'Đừng mang tiền về quê mua đất nữa' - vừa là lời than vãn, vừa là câu chuyện sốt đất có thể bắt gặp thực tế ở các vùng quê hiện nay.
Khảo sát của Hội môi giới bất động sản đầu năm 2021, giá đất đã sôi sục ở nhiều nơi, trung bình tăng 10% sau một tháng. Thậm chí một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong một, hai tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư...
Dự báo về giá đất đầu năm 2022, một chuyên gia bất động sản nói: "Dòng tiền lớn đang quẩn quanh ngoài Bắc, tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Đấy là lý do mặt bằng giá ở Hà Nội vốn đi ngang trong 5 năm giờ tăng rất mạnh ở cả nhà, đất thổ cư và chung cư".
Dẫn chứng từ thực tế, một số độc giả chia sẻ như sau:
Độc giả có nickname nhadonha nói: "Quê tôi ở ngoại thành Hà Nội (Chương Mỹ). Những năm 2012-2013 mua miếng đất thổ cư 100m2 cũng chỉ 100-200 triệu đồng. Nay cũng miếng đất đó, người ta rao bán cả hơn tỷ trong khi chúng ở tận hẻm hóc và vùng quê, chẳng thể buôn bán hay làm kinh tế".
Độc giả Hải Trịnh kể trường hợp ở quê, nhiều người chấp nhận rủi ro khi mua đất giấy tay: "Quê tôi Hưng Yên cách Hà Nội 27 km mà người ta mua bán đất giá rất cao, nhưng chỉ có giấy viết tay vì phần lớn ở đây đất chưa được cấp sổ đỏ.
Ấy vậy mà họ cứ nghĩ rằng mua được đất chờ tăng giá là trở thành đại gia mà chẳng cần quan tâm đến yếu tố pháp luật. Xin thưa rằng, nếu mua bán đất bằng giấy viết tay ở thời điểm sau năm 2013 thì sẽ rất dễ vướng mắc thủ tục pháp lý".
Độc giả có nickname Gã Si Tình chia sẻ những câu chuyện tình cảm gia đình sứt mẻ khi giá đất tăng cao: "Tôi ở ngay thị trấn Long Thành (Đồng Nai), cũng thấm thía nỗi niềm bất động sản tăng giá chóng mặt.
Các bạn tôi làm ở địa chính, phòng công chứng và toà án cũng chứng kiến rất nhiều chuyện đau lòng, thương tâm vì giá đất tăng ào ào trong mười năm trở lại đây.
Anh em cha mẹ con cái trở mặt nhau chỉ vì giá đất. Xung quanh khu vực được quy hoạch xây sân bay ai cũng chê làm rẫy cực. Họ xin được chia đất sớm rồi bán, đi chỗ khác ở.
Hơn chục năm họ để cô em út ở lại làm rẫy và trông nom cha mẹ, không ngó ngàng gì đến. Nhưng từ khi giá đất sốt thì họ quay về sum vầy, đòi chia lại đất đai, nghĩ mà buồn cho kiếp người".
Hệ lụy của những cơn sốt đất lan rộng khắp mọi nơi không dừng lại ở phạm vi mâu thuẫn gia đình. Nhìn rộng hơn, nó tác động tiêu cực nhiều mặt lên kinh tế - xã hội.
Độc giả có nickname Jonny nói: "Tôi làm kinh doanh, đã có nhà cửa và xe cộ ở Sài Gòn, thấy cả xã hội quay cuồng vì đất, cò đất thì lộng hành các kiểu.
Người ăn học mấy chục năm cầm tấm bằng đại học, thạc sĩ cũng chẳng so được với mấy anh em cò đất.
Hậu quả để lại là rất lớn, dân tình không có động lực để chuyên tâm sản xuất kinh doanh. Giao dịch thì ảo mà cứ tưởng mình đại gia đất, ai cũng cho mình khôn, rút cuộc chỉ làm cho giới đầu cơ cá mập và cò đất ăn hết.
Người cần đất làm tư liệu sản xuất thì không mua nổi. Người ôm đất cứ tưởng mình giàu, là đại gia nhưng bán thì không ai mua vì hét giá cao. Giá trị đất bị đôn đẩy lên mây, chúng ta có tôn trọng chất xám?".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.