"Sau các vòng thảo luận gần đây với Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Trung Quốc đã đồng ý tổ chức chuyến thăm của bà Bachelet trong nửa đầu năm, sau Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh", một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề hôm nay cho biết.
Thế vận hội Mùa đông sẽ khai mạc ngày 4/2 tại Bắc Kinh. Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng văn phòng của Bachelet phải dừng công bố báo cáo về Tân Cương trước thềm Thế vận hội. Việc công bố báo cáo do Washington yêu cầu.
"Nhưng Trung Quốc nói điểm mấu chốt là Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc không nên công bố báo cáo Tân Cương", nguồn tin nói thêm. "Trung Quốc cũng nói rõ họ muốn xác định chuyến đi này là chuyến thăm hữu nghị thay vì cuộc điều tra với giả thiết có tội".
Văn phòng của bà Bachelet hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đàm phán với Bắc Kinh từ tháng 9/2018 để đến thăm Tân Cương, nơi hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ được cho là bị giữ trong các trại cải huấn ở Tân Cương và bị cưỡng bức lao động. Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc như vậy, mô tả các cơ sở này là trung tâm giáo dục và dạy nghề nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan.
Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc tháng 9 năm ngoái cho biết họ đang hoàn thiện đánh giá cuối cùng về tình hình ở Tân Cương. Rupert Colville, phát ngôn viên của Bachelet, tháng trước nói văn phòng hy vọng sẽ công bố báo cáo "trong những tuần tới".
Mỹ, Anh, Nhật và một số quốc gia khác không cử quan chức cấp cao tham dự Olympic Mùa đông tại Bắc Kinh để phản đối cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng thông qua luật cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương vì cáo buộc lao động cưỡng bức.
Thượng nghị sĩ Jeff Merkley và Hạ nghị sĩ James McGovern tuần trước công bố bức thư gửi Bachelet, yêu cầu bà công khai báo cáo Tân Cương trước khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh khai mạc.
Trung Quốc nhiều lần chỉ trích phương Tây, gọi đây là những cáo buộc vô căn cứ, can thiệp công việc nội bộ, xuyên tạc sự thật, kiềm chế đà phát triển của nước này và vi phạm luật pháp quốc tế.
Huyền Lê (Theo SCMP)