Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet tới Quảng Châu hôm 23/5 và sẽ thăm các thành phố Urumqi và Kashgar ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc ngày 24-25/5, trong khuôn khổ chuyến công du 6 ngày, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên quan chức cấp cao nhất về nhân quyền của Liên Hợp Quốc đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2005.
Gặp bà Bachelet tại Quảng Châu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng ông hy vọng chuyến thăm "mang tính bước ngoặt" của người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ giúp "làm rõ thông tin sai lệch" về Tân Cương.
"Ngoại trưởng bày tỏ hy vọng chuyến đi này sẽ giúp tăng cường hiểu biết và hợp tác", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, tuyên bố nước này coi trọng bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số. "Để thúc đẩy sự nghiệp quốc tế về nhân quyền, trước tiên chúng ta phải kiềm chế chính trị hóa nhân quyền".
Trung Quốc hồi tháng 1 đồng ý để Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc tới thăm Tân Cương sau các vòng thảo luận với bà Bachelet và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, với điều kiện chuyến đi mang tính hữu nghị.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đàm phán với Bắc Kinh từ tháng 9/2018 để đến thăm Tân Cương, nơi hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ được cho là bị giữ trong các trại cải huấn ở Tân Cương và bị cưỡng bức lao động. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, mô tả các cơ sở này là trung tâm giáo dục và dạy nghề nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan.
Mỹ và một số nước phương Tây cáo buộc hành động của Trung Quốc ở Tân Cương là "diệt chủng". Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông qua luật cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương vì cáo buộc lao động cưỡng bức.
Trung Quốc nhiều lần chỉ trích phương Tây, gọi đây là những cáo buộc trên là vô căn cứ, can thiệp công việc nội bộ, xuyên tạc sự thật, kiềm chế đà phát triển của nước này và vi phạm luật pháp quốc tế.
Huyền Lê (Theo AFP, SCMP)