Ngày 10/6, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, từ đầu tháng 5, cơ quan này đã báo cáo Hội đồng kiểm tra Nhà nước xem xét, cho ý kiến về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước khi nghiệm thu và bàn giao dự án cho đơn vị vận hành (thành phố Hà Nội).
Hai năm qua, dự án này đã trải qua quá trình đánh giá của nhiều đơn vị chuyên ngành. Cuối năm 2019, khi dự án hoàn thành xây dựng cơ bản, các hạng mục hạ tầng, thiết bị, toa xe bắt đầu được thẩm định bởi Cục đăng kiểm Việt Nam, Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Sau đó, các đoàn tàu đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện. Dự án cũng đã được cấp chứng nhận an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Khâu đánh giá an toàn quan trọng nhất do đơn vị tư vấn độc lập - Liên danh Apave-Certifer-Tricc (ACT) của Pháp tiến hành, là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xác định chất lượng dự án trước khi đưa vào sử dụng.
Năm 2017, chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng với Tư vấn ACT về việc kiểm tra tính an toàn của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Sau khi kiểm tra hồ sơ và thực nghiệm hiện trường, đầu năm 2021, ACT đưa ra 13 báo cáo đánh giá an toàn hệ thống của dự án và 16 khuyến nghị về hồ sơ tài liệu, các vấn đề cần khắc phục.
Nhiều nội dung được ACT khuyến nghị như: Dự án chưa có hệ thống cảnh báo cháy tự động; không có hệ thống tự động mở cửa khoang khách trong tình huống khẩn cấp...
"Tổng thầu Trung Quốc không cung cấp đủ tài liệu liên quan tới an toàn vận hành hệ thống. Cùng với đó, khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống thì 8 quy trình thất bại", đơn vị tư vấn nêu.
Về những vấn đề ACT nêu ra, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói đây là các khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành dư án, và đã được các đơn vị liên quan "giải quyết trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua". Đơn cử, Metro Hà Nội đã hoàn thiện 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật, bổ sung biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp; sự sẵn sàng vận hành...
"Có những hạng mục không nằm trong thiết kế, song được đơn vị tư vấn khuyến cáo về an toàn nên cũng đã được bổ sung, như thêm nhân viên đứng tại ke ga giám sát hành khách lên tàu, hay bổ sung thiết bị chống ngủ gật cho lái tàu", Thứ trưởng Đông nói.
UBND TP Hà Nội cũng đã chấp thuận đầu tư bổ sung một số hạng mục mà ACT khuyến nghị, như: Cải tiến hệ thống cửa riêng để cấp khí tươi cho hệ thống điều hòa thông gió; hệ thống cảnh báo cháy trên tàu; hệ thống rào chắn trên ke ga để hành khách không ngã xuống đường ray; cải tiến hệ thống cửa và tay cầm mở khẩn cấp; cải tiến hệ thống báo cháy ở nhà ga...
Về việc quy trình đánh giá an toàn của ACT kéo dài hơn 2 năm do hồ sơ gốc của nhiều thiết bị không đầy đủ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, do hợp đồng ký kết với đơn vị tư vấn vào năm 2017, khi đó nhiều hạng mục xây dựng và công tác thiết kế, đấu thầu, mua sắm thiết bị đã cơ bản xong, đoàn tàu cũng đã sản xuất và vận chuyển về Việt Nam lắp đặt. Do đó, các bên liên quan mất nhiều thời gian làm rõ với Tổng thầu Trung Quốc và Tư vấn ACT để khôi phục tài liệu trước năm 2017.
Ông Đường Hồng (Giám đốc dự án thuộc Tổng thầu Trung Quốc) cũng cho rằng, đơn vị tư vấn đáng lẽ phải vào dự án ngay từ đầu song đến năm 2017, ACT mới vào giám sát an toàn chất lượng dự án, lúc này các hạng mục xây dựng và các thiết bị đã hoàn thành. Đơn vị tư vấn cũng yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn châu Âu đối với đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông, vốn trước đó được áp dụng theo tiêu chuẩn Trung Quốc nên "yêu cầu về hồ sơ gây khó khăn với Tổng thầu".
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cuối tháng 4 vừa qua, Ban quản lý dự án Đường sắt thuộc Bộ và Công ty Metro Hà Nội đã hoàn thành bàn giao hồ sơ tài liệu, kiểm đếm tài sản tại công trường; phối hợp tiếp nhận dự án và hoàn thiện giải pháp xử lý đối với những khuyến cáo của Tư vấn ACT.
Ngày 29/4, Tư vấn Pháp ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã bổ sung hồ sơ, gửi báo cáo đến Hội đồng kiểm tra Nhà nước.
Bộ Giao thông Vận tải từng đưa ra mốc bàn giao dự án cho UBND Hà Nội vận hành thương mại trong tháng 5 vừa qua, nhưng đến nay Hội đồng kiểm tra Nhà nước vẫn chưa có có quyết định cuối cùng.
Tuyến Cát Linh - Hà Đông dài 13 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.