Một đêm tháng 1/2007, các sĩ quan tại Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Mỹ phát hiện thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, trên đoàn xe di chuyển từ Iran vào miền bắc Iraq.
Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm Mỹ khi đó đã không hành động, để mặc đoàn xe của Soleimani khuất dần trong bóng tối.
"Để tránh một cuộc giao tranh và những rắc rối chính trị có thể xảy ra sau đó, tôi quyết định tiếp tục theo dõi đoàn xe, không phát lệnh tấn công ngay lập tức", tướng Stanley A. McChrystal, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt, chia sẻ trong một bài báo năm ngoái.
Tuy nhiên vào rạng sáng 3/1, một máy bay không người lái MQ-9 Reaper của chính bộ tư lệnh này đã nhận lệnh trực tiếp từ Tổng thống Donald Trump, khai hỏa vào đoàn xe chở tướng Soleimani khi nó vừa rời sân bay quốc tế Baghdad.
Các quan chức Mỹ cho biết trước khi thiệt mạng trong đòn không kích hôm 3/1, tướng Suleimani từng thoải mái đi lại như một người "bất khả xâm phạm" ở Iran và Iraq. Một cựu chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ cho biết máy bay chở Suleimani từng đỗ ngay cạnh phi cơ của ông tại sân bay Erbil ở miền bắc Iraq.
Marc Polymeropoulos, cựu nhân viên CIA, cho biết tướng Soleimani thường tỏ ra coi thường mối đe dọa từ Mỹ và luôn hoạt động công khai, dù tư lệnh lực lượng Quds đã nhiều lần bị mưu sát.
"Soleimani được đối xử một cách trọng thị và việc lần ra dấu vết của ông ấy không quá khó. Soleimani cảm thấy không ai dám động đến mình, đặc biệt ở Iraq. Ông ấy chụp ảnh trên chiến trường và công khai chế giễu Mỹ vì cảm thấy an toàn khi làm như vậy", Polymeropoulos cho biết.
Soleimani dường như không biết được rằng các cơ quan tình báo, quân đội Mỹ và Israel từ lâu đã rất chú trọng việc theo dõi mọi di biến động của ông, đặc biệt là khi ông có mặt ở Iraq. Tuy nhiên, các tổng thống Mỹ trước đây như George W. Bush và Barack Obama đều từ chối phê chuẩn kế hoạch không kích nhắm vào Soleimani, do lo sợ hành động đó có thể châm ngòi chiến tranh với Iran.
Nhưng sau vụ nhóm dân quân Iraq Kataib Hezbollah do Iran hậu thuẫn bị cáo buộc tấn công căn cứ quân sự ở Kirkuk, Iraq hôm 27/12 khiến một nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng và một số lính Mỹ bị thương, chiến dịch tối mật nhằm lần dấu vết để tấn công tướng Suleimani được kích hoạt, theo các quan chức cấp cao Mỹ.
Trong vài ngày sau đó, Bộ tư lệnh Tác chiến Đặc biệt tìm kiếm thời cơ để tấn công. Thời cơ cuối cùng cũng đến khi họ phát hiện tướng Soleimani sẽ đáp máy bay đến sân bay quốc tế Baghdad vào đêm 2/1, rạng sáng ngày 3/1.
Quan chức Mỹ cho biết kế hoạch tấn công tùy thuộc vào người ra đón Soleimani tại sân bay. Nếu đó là một quan chức chính phủ Iraq, chiến dịch sẽ bị hủy. Tuy nhiên, người đón Soleimani đêm hôm đó lại là Abu Mahdi al-Muhandis, chỉ huy nhóm Kataib Hezbollah, và kế hoạch không kích được Trump thông qua.
Các quan chức và cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết cuộc không kích là một chiến dịch đặc biệt với sự kết hợp giữa thông tin do đặc tình bí mật cung cấp cũng như dữ liệu tình báo từ hoạt động chặn thu điện tử, máy bay trinh sát và các công cụ giám sát khác.
Những quả tên lửa liên tiếp được phóng vào đoàn xe chở Soleimani và Muhandis, khiến hai người này cùng 6 thành viên trong đoàn hộ tống thiệt mạng tại chỗ, chiếc xe của họ bị phá hủy hoàn toàn.
"Soleimani bị nhắm mục tiêu vì vai trò công khai trong việc tổ chức các cuộc tấn công của Iran vào Mỹ và các đồng minh", tướng McChrystal nói, thêm rằng ông rất ủng hộ quyết định của Trump. Tuy nhiên, McChrystal cũng cảnh báo cái chết của Soleimani có thể gây ra bất ổn và Iran sẽ đáp trả.
Các quan chức quân đội Mỹ cho biết đang thực hiện các bước để bảo vệ lực lượng Mỹ ở Trung Đông và các nơi khác trên thế giới vì họ nhận thức được Iran hoặc các lực lượng ủy quyền sẽ phản ứng dữ dội.
"Tôi chỉ có thể hy vọng rằng các đại sứ quán và lãnh sự quán trong khu vực đã được đặt trong tình trạng báo động cao trong suốt 48 giờ qua hoặc hơn", Barbara A. Leaf, cựu đại sứ Mỹ tại UAE, cho biết.
Leaf cảnh báo sau khi "hồi phục khỏi cú sốc", Iran sẽ tiến hành các hoạt động trả thù, đầu tiên có thể diễn ra tại Iraq.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng chính quyền Trump hy vọng cái chết của tướng Soleimani sẽ buộc Iran phải lùi bước sau nhiều tháng hành xử hung hăng. Tuy nhiên, một quan chức khác cũng thừa nhận việc giết chết Soleimani sẽ là rủi ro lớn với Trump và có thể gây ra phản ứng thái quá từ cả Iran và Iraq.
Ngọc Ánh (Theo NY Times)