Dữ liệu theo dõi 163.000 người dân Israel đã được tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer/BioNTech do Tổ chức Y tế Maccabi công bố cho thấy chỉ có 31 người nhiễm nCoV. Trong nhóm đối chiếu được tiêm giả dược, số người nhiễm virus là 6.500.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Israel, trong 750.000 người trên 60 tuổi đã tiêm vaccine, chỉ có 531 người nhiễm nCoV, chiếm 0,07%. Trong số đó, chỉ có 38 người phải nhập viện với các triệu chứng từ trung bình tới nặng. Một nghiên cứu khác của tổ chức y tế Clalit cũng phát hiện tỷ lệ dương tính với nCoV đã giảm 33% trong số 200.000 người sau 14 ngày tiêm mũi vaccine Pfizer đầu tiên, so với nhóm đối chiếu.
Giới chuyên gia đánh giá đây là những kết quả đầy hứa hẹn, đặc biệt khi thế giới coi vaccine là con đường tốt nhất để thoát khỏi đại dịch và các chủng mới lây lan. "Chúng ta có thể nói một cách thận trọng rằng điều kỳ diệu đã bắt đầu xuất hiện", Eran Segal, nhà khoa học của Viện Weizmann, đăng trên Twitter tuần trước.
Nhà khoa học này cũng dẫn các số liệu cho thấy tỷ lệ ca nhập viện giảm 30% và ca bệnh nặng giảm 20% trong số những người trên 60 tuổi sau hai tuần tiêm vaccine.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng Israel vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Họ lưu ý các ca bệnh nặng đang giảm, nhưng tổng số ca nhiễm của Israel chưa có thay đổi đáng chú ý. Đồng thời, giới nghiên cứu cũng cho rằng kết quả có thể thay đổi do tác động của các biến chủng nCoV xuất hiện ngày càng nhiều. Israel đã phong tỏa nghiêm ngặt từ đầu tháng 1, ngay khi chiến dịch tiêm chủng được tăng cường. Đây cũng có thể là yếu tố giúp số ca nhiễm ở Israel giảm, theo các chuyên gia.
Israel khởi động chương trình tiêm chủng vào tháng 12 năm ngoái. Cho tới nay, khoảng 1/3 dân số nước này, tức ba triệu người, đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine Pfizer/BioNTech. Gần 1,8 triệu người đã tiêm đủ hai mũi theo quy định.
Hơn 90% người trong độ tuổi từ 70 tới 79 đã được tiêm một mũi vaccine và gần 80% đã tiêm đủ hai mũi. Chương trình tiêm chủng sau đó được mở rộng cho tất cả người dân trên 16 tuổi.
Israel có thể đạt được thành tích này là nhờ hệ thống y tế phổ cập và số hóa hiện có. Tất cả công dân đều đăng ký tham gia một trong 4 tổ chức y tế lớn của Israel. Mọi người đều được cấp mã số riêng, cho phép dễ dàng truy cập vào hồ sơ y tế điện tử. Hệ thống cũng cho phép nhân viên y tế liên tục cập nhật thông tin tiêm chủng của mỗi người, theo dõi tác dụng phụ và lên lịch cho mũi tiêm tiếp theo.
Giống nhiều quốc gia khác, giai đoạn đầu chiến dịch tiêm chủng của Israel cũng tập trung vào nhóm người trên 60 tuổi và nhân viên y tế. Tuy nhiên, họ có chính sách để tránh lãng phí vaccine thừa sau mỗi ngày hoặc mỗi tuần tiêm chủng, bằng cách tiêm cho bất kỳ ai ở gần đó.
"Chúng tôi đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho chiến dịch tiêm chủng, nhưng thực hiện nó một cách linh hoạt. Khi lập kế hoạch, bạn khó có thể biết dây truyền trữ lạnh sẽ ra sao, hay sẽ tiêm bao nhiêu liều vaccine, nên cần có điều chỉnh nhanh chóng. Và chúng tôi đã làm điều đó rất tốt", Hagai Levine, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng Hadassah thuộc Đại học Hebrew, nói.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố toàn bộ dân số Israel sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 3. Nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu này không đơn giản, nhưng vẫn tin vào tính khả thi của nó.
Israel dẫn đầu thế giới về chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 và những kết quả đầy hứa hẹn mới đây đang mở ra hy vọng cho quốc gia Trung Đông này và cả thế giới về cuộc chiến chống đại dịch. Song nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề lo ngại xoay quanh chiến dịch tiêm chủng của Israel.
Đầu tiên là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các chủng nCoV mới, đặt ra thách thức về hiệu quả của các loại vaccine hiện có, trong đó có Pfizer/BioNTech. Dù vaccine của Pfizer hiện được chứng minh có hiệu quả đối với các biến thể, mọi thứ có thể thay đổi khi nCoV tiếp tục đột biến.
Một vấn đề khác được đặt ra là liệu người không mắc nCoV có nguy cơ lây nhiễm cho người khác sau khi tiêm vaccine Covid-19 hay không, theo Brian Wahl, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng đang tìm hiểu xem vaccine Covid-19 có thể duy trì hiệu quả trong bao lâu. "Chúng tôi cần tiếp tục quan sát hiệu quả bảo vệ của vaccine trong vài tháng sau khi tiêm", Wahl nói.
Giới chức Israel và thế giới cũng cần tìm giải pháp đối phó với làn sóng hoài nghi hiệu quả tiêm chủng, đặc biệt là với loại vaccine mới được phát triển trong thời gian ngắn như vaccine Covid-19. Tuy nhiên, Ann Blake, một nhà nghiên cứu tại Đại học Y Baylor, người nghiên cứu về nỗ lực tiêm chủng của Israel, lạc quan rằng quốc gia Trung Đông có thể giải quyết tốt thách thức này.
"Chiến dịch tiêm chủng của Israel cho thấy một nỗ lực truyền thông có tổ chức và phối hợp tốt, dựa trên lãnh đạo cộng đồng địa phương và các thông điệp đáng tin cậy song song với một thông điệp nhất quán từ các cấp lãnh đạo cao nhất của chính phủ, nhằm khuyến khích những người còn chần chừ tiêm vaccine", Blake cho hay.
Chính phủ Israel bên cạnh đó phải đối mặt với những chỉ trích về việc triển khai tiêm chủng đối với cộng đồng người Palestine. Israel đã gửi khoảng 2.000 liều vaccine Moderna cho Palestine tuần này và hứa hẹn gửi thêm 3.000 liều nữa. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng con số này là quá nhỏ so với hơn 4,5 triệu dân Palestine.
Nếu người dân Palestine không đạt miễn dịch cộng đồng, nó có thể làm suy yếu nỗ lực tiêm chủng của Israel, bởi vì nhiều người lao động Palestine di chuyển qua Israel mỗi ngày.
Các chuyên gia cho rằng câu chuyện của Israel đã cho thế giới bài học về việc một quốc gia có thể triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh như thế nào, nhưng cũng cho thấy những thách thức mà quốc gia này và toàn cầu phải đối mặt trong chiến dịch tiêm chủng ngăn đại dịch.
"Israel giống như chuột bạch của nỗ lực này", Bruce Rosen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách y tế Smokler tại Viện Myers-JDC-Brookdale (MJB) ở Jerusalem, nói.
Thanh Tâm (Theo Vox)