Gần 2/3 dân số Israel đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech, khiến nước này trở thành điển hình về hiệu quả của tiêm chủng. Số ca nhiễm nCoV mới giờ đây được duy trì ở mức dưới 100 người mỗi ngày, trong khi con số này hồi tháng một là 10.000 ca.
Hồi tháng 3, Israel bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế sau một loạt lệnh phong tỏa gây nhiều tổn hại. Chứng nhận tiêm chủng, hay còn gọi là "hộ chiếu xanh", tạo điều kiện thuận lợi hơn để các quán bar, nhà hàng và những địa điểm khác nối lại hoạt động. Giới chức cho biết họ dự định gỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế chống Covid-19 còn lại trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng của Israel vẫn bị đình trệ tại một số khu vực. Giới chức phải chật vật thực thi các hướng dẫn giãn cách xã hội trong cộng đồng Do Thái giáo chính thống, mà tuần trước có mặt trong đám đông hàng chục nghìn người tham gia lễ hội tôn giáo ở núi Meron. Một vụ giẫm đạp đã xảy ra tại đây, khiến 45 người thiệt mạng.
Tương tự một số người Israel gốc Arab, nhiều người theo đạo Do Thái chính thống nghi ngờ vaccine Covid-19. Những người Israel trẻ, trong độ tuổi từ 20 đến 40, cũng có xu hướng nói không với tiêm chủng, do lo ngại tác dụng phụ tiềm ẩn hoặc không cho rằng Covid-19 đặc biệt nguy hiểm. Nơi được cho là thể hiện rõ nhất rắc rối của giới chức Israel hiện nay là thị trấn Pardes Hanna, nằm ở phía bắc Tel Aviv.
Được thành lập vào những năm 1920, thị trấn Pardes Hanna được đặt theo tên một thành viên thuộc gia tộc Rothschild giàu có và quyền lực, từng quyên góp để thiết lập các khu định cư cho những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, trên vùng lãnh thổ sau này trở thành một phần của Israel.
Những con phố trong thị trấn rải rác các khu chợ bán đồ hữu cơ và phòng trưng bày nghệ thuật, giúp gắn kết một cộng đồng cả lương lẫn giáo muốn được tách biệt khỏi các thành phố lớn của Israel.
"Cư dân tại Pardes Hanna gồm những nghệ sĩ, kỹ sư, người làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao, người trị liệu", Timna Ben Zvi, trưởng hội phụ huynh tại trường Shvilim trong thị trấn, cho biết. Đông đảo cư dân thị trấn không muốn tiêm vaccine Covid-19, một số người thậm chí cho rằng chiến dịch tiêm chủng của chính phủ là xâm phạm quyền tự do cá nhân của họ.
Số người đã tiêm ít nhất một liều vaccine tại Pardes Hanna chiếm 56% dân số, thấp hơn 10% so với cộng đồng người Israel theo Do Thái giáo ở những nơi khác, trừ Do Thái giáo chính thống.
Với tình trạng tụt hậu tiêm chủng, thị trấn đã nhanh chóng trả giá, khi người dân ở đây chiếm tới 20% số ca nhiễm nCoV mới trên toàn quốc trong một đợt bùng phát gần đây.
Khi giới chức y tế chỉ ra nguyên nhân dẫn đến chuỗi lây nhiễm tại trường Shvilim là do hai phụ huynh từ chối tiêm vaccine Covid-19 rồi lây virus sang con cái, tranh cãi đã nổ ra trong nhóm chat của các phụ huynh. Một số phụ huynh thậm chí so sánh những người thúc giục tiêm vaccine với Đức Quốc xã, những kẻ gây ra cuộc diệt chủng Holocaust với dân Do Thái.
"Cuộc trò chuyện trở nên thực sự bạo lực", Michal Shany, nha sĩ 45 tuổi nhiễm nCoV dù đã tiêm chủng hồi tháng một, cho biết. Cô bị lây từ con trai mình, một học sinh lớp 10 tại trường Shvilim. Cả gia đình cảm thấy thất vọng vì phải cách ly, trong khi luôn cố gắng tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Khi tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, toàn bộ học sinh lớp 10 của trường Shvilim, cùng một nửa khối 7 và vài lớp học khác, bị bắt buộc ở nhà trong 10 ngày. Bộ Y tế Israel đã thiết lập một phòng xét nghiệm lưu động tại trường trong nỗ lực ngăn virus lây lan. Hôm 7/5, số ca nhiễm mới đã giảm xuống dưới 15.
Tuy nhiên, nhiều học sinh, cùng cư dân thị trấn Pardes Hanna nói chung, vẫn tỏ ra lo ngại về vaccine Covid-19 hơn là virus. Tranh cãi giữa họ với những người ủng hộ tiêm chủng cũng ngày càng gay gắt.
Ila Carmi, học sinh 18 tuổi của trường Shvilim, chưa tiêm phòng Covid-19 bởi bố mẹ em không tin vào vaccine. Carmi cho biết em vẫn đeo khẩu trang khi đến trường, nhưng không sợ nhiễm virus bởi chưa chứng kiến bất cứ ai ốm nặng vì Covid-19. "Cháu cảm thấy an toàn", nữ sinh nói.
Kai Goldberg, người sinh ra tại Los Angeles, Mỹ, rồi chuyển tới sống ở Pardes Hanna, cũng quyết định không tiêm vaccine dù hầu hết bạn bè cô đã làm vậy. "Tôi sợ những điều có thể xảy ra với mình vì mũi tiêm. Tôi thấy an toàn vì bản thân trẻ trung và khỏe mạnh. Mọi người nên được quyền chọn tiêm hay không", cô gái 23 tuổi nêu ý kiến.
Micha Raz, một nghệ nhân gỗ trong thị trấn, tỏ ra không tin tưởng vào chính quyền. "Trong suốt khoảng thời gian này, tôi không hề tin mình đang được nghe sự thật, nên không làm theo họ. Tôi không tin vào Covid-19. Theo tôi, nó không tồn tại", Raz cho hay.
Trong khi đó, một cư dân khác tên Maayan Gilad cho biết cô đang tránh mặt những người chưa tiêm phòng Covid-19. "Tôi rất tức giận với những phụ huynh không tiêm phòng. Là một người mẹ, điều đó vô cùng nguy hiểm đối với con cái và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày", người phụ nữ 33 tuổi nói.
Đám đông bài vaccine cũng khiến Yechiam Wolff phẫn nộ. Người đàn ông 70 tuổi cho biết quan hệ tốt đẹp giữa ông với nhiều bạn bè đã trở thành đối đầu, khi ông cố gắng thuyết phục họ tiêm phòng vì lợi ích cộng đồng.
"Tôi thấy các cuộc thảo luận chẳng ích gì. Họ nói rằng đó không phải việc của tôi. Họ chỉ quan tâm đến bản thân họ", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)