Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cuối tuần trước có chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc nhằm hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Bộ trưởng Yellen cho biết bà đã có các cuộc đàm phán "trực tiếp, thực chất và hiệu quả" với giới lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Lý Cường và Bí thư đảng ủy Ngân hàng Trung ương Phan Công Thắng.
"Không chuyến thăm nào có thể giải quyết những thách thức của chúng tôi trong một sớm một chiều. Song tôi hy vọng chuyến đi này sẽ giúp xây dựng kênh liên lạc linh hoạt và hiệu quả", bà Yellen nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh. "Tôi tin rằng các cuộc gặp song phương của tôi trong hai ngày, tổng cộng khoảng 10 giờ, là bước tiến cho nỗ lực đưa quan hệ Mỹ - Trung lên nền tảng vững chức hơn".
Chuyến thăm của bà Yellen diễn ra không lâu sau chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 6. Đặc phái viên về khí hậu John Kerry cũng dự kiến thăm Trung Quốc trong tháng này.
Khi máy bay chở bà Yellen hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh ngày 6/7, cầu vồng đã xuất hiện trên bầu trời thủ đô Trung Quốc. Hình ảnh này được Thủ tướng Lý Cường đề cập khi gặp bà Yellen tại Đại lễ đường Nhân dân một ngày sau đó để bày tỏ kỳ vọng tích cực về quan hệ Mỹ - Trung.
"Ngày hôm qua, khi bà xuống phi cơ, cầu vồng đã xuất hiện. Tôi nghĩ điều đó cũng có thể áp dụng cho quan hệ Mỹ - Trung: sau giai đoạn giông tố, chúng ta chắc chắn có thể thấy cầu vồng", ông Lý nói.
Giới quan sát cho rằng thông điệp tích cực mà quan chức hai nước đưa ra là dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ - Trung có thể bước vào giai đoạn mới khởi sắc hơn, sau những căng thẳng và bất đồng gay gắt liên quan đến nhiều vấn đề.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ thừa nhận Washington và Bắc Kinh có "những bất đồng đáng kể", viện dẫn lo ngại về "các hoạt động kinh tế không công bằng" và biện pháp trừng phạt gần đây của Bắc Kinh đối với các công ty Mỹ.
"Song Tổng thống Joe Biden và tôi không nhìn nhận quan hệ Mỹ - Trung trong khuôn khổ cạnh tranh quyền lực nước lớn. Chúng tôi tin thế giới đủ lớn để cả hai nước cùng phát triển mạnh mẽ", bà nói.
Mỹ gần đây áp trừng phạt các công ty Trung Quốc, thúc đẩy thành công hai đồng minh Nhật Bản và Hà Lan hạn chế bán chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc, cũng như tập hợp các nền kinh tế tiên tiến khác để chống lại sức ép kinh tế từ Bắc Kinh.
Song bà Yellen nhắc lại rằng Mỹ không tìm cách tách rời Trung Quốc, điều mà bà nói sẽ là "thảm họa cho cả hai nước và gây bất ổn thế giới". "Có sự khác biệt rõ ràng giữa tách rời với đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng hay thực hiện các hành động có mục tiêu vì an ninh quốc gia", bà nói.
Bà Yellen cho biết Washington sẽ tiếp tục thực hiện các hành động "có mục tiêu" để bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh, đồng thời đảm bảo hành động "minh bạch, có phạm vi hẹp, có mục tiêu rõ ràng".
"Tôi muốn xua dịu nỗi lo ngại rằng chúng tôi định làm điều gì đó có tác động trên diện rộng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Đó không phải là ý định của chúng tôi", bà nhấn mạnh.
Ngay từ khi bắt đầu chuyến đi, giới chức Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng về bước đột phá trong quan hệ. Song Bộ trưởng Yellen tin rằng quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có những tiến triển.
"Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt một số tiến bộ và chúng tôi có thể có quan hệ kinh tế lành mạnh, có lợi cho cả hai nước và thế giới", bà nói.
