55 liều vaccine Covid-19 mà Guinea nhận được thậm chí không đủ để khởi động một chiến dịch tiêm chủng quốc gia thực sự, theo Edouard Mathieu, trưởng bộ phận dữ liệu của Our World in Data thuộc Đại học Oxford, cơ quan theo dõi nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.
Một vài quan chức cộng đồng Guinea được tiêm chủng hồi cuối tháng 12 trong khuôn khổ thử nghiệm vaccine Sputnik V của Nga, theo AP.
"Kể từ đó không ai được tiêm vaccine nữa", Mathieu cho biết. Do đó, Our World in Data đã dừng theo dõi chương trình tiêm chủng của Guinea.
Khi Covid-19 tiếp tục lây lan khắp thế giới cùng với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới nguy hiểm, các chiến dịch tiêm chủng ở các quốc gia nghèo nhất thế giới thậm chí chưa thể bắt đầu. Trong khi đó, các quốc gia giàu có đang triển khai tiêm chủng cho người dân, nhờ tiếp cận được nguồn cung lớn đã đặt hàng trước.
Theo một phân tích của New York Times hồi tháng 12/2020, Mỹ đặt hàng 810 triệu liều từ AstraZeneca, Johnson & Johnson, Novavax và Sanofi. Các thỏa thuận mở rộng có thể đưa tổng số vaccine mà Mỹ có lên tới 1,5 tỷ liều, gấp hơn 4 lần dân số.
Điều này không có nghĩa các quốc gia giàu đã có những nhà kho chứa đầy vaccine, theo Andrea Taylor, nhà nghiên cứu về các thương vụ vaccine của Đại học Duke, Bắc Carolina. Nhưng các quốc gia như Mỹ sẽ được ưu tiên nhận vaccine trong năm 2021, "có nghĩa là ngay cả khi các nước khác đặt mua vaccine từ bây giờ, họ có thể phải chờ vài tháng hoặc cả năm để có hàng".
"Những quốc gia thu nhập cao chiếm khoảng 16% dân số thế giới, nhưng hiện nắm tới 60% số lượng vaccine đã được đặt mua", Taylor nói.
Các chuyên gia dự đoán nhờ được tiếp cận vaccine như vậy, người dân ở những nước giàu có thể bắt đầu nhận thấy Covid-19 dần được kiểm soát trong năm tới và cuộc sống có thể phần nào quay lại như trước đại dịch. Trong khi đó, người dân ở những nước nghèo sẽ không được hưởng điều đó.
Thậm chí, các nước thu nhập nhấp có thể phải chờ nhiều năm để bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hoàn chỉnh, theo Agathe Demarais, đại diện của Economist Intelligence Unit (EIU), cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist.
"Hầu hết các nước đang phát triển sẽ không thể tiếp cận vaccine rộng rãi trước năm 2023", Demarais nói.
Giới quan sát cho rằng tình trạng "thâu tóm" vaccine của các nước giàu sẽ chỉ khiến Covid-19 tiếp tục hoành hành trên toàn cầu, tạo điều kiện cho các biến chủng mới xuất hiện và dịch bùng phát trở lại, ngay cả ở chính các nước đó.
Tính tới ngày 27/1, phần lớn trong số 80,2 triệu liều vaccine Covid-19 được phân phối trên toàn cầu đã đến với người dân của một số quốc gia, khu vực có thu nhập cao và trung bình, như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Israel và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Các quốc gia có thu nhập trung bình, nghèo nhất trong nhóm trên gồm Ấn Độ, Myanmar, Ecuador và Indonesia, đã nhận được tổng cộng 2,3 triệu liều vaccine. Nhưng 2,03 triệu liều thuộc về người dân Ấn Độ.
Trong khi đó, các quốc gia thu nhập thấp nhất như Zambia, Bolivia, Tajikistan và Nepal thậm chí chưa thể bắt đầu tiêm chủng.
Lý giải cho thực tế này, giới quan sát cho biết các nước giàu và trung bình được ưu tiên mua vaccine trước là nhờ họ có các thỏa thuận đặt hàng có lợi với các nhà phát triển vaccine từ trước khi các thử nghiệm lâm sàng được hoàn tất.
"Điều này đã dẫn tới tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu và cũng kéo theo cuộc chiến đấu thầu đẩy giá vaccine lên cao", Gostin nói. "Kết quả là các nước có thu nhập thấp hơn không còn vaccine để mua và cũng khó mua được vì chúng quá đắt đỏ".
