Ngày 4/7, Mark Zuckerberg đăng đoạn video tay cầm cờ Mỹ và tự tin lướt sóng trên Instagram để ăn mừng quốc khánh. Trong khi trước đó vài giờ, ở bên kia Thái Bình Dương, Didi Global bị Bắc Kinh cấm khỏi các chợ ứng dụng. Câu chuyện của Didi là sự tiếp nối loạt thách thức dành cho các ông chủ tập đoàn công nghệ Trung Quốc, kể từ khi Jack Ma "biến mất" khỏi công chúng 8 tháng trước.
Từng được định sẵn để thách thức Zuckerberg và tỷ phú Mỹ khác trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới, nhưng giờ, giới tinh hoa Trung Quốc gặp không ít lao đao. Trong một bình luận của mìng, Bloomberg cho rằng thời đại của những người siêu giàu ở Trung Quốc dường như sắp đột ngột kết thúc.
Ngay cả khi 10 người giàu nhất thế giới có thêm 209 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, các tài phiệt giàu nhất Trung Quốc lại chứng kiến giá trị tài sản ròng giảm 16 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Cổ phiếu các công ty hàng đầu của họ giảm trung bình 13% trong giai đoạn này, lần đầu tiên trong ít nhất 6 năm, bất chấp thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tăng. Cổ phiếu của Didi đã giảm 14% kể từ khi ra mắt ngày 30/6 trên sàn New York, làm giảm gần 800 triệu USD tài sản của các nhà đồng sáng lập.
Đằng sau sự lao dốc là các cuộc siết chặt của chính quyền Trung Quốc, kể từ khi Ant Group của Jack Ma bị hoãn kế hoạch IPO hồi tháng 11 năm ngoái. Các nhà hoạch định chính sách đang thắt chặt các quy định, từ dịch vụ tài chính, nền tảng Internet đến hoạt động thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp.
Trong cuộc họp mới nhất hôm 10/7, các nhà quản lý Trung Quốc đã công bố dự thảo các quy định mới, yêu cầu gần như tất cả công ty trong nước phải trải qua một cuộc đánh giá an ninh mạng trước khi niêm yết ở nước ngoài.
Động cơ của Bắc Kinh rất đa dạng. Chúng bao gồm lo ngại về hành vi phản cạnh tranh trong ngành công nghệ, rủi ro đối với sự ổn định tài chính từ các nền tảng cho vay và sự lan tràn của thông tin cá nhân nhạy cảm trong tay các tập đoàn lớn.
Nhưng một điều khác đang diễn ra, thông qua nhiều sáng kiến mới nhất, chính phủ nước này muốn kiềm chế quyền lực của các ông trùm. Vài người trong số họ đã tích lũy được một lượng lớn ảnh hưởng đối với nền kinh tế trị giá 14.000 tỷ USD. Một quan chức chính phủ mô tả, Bắc Kinh muốn ngăn các tỷ phú của mình trở thành một thế lực mạnh như "chaebol" do gia đình tự quản đang thống trị nền kinh tế và nhiều khía cạnh chính trị tại Hàn Quốc.
Bắc Kinh càng thêm quyết tâm khi mối quan tâm của công chúng Trung Quốc về bất bình đẳng gia tăng. Trong một bài phát biểu vào tháng 10/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thừa nhận sự phát triển của đất nước là "không cân bằng" và nói rằng "thịnh vượng chung" phải là mục tiêu cuối cùng.
Kết quả, một kỷ nguyên mới mở ra cho các tỷ phú và các nhà đầu tư ủng hộ họ. Đã qua rồi cái thời mà những ông trùm như Jack Ma có thể tự tin bẻ cong các quy định để thúc đẩy sự phát triển của công ty họ, và thách thức những lợi ích cố hữu trong tay các ngân hàng quốc doanh.
Những nhân vật đại chúng giàu có nổi tiếng giờ đây được nhắc nhở phải "trả nợ" nhiều hơn cho đất nước. Một cuốn sách mới đây dành cho giới siêu giàu Trung Quốc kêu gọi tôn trọng chính quyền hơn, đóng góp từ thiện nhiều hơn và tập trung hơn vào phúc lợi nhân viên, ngay cả khi điều đó tổn hại đến lợi nhuận của họ.
Sau bài chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính năm ngoái, tỷ phú Jack Ma hầu như ẩn dật. Ông chỉ xuất hiện vài lần hiếm hoi với nội dung được dàn dựng cẩn thận. Colin Huang, nhà sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Pinduoduo bị giám sát bởi lịch trình làm việc không ngừng nghỉ. Ông đã từ bỏ vai trò chủ tịch, CEO và quyên góp số cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD. Người sáng lập ByteDance, Zhang Yiming, cho biết sẽ từ chức CEO và dành nhiều thời gian hơn cho từ thiện.