Hãng thông tin Xinhua của Trung Quốc ngày 8/7 cho biết cuộc họp giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ và Phó thủ tướng Hà Lập Phong đã mang lại thỏa thuận để "tăng cường liên lạc và hợp tác giải quyết thách thức toàn cầu". Cả hai bên cũng nhất trí tiếp tục trao đổi trong thời gian tới.
Quan hệ Mỹ-Trung đã lao dốc nghiêm trọng từ tháng 2, khi Mỹ bắn hạ khí cầu của Trung Quốc ngay trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh dự kiến của Ngoại trưởng Blinken. Lập trường của Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn trong những tháng sau đó. Tàu chiến Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc chạm trán ở eo biển Đài Loan. Trung Quốc cũng từ chối lời mời đối thoại giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng.
Khi chuyến công du Trung Quốc của ông Blinken được tiến hành vào tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ đã nhận những lời chỉ trích từ phía Trung Quốc.
Gặp ông Blinkien, nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị "yêu cầu Mỹ ngừng thổi phồng cái gọi là 'mối đe dọa Trung Quốc', dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp với Trung Quốc, ngừng đàn áp các tiến bộ khoa học và công nghệ của Trung Quốc, cũng như không can thiệp bừa bãi vào công việc nội bộ của Bắc Kinh".
Song hiện tại, cả hai nước dường như đều báo hiệu mong muốn cải thiện quan hệ. Bắc Kinh cho biết họ sẵn sàng đàm phán thêm về các vấn đề quan trọng đối với tương lai nền kinh tế.
Một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ cho hay thái độ của phía Trung Quốc đã có thay đổi đáng kể, khi các đối tác của bà Yellen sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận chuyên sâu mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào hay yêu cầu Mỹ thay đổi lập trường.
Giới quan sát cho rằng thay đổi này có thể xuất phát từ thực tế nhiều quan chức Trung Quốc coi bà Yellen có quan điểm không quá gay gắt với Bắc Kinh so với những người khác ở Washington. Ông Lý thậm chí ca ngợi sự thực tế và thẳng thắn của bà. Ngoài ra, vấn đề kinh tế và tài chính trong lĩnh vực phụ trách của bà Yellen cũng ít nhạy cảm hơn chủ đề về Đài Loan và nhân quyền.
Trung Quốc cũng biết rằng những nước khác, gồm cả đồng minh của Mỹ ở châu Âu, đang theo dõi chặt chẽ cách Bắc Kinh tương tác với Washington.
"Bắc Kinh có thể cảm thấy áp lực phải chứng tỏ rằng họ không phải bên luôn tìm cách khước từ nỗ lực đàm phán, đặc biệt khi giới chức Mỹ đã cho thấy họ sẵn sàng tham gia và các cuộc trao đổi như vậy", Lily McElwee, nhà nghiên cứu chuyên về Mỹ - Trung tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nhận định.
Với cánh cửa đối thoại Mỹ - Trung đã mở trở lại, câu hỏi phức tạp hơn là mối quan hệ có thể tiến triển tới đâu, khi hai bên vẫn có một số bất đồng lớn về vấn đề an ninh quốc gia.
"Chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Yellen có thể được coi là thành công trong khía cạnh tăng cường đối thoại và mở đường cho nhiều cuộc thảo luận hơn trong tương lai", bình luận viên Katrina Yu của Al Jazeera cho biết.
"Tuy nhiên, bà ấy có vẻ như chưa thành công trong nhiệm vụ khó khăn hơn là thuyết phục Bắc Kinh rằng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt với công ty Trung Quốc chỉ là vì vấn đề an ninh quốc gia", Yu nói thêm.
Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, tin rằng bất kỳ đột phá quan trọng cụ thể nào trong mối quan hệ hay những kết quả lớn có thể phải dành cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước.
"Hai bên đã không có những đối thoại hoặc tham vấn ở cấp độ này trong vài năm qua", chuyên gia Yun nói, thêm rằng "cầu vồng" trong quan hệ Mỹ - Trung gần đến mức nào sẽ tùy thuộc vào nỗ lực tái khởi động những cuộc gặp cấp cao như vậy.
Thanh Tâm (Theo CNN, BBC, WSJ, Al Jazeera, Economic Times)