"6 tháng trước, các thỏa thuận đặt hàng trước quan trọng với chúng tôi, bởi chúng tôi không biết loại vaccine nào sẽ được tung ra thị trường", Taylor nói. Nhưng kết quả là tới tháng 11, các quốc gia thu nhập cao cùng một vài quốc gia thu nhập trung bình đã có quyền mua trước 3,8 tỷ liều vaccine, với một số lựa chọn bổ sung để sở hữu thêm 5 tỷ liều khác, theo phân tích của Taylor và cộng sự. Số lượng vaccine này có thể đủ cho toàn bộ dân số trên thế giới.
Tình trạng tích trữ vaccine diễn ra song song với dự án Covax, nỗ lực đa phương chưa từng có để hỗ trợ phát triển và phân phối công bằng 2 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các quốc gia nghèo nhất trước cuối năm 2021.
Bằng cách hứa hẹn mua một số lượng vaccine nhất định từ các nhà sản xuất, những quốc gia tham gia dự án có thể tiếp cận với bất kỳ loại vaccine nào được phê duyệt trong danh mục của Covax, đồng thời tạo ra thị trường vaccine toàn cầu với giá ưu đãi.
Hơn 190 quốc gia đã ký tham gia Covax, gồm cả những nước giàu. Nhưng các thỏa thuận song phương đang làm suy yếu Covax.
"Các nước giàu muốn có cả hai con đường", Gostin nói. "Họ tham gia Covax nên có thể tuyên bố là công dân tốt của toàn cầu, nhưng đồng thời cướp đi huyết mạch của Covax là những liều vaccine".
Sự chênh lệch về lượng vaccine đặt mua đã làm dấy lên nhiều lời kêu gọi nước giàu ngừng tích trữ và chia sẻ nguồn cung của họ với nước nghèo hơn thông qua Covax. Đồng thời, nó cũng đang khuấy động nhiều cuộc thảo luận về cách các quốc gia và nhà sản xuất có thể sáng tạo và tăng cường nguồn cung vaccine cho thế giới.
"Trở ngại lớn nhất đối với việc tiêm chủng cho mọi người là số lượng vaccine", Nicholas Lusiani, đại diện của tổ chức Oxfam Mỹ, nói. Thay vì tranh giành nguồn cung, Oxfam cho rằng các quốc gia nên xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine trong khu vực để có vaccine giá thấp hơn ở những nơi họ cần.
Mỹ, EU và các quốc gia thu nhập cao cũng có thể thúc đẩy các công ty phát triển vaccine hợp tác với các nhà sản xuất khác, bằng cách chia sẻ công nghệ hoặc thậm chí từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ. AstraZeneca đang làm điều tương tự khi chia sẻ thông tin vaccine với Viện Huyết thanh ở Ấn Độ.
Ngoài ra, Gostin và các đồng nghiệp cũng kêu gọi Mỹ chỉ tiêm chủng cho nhóm dân số dễ tổn thương nhất, như nhân viên và người cao tuổi, để gửi số vaccine dư thừa cho Covax và chia sẻ với phần còn lại của thế giới.
"Có lý do về mặt đạo đức và chính trị để ưu tiên cho quốc gia của bạn bởi nhiệm vụ của mỗi chính phủ là bảo vệ lợi ích cho người dân của mình. Nhưng đó cũng chính là vấn đề", Gostin nói.
Taylor cho rằng "vấn đề này rất phức tạp và không có giải pháp dễ dàng nào. Bởi rất khó để lãnh đạo của một nước giàu tặng vaccine cho nước khác, đồng thời đảm bảo chiến dịch tiêm chủng cho người dân nước họ".
Song một quốc gia châu Âu đang cố gắng làm điều đó. Giống như Mỹ, Na Uy sẽ được tiếp cận vaccine nhiều gấp ba lần số lượng cần thiết.
"Điều đó cho phép chúng tôi phân phối lại vaccine cho các nước khác", Dag-Inge Ulstein, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Na Uy, cho hay. "Ngay khi các loại vaccine được phê duyệt, việc phân phối này sẽ bắt đầu dần dần và song song với chiến dịch tiêm chủng cho người dân Na Uy".
Chính phủ Na Uy đảm bảo người dân ở các nước thu nhập thấp có thể tiếp cận vaccine hiệu quả ngay khi có thể. "Sẽ mất rất nhiều thời gian để các quốc gia này có thể tiêm chủng cho một bộ phận lớn người dân của họ và điều này sẽ không có lợi cho bất kỳ ai", Ulstein nói.
"Đã đến lúc các quốc gia giàu có khác làm theo Na Uy", Julia Belluz, biên tập viên của Vox, nhấn mạnh.
Thanh Tâm (Theo Vox)