Chiều 29/4, Bộ Giao thông Vận tải cho hay đây là chứng chỉ quan trọng để Hội đồng Kiểm tra nhà nước đánh giá công tác an toàn dự án và là cơ sở để Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu công trình.
Sau khi có chứng nhận an toàn, Bộ Giao thông Vận tải đã bổ sung báo cáo "nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng" và gửi tới Hội đồng Kiểm tra nhà nước. Dự kiến sau kỳ nghỉ lễ 30/4, Hội đồng sẽ xem xét, đánh giá để ra thông báo về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.
"Sau khi Hội đồng Kiểm tra nhà nước thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu, dự án sẽ được bàn giao cho UBND Hà Nội vận hành khai thác thương mại trong tháng 5", đại diện Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Sau 10 năm, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng hơn 13 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh. Tháng 12/2020, dự án đã chạy thử toàn hệ thống để kiểm chứng độ an toàn và năng lực vận hành của toàn bộ nhân viên. Đây là bước bắt buộc trong quá trình đánh giá an toàn kỹ thuật do tư vấn ACT thực hiện.
Cuối năm 2020, ACT đã đánh giá an toàn hệ thống dự án Cát Linh - Hà Đông, đến tháng 1/2021 báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, nêu 16 khuyến nghị về hồ sơ tài liệu, các vấn đề cần khắc phục ở hiện trường và nâng cao mức độ an toàn, nhân sự vận hành...
Đây là những khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành dự án và đã được các đơn vị liên quan giải quyết trong 2 tháng qua, như giải pháp phòng cháy chữa cháy, đánh giá an toàn về hệ thống tín hiệu. Metro Hà Nội cũng đã hoàn thiện 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật.
"Có những hạng mục không nằm trong thiết kế, song được đơn vị tư vấn khuyến cáo về an toàn nên cũng đã được bổ sung, như thêm nhân viên đứng tại ke ga giám sát hành khách lên tàu hay bổ sung thiết bị chống ngủ gật cho lái tàu", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.