Wang Xing, chủ tịch hãng giao đồ ăn khổng lồ Meituan, hầu như tránh xa công chúng kể từ khi ông đăng một bài thơ hơn 1.100 tuổi vào tháng 5 mà một số người coi là ngầm chỉ trích chính phủ. Ông thanh minh rằng bài đăng chỉ nhắm vào sự thiển cận của ngành công nghệ. Một số nguồn tin cho biết, ông Wang sau đó được các quan chức Bắc Kinh khuyên nên kiệm lời hơn trên Internet.
Angela Zhang, Giám đốc Trung tâm Luật Trung Quốc đại lục tại Đại học Hong Kong cho biết, Bắc Kinh có nhiều công cụ để kiểm soát tỷ phú, bao gồm cả việc giam giữ trong những trường hợp khắc nghiệt nhất.
Một quy trình kỷ luật nội bộ đối với đảng viên, được gọi là "shuanggui", đã được áp dụng cho một số ông trùm trong quá khứ. Các cuộc điều tra của cơ quan chống độc quyền, an ninh mạng và các cơ quan quản lý khác là những cách phổ biến để tác động đến hành vi của những gã khổng lồ công nghệ. Ngoài ra, chính phủ cũng sử dụng các phương pháp "mềm" bao gồm các chiến dịch truyền thông nhà nước.
Trong những ngày sau khi các nhà quản lý dừng kế hoạch IPO của Ant, ông Tập Cận Bình đã đến thăm một bảo tàng ở thành phố Nam Thông (Giang Tô) do nhà tư bản Zhang Jian xây dựng vào thế kỷ 19.
Ông Tập mô tả Zhang là một nhà xây dựng yêu nước và một nhà từ thiện. Thay vì phá vỡ hệ thống tài chính bằng các khoản vay không được kiểm soát, ông đã xây dựng các nhà máy và hàng trăm trường học. "Khi bạn nhìn thấy một người tài đức, hãy noi gương ông ấy", ông Tập bình luận và kêu gọi các doanh nhân tư nhân củng cố tình cảm của họ đối với đất nước và đảm nhận các trách nhiệm xã hội.
Không chỉ các tỷ phú công nghệ, các tỷ phú bất động sản Trung Quốc cũng đang cảm nhận áp lực gia tăng trong những năm gần đây. Nhà chức trách đã dần hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của ngành này, trong nỗ lực kiềm chế giá nhà và giảm rủi ro hệ thống tài chính.
Chủ tịch tập đoàn Evergrande Hui Ka Yan là một trong những người bị thiệt hại lớn nhất năm nay, mất 6,7 tỷ USD, tương đương gần 30% tài sản khi cổ phiếu của Evergrande sụt giảm, do nhà đầu tư lo ngại công ty suy giảm thanh khoản.
Một dấu hiệu tinh tế hơn cho thấy ảnh hưởng đang suy yếu của các tỷ phú khi tỷ lệ bổ nhiệm chính trị của họ ngày càng giảm. Dữ liệu từ báo cáo Hurun, cho thấy các doanh nhân giàu chiếm 5,8% số đại biểu trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Đại hội Nhân dân Toàn quốc, thấp nhất trong ít nhất tám năm và giảm từ 15,3% vào năm 2013.
"Có một sự thay đổi trong tư duy rằng, những loại người nào nên được chọn. Các doanh nhân ngày càng gặp khó khăn hơn", Rupert Hoogewerf, Chủ tịch của Hurun Report, bình luận.
Câu hỏi lớn là liệu tất cả những điều này có tốt cho Trung Quốc về lâu dài hay không. Theo bà Angela Zhang, lòng tin của nhà đầu tư có thể bị suy yếu. Các doanh nhân đứng sau Alibaba hoặc Tencent có thể giảm khả năng nhận được nguồn vốn mà họ cần để biến ý tưởng thành hiện thực. Các công ty đầu tư mạo hiểm toàn cầu có thể sẽ suy nghĩ kỹ về việc đầu tư vào các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số chính sách mới của Bắc Kinh có thể thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành công nghệ, mở đường cho một lớp tỷ phú mới trỗi dậy. Các quy định chặt chẽ hơn đối với các công ty Fintech sẽ giúp giảm rủi ro hệ thống, ngay cả khi chúng làm chậm sự đổi mới.
Cuộc trấn áp Ant thậm chí nhận được lời khen ngợi của Phó chủ tịch Berkshire Hathaway Charlie Munger. Theo ông, chính quyền Trung Quốc đã làm đúng khi cho Jack Ma biết ông ta không thể lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng và cứ làm bất cứ điều gì mình muốn.
Chen Long, chuyên gia tại công ty tư vấn Plenum bình luận, dù bằng cách nào đi nữa, các doanh nhân Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận "điều bình thường mới". "Thuở phát triển hoang dại đã không còn nữa", ông nói.
Phiên An (theo Bloomberg)