"Vô số cảm xúc lẫn lộn đã xuất hiện, nhưng cảm giác sợ hãi chiếm ưu thế. Khó có thể tưởng tượng ra cái chết của những người được ví như Thượng đế, nên khi chuyện đó xảy ra, mọi người đều bối rối", Rasha Al Aqeedi, nhà báo người Iraq của hãng tin Irfaa Sawtak, viết trên Twitter sau vụ Mỹ không kích hạ sát Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani tại Iraq hôm 3/1.
Một trong những ví dụ về tầm ảnh hưởng của Soleimani là cựu tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama, hai người tiền nhiệm của Donald Trump, đều từ chối "xuống tay" với tướng Iran, ngay cả khi họ tuyên bố ông chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm lính Mỹ tại Iraq.
Theo các chính quyền Mỹ trước đây, việc giết Soleimani chỉ khiến Washington sa lầy vào một cuộc chiến lớn hơn với Tehran, khiến các đồng minh ở châu Âu và Trung Đông xa lánh, cũng như làm xói mòn ảnh hưởng của Washington tại khu vực. Tuy nhiên, quan điểm này dần thay đổi dưới thời Trump, dẫn tới quyết định được cho là "gây chấn động".
Là tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hơn 20 năm, Soleimani được cho là người quyền lực thứ hai Iran sau lãnh đạo tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Ông đóng vai trò chủ chốt trong mục tiêu chiến lược của Iran là bảo vệ lợi ích và mở rộng tầm ảnh hưởng khắp Trung Đông.
Lực lượng Quds thuộc biên chế IRGC và phụ trách toàn bộ hoạt động tác chiến của Iran ở nước ngoài, được triển khai ở nhiều quốc gia như Iraq, Afghanistan, Lebanon, Syria và Yemen. Mục tiêu ban đầu của lực lượng đặc nhiệm này là thúc đẩy cách mạng Hồi giáo ở ngoài lãnh thổ Iran, nhưng sau đó phát triển thành mở rộng tầm ảnh hưởng của Tehran trong khu vực, bằng cách cung cấp vũ khí và huấn luyện các nhóm dân quân địa phương.
"Nhiệm vụ của lực lượng Quds khá tương đồng với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Họ thu thập thông tin tình báo, huấn luyện và trang bị cho các nhóm vũ trang nước ngoài", Luis Rueda, cựu sĩ quan CIA từng đứng đầu nhóm tình báo Iraq, nhận xét.
Dưới sự chỉ huy của Soleimani, lực lượng Quds còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ từ tay các phiến quân. Họ cung cấp vũ khí, cố vấn quân sự và lực lượng rút ra từ nhóm dân quân Hezbollah của Lebanon, dân quân Shiite ở Iraq và các dân quân tình nguyện khác.
Theo các chuyên gia về Iran, ngay từ khi thành lập vào đầu những năm 1980, lực lượng Quds đã hỗ trợ tài chính, đào tạo và cung cấp vũ khí cho Hezbollah, giúp nhóm này trở thành lực lượng quân sự phi nhà nước hùng mạnh nhất Trung Đông. Nhờ sự hướng dẫn và hỗ trợ của Soleimani, Hezbollah đã sở hữu hàng nghìn tên lửa tầm xa, cũng như máy bay không người lái và khả năng tác chiến không gian mạng.
Gần đây nhất, lực lượng Quds đã đứng sau sự thành lập Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU), nhóm dân quân giúp đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, đồng thời trở thành lực lượng bán quân sự rộng lớn hoạt động như một phần mở rộng của Quds.
Các đồng minh tại Vùng Vịnh của Mỹ như Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), những nước từ lâu đã lên án vai trò chi phối của Soleimani trong khu vực, được cho là đang hy vọng cái chết của ông sẽ trở thành đòn giáng vào sức ảnh hưởng của Iran.
"Nhiều người cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi Soleimani chết vì không muốn thấy Iran mở rộng sức ảnh hưởng ra ngoài lãnh thổ của họ. Mặc dù vậy, các quốc gia Vùng Vịnh sẽ giữ chừng mực khi phản ứng công khai, bởi không ai muốn tình hình khu vực leo thang", một cựu quan chức giấu tên ở Vùng Vịnh cho hay.
Mahjoob Zweiri, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh tại Đại học Qatar, cho biết Soleimani được nhiều người trong khu vực ngưỡng mộ vì giúp chính phủ Syria dẹp phiến quân, nhưng cũng không ít người cho rằng ông phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng chục nghìn dân thường.
Zweiri lấy ví dụ ở Syria, lập luận rằng Soleimani gây ra nhiều "tội ác tàn bạo" với người dân nước này khi hỗ trợ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, đóng vai trò chiến lược gia chủ chốt huấn luyện quân đội Syria, cung cấp vũ khí và triển khai lực lượng dân quân Shiite.
Tại Iraq, hàng nghìn người biểu tình rầm rộ ở thủ đô Baghdad và nhiều thành phố khác kể từ tháng 10, cáo buộc chính phủ tham nhũng và bị Iran thao túng. Đám đông đốt cháy văn phòng của các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn được Soleimani thành lập và huấn luyện.
Các nhóm dân quân bị cáo buộc bắn đạn thật vào đám đông, khiến khoảng 460 người chết và 25.000 người bị thương trong các vụ bạo lực liên quan đến biểu tình ba tháng qua. Dân quân Iraq và Lebanon đã gọi những người biểu tình là "đặc vụ phương Tây".
Fatmeh Aman, nhà phân tích về Iran và Nam Á tại Washington, Mỹ, giải thích rằng Soleimani không được lòng các nhà hoạt động dân chủ bởi vai trò của ông trong việc ngăn chặn những cuộc biểu tình đòi cải cách chính trị và kinh tế trong hai thập kỷ qua.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng cái chết của Soleimani sẽ không tác động tới tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực, bởi ông cũng chỉ là một phần trong hệ thống được thiết lập nhằm thúc đẩy các mục tiêu của Tehran ở Trung Đông.
Aman nhận xét Soleimani dù nắm vị trí quan trọng "cũng chỉ là một tướng từ lực lượng quân sự hùng mạnh đủ khả năng tiếp tục vận hành sau sự ra đi của ông". Iran sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược hiện nay tại Trung Đông bất chấp sự thiếu vắng Soleimani.
"Cái chết của Soleimani là cú sốc lớn, nhưng không tác động nhiều tới cả hệ thống", nhà phân tích Abas Aslani tại Tehran đánh giá. Cựu sĩ quan CIA Rueda bổ sung thêm rằng "Soleimani hoạt động hiệu quả bởi bản thân chiến lược của Iran tại khu vực Trung Đông hiệu quả".
Ánh Ngọc (Theo Al Jazeera)