/2020 với một điều tra viên trong văn phòng tổng thư ký bang Georgia, người khi đó đang dẫn đầu cuộc điều tra về cáo buộc gian lận phiếu bầu ở hạt Cobb. Trump yêu cầu điều tra viên "tìm ra kẻ gian lận", nói rằng quan chức này sẽ là một "anh hùng quốc gia".
Cuộc điều tra thứ hai ở Georgia đang được tiến hành bởi công tố viên hạt Fulton. Hôm 10/2, họ mở cuộc điều tra hình sự đối với Trump vì "nỗ lực gây ảnh hưởng đến việc tổ chức bầu cử ở Georgia năm 2020".
Đại bồi thẩm đoàn Georgia, bên sẽ xác định liệu tình tiết, bằng chứng được công tố viên đưa ra có là căn cứ hợp lý để tiến hành truy tố nghi phạm hay không, dự kiến họp sớm nhất vào tháng ba.
Trump cũng phải đối mặt với một cuộc điều tra hình sự ở New York, nơi công tố viên Manhattan đang xem xét liệu Tập đoàn Trump có vi phạm luật của bang như gian lận bảo hiểm, gian lận thuế hoặc các âm mưu lừa đảo khác hay không. Phạm vi điều tra rất rộng, một vấn đề nổi bật là các công tố viên đang xem xét liệu Tập đoàn Trump có lừa dối các tổ chức tài chính khi xin vay hoặc vi phạm luật thuế liên quan đến khu bất động sản Seven Springs hay không.
Các công tố viên đang chờ Tòa án Tối cao Mỹ quyết định có tiếp tục trì hoãn việc đòi Trump giao nộp hồ sơ thuế cá nhân và doanh nghiệp trong 8 năm và các hồ sơ khác hay không. Nếu Tòa án Tối cao cho phép thực thi trát đòi hồ sơ, đó sẽ là "cú hích lớn" cho cuộc điều tra.
Văn phòng Tổng chưởng lý bang New York Letitia James đang tiến hành một cuộc điều tra về việc liệu Tập đoàn Trump có thổi phồng giá trị tài sản của ông để đảm bảo các khoản vay và bảo hiểm có lợi hay không. Cuộc điều của James hiện là dân sự, nhưng có thể trở thành hình sự nếu hội đủ chứng cứ.
Trong khi đó, Alan Garten, tổng cố vấn của Tập đoàn Trump, phản bác rằng họ đã làm việc theo đúng luật, với sự tư vấn của luật sư và chuyên gia thuế.
Tại thủ đô Washington, các công tố viên liên bang đang điều tra vụ bạo loạn ngày 6/1 tại Đồi Capitol đã phát tín hiệu rằng không ai đứng trên luật pháp, kể cả Trump.
Nghị sĩ Dân chủ Bennie Thompson hôm 16/2 nộp đơn kiện Trump và luật sư của ông lên tòa án liên bang ở Washington, cáo buộc họ âm mưu kích động bạo loạn Đồi Capitol. "Vụ bạo loạn là kết quả của một kế hoạch được dàn dựng cẩn thận bởi Trump, Giuliani, cùng các nhóm cực hữu như Oath Keepers và Proud Boys. Tất cả họ đều có chung mục tiêu dựa vào sự uy hiếp, quấy rối và những lời đe dọa để ngăn chặn quá trình xác nhận phiếu đại cử tri", thông cáo về vụ kiện có đoạn viết.
Trong một loạt phiên tòa xử những người bị cáo buộc tham gia bạo loạn, các công tố viên và cả bị cáo cũng đã nhắc đến ảnh hưởng của Trump đối với những kẻ bạo loạn. Trong vụ kiện chống lại một thành viên tổ chức cực hữu Oath Keepers hôm 11/2, các công tố viên cho rằng người này đã chờ chỉ đạo từ Trump. Đây là lần đầu tiên họ đưa ra cáo buộc trực tiếp như vậy.
Hồi tháng một, Tổng chưởng lý Washington Karl Racine đã cảnh báo rằng Trump có thể phải đối mặt với các cáo buộc hình sự, nhấn mạnh luật thủ đô Washington nghiêm cấm các tuyên bố "khuyến khích, kích động mọi người thực hiện hành vi bạo lực một cách rõ ràng".
Văn phòng của Racine cũng đang xem cáo buộc Tập đoàn Trump và Ủy ban Nhậm chức Tổng thống đã lạm dụng hơn một triệu USD bằng cách "trả tiền quá cao" để sử dụng không gian tại khách sạn của Trump ở thủ đô Washington cho lễ nhậm chức của ông năm 2017.
Trump còn đối mặt với hai vụ kiện phỉ báng được đệ trình bởi những phụ nữ đã cáo buộc ông tấn công tình dục họ trước khi ông đắc cử tổng thống năm 2016. Trump bác bỏ các cáo buộc. Những vụ kiện này đã được tiến hành trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump, nhưng giờ chúng có thể diễn ra nhanh hơn vì ông đã mãn nhiệm và không thể sử dụng tư cách tổng thống để trì hoãn quy trình tố tụng.
Khi còn là tổng thống, Trump được hưởng quyền miễn trừ truy tố vì Bộ Tư pháp Mỹ đã kết luận rằng việc truy tố một tổng thống đương nhiệm là vi hiến. Nhưng không có lệnh cấm liên bang nào xoay quanh việc buộc tội một cựu tổng thống về những hành vi được thực hiện khi còn đương chức.
Nếu Trump bị kết tội, ông có nguy cơ bị phạt tù. Không giống như các tội liên bang, các bản án của bang không thể được tổng thống ân xá. Trong khi Tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ nỗ lực hòa giải với các đảng viên Cộng hòa, ông rất ít khả năng can thiệp vào bất kỳ vụ truy tố hình sự nào nhắm vào Trump.
Tuy nhiên, Gloria Browne-Marshall, giáo sư luật tại Đại học Thành phố New York, cho rằng việc xét xử hay kết án Trump không phải là điều dễ dàng. "Với hàng triệu người ủng hộ Trump sẵn sàng tài trợ để bào chữa cho ông, cựu tổng thống có thể phản công bằng các hành động pháp lý và khiến các vụ kiện kéo dài nhiều năm", bà nói.
Phương Vũ (Theo CNN/AFP/Reuters)