Một đêm lạnh giá tháng 3/2000, Vladimir Putin bước vào trụ sở chiến dịch tranh cử của ông ở thủ đô Moscow của nước Nga. Ông vừa giành chiến thắng đầu tiên trong một cuộc bầu cử tổng thống Nga và sẵn sàng trả lời câu hỏi của các phóng viên, theo CNN.
Putin khi đó 47 tuổi, còn rất bỡ ngỡ với chính trị, được thể hiện rõ rệt qua bộ trang phục bình thường với chiếc áo khoác màu xám cùng gương mặt gầy nghiêm nghị.
Mới chỉ ba tháng trước đó, Tổng thống Boris Yeltsin đã khiến cả thế giới bị sốc khi tuyên bố từ chức vào đêm giao thừa và chỉ định Putin, một cựu trung tá KGB và cựu lãnh đạo Cơ quan An ninh Liên bang, làm tổng thống tạm quyền.
"Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tham gia tranh cử", ông nói với vẻ coi thường. "Tôi cho rằng việc đưa ra những lời hứa này nọ khi biết rằng không thể thực hiện được lời hứa đó là hành động vô cùng phi đạo đức".
Đó dường như là tuyên bố điển hình của Putin, người tham gia vào cuộc bầu cử chỉ với động cơ duy nhất là kéo người Nga ra khỏi tình trạng đói nghèo thời kỳ hậu Xô Viết.
"Người dân đang rất mệt mỏi", ông nói. "Mọi thứ đều khó khăn với họ, họ kỳ vọng điều tốt đẹp hơn từ tôi. Nhưng đời dĩ nhiên không có phép màu".
Một thập kỷ sau, dưới sự dẫn dắt của Putin, người Nga đã tận hưởng cuộc sống tốt hơn nhờ các biện pháp cải cách kinh tế cùng giá dầu tăng vọt giúp lấp đầy ngân khố quốc gia.
Putin những ngày đầu tiên đó có thể bỡ ngỡ với chính trị, nhưng ông không hề yếu đuối. Nước Nga lúc đó đang sa vào cuộc chiến hao người tốn của chống phiến quân Chechnya, khi quân đội Nga hứng chịu nhiều thiệt hại trước chiến thuật đánh du kích của phiến quân Hồi giáo.
Chưa đầy một tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 diễn ra, Putin trèo vào buồng lái một tiêm kích Su-27, cùng phi công vượt qua vùng chiến sự bay thẳng tới thủ phủ Grozny của Chechnya. Trong cuộc gặp với các binh sĩ Nga đang tham chiến tại Chechnya ngay sau đó, Putin thề sẽ nghiền nát phiến quân.
Hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ được Putin xây dựng và phát huy hiệu quả, góp phần giúp quân đội Nga nâng cao sĩ khí và đánh bại phiến quân, ổn định tình hình ở Chechnya. Hình ảnh đầy mạnh mẽ đó ngày càng trở nên lớn hơn xuyên suốt các nhiệm kỳ của Putin.
18 năm sau, cũng vào một đêm tháng 3 lạnh giá, Tổng thống 65 tuổi của nước Nga bước lên sân khấu tại lễ ăn mừng chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư ở thủ đô Moscow hôm chủ nhật.
Gương mặt ông giờ đây đã tròn trịa hơn, một vài nếp nhăn xuất hiện nơi khóe mắt, nhưng trong mắt những người có mặt tại buổi lễ, Putin vẫn rất khỏe khoắn với chiếc áo khoác cổ lông. Ông cảm ơn họ vì đã giúp ông một lần nữa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, gọi đây là "sự ghi nhận những gì chúng ta đã làm suốt những năm qua trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn".
"Chúng ta sẽ suy nghĩ về tương lai của Tổ quốc vĩ đại, về tương lai của con cháu chúng ta! Chúng ta nhất định sẽ thành công", ông tuyên bố trước đám đông.
Putin giờ đây khó có thể đưa ra lời hứa với người dân Nga rằng đời sống của họ sẽ được cải thiện hơn nữa về kinh tế, khi các nước phương Tây đang siết chặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, trong khi giá dầu thế giới sụt giảm mạnh.
Nhưng nhà lãnh đạo này cam kết với người dân sẽ nâng tầm của nước Nga trên trường quốc tế, đoàn kết cả dân tộc để vượt qua mọi trở ngại trên con đường đi tới thắng lợi. "Mối đe dọa và kẻ thù lớn nhất của chúng ta lúc này chính là thực tế rằng chúng ta đang tụt hậu", ông đưa ra lời cảnh báo trong Thông điệp Liên bang hôm 19/3. "Chúng ta phải làm chủ vận mệnh của mình".
Trong Thông điệp Liên bang và trong các bài phát biểu trước cuộc bầu cử, Putin không đề ra chương trình kinh tế chi tiết nào để đạt được mục đích này trong nhiệm kỳ sắp tới. Ông cũng không đưa ra những chỉ đạo cụ thể về kinh tế vĩ mô để giúp nước Nga vượt qua khó khăn trong vòng vây cấm vận của phương Tây.
Nhưng với hàng chục triệu người dân Nga, kinh tế không phải là thứ duy nhất làm nên Vladimir Putin, người được coi là "Người bảo vệ quốc gia". Phiến quân Chechnya đã bị đập tan từ lâu, đối thủ của nước Nga ngày nay chính là phương Tây, là những quốc gia đang nhắm vào Moscow bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt.
Hình ảnh "người bảo vệ quốc gia" đó được thể hiện rõ nét khi Putin công bố một loạt "siêu vũ khí" hạt nhân có sức mạnh chưa từng có trong Thông điệp Liên bang, trong đó có những tên lửa hành trình hay ngư lôi có thể xuyên thủng bất cứ lá chắn phòng thủ nào của Mỹ và đồng minh.
"Không ai có thể kìm hãm được nước Nga", Putin đưa ra lời cảnh báo với những thế lực đang "tìm kiếm lợi thế đơn phương chống lại Nga" khi công bố video giới thiệu những mẫu vũ khí gắn đầu đạn hạt nhân thế hệ mới.
Người dân Nga có thể cảm nhận được vị thế và sức mạnh quân sự quốc gia qua chiến dịch chống khủng bố được Putin phát động ở Syria từ năm 2015. Chiến dịch quân sự đó củng cố vững chắc vị thế của Nga tại một trong những khu vực có vị trí chiến lược quan trọng nhất thế giới, khiến Moscow trở thành một phần không thể thiếu trong tương lai chính trị ở Trung Đông.
Điều đó góp phần xây dựng hình ảnh nước Nga hiện nay là một "pháo đài Nga", với Putin là người bảo vệ pháo đài, hình ảnh được quảng bá trên truyền thông và nhận được sự ủng hộ từ những cử tri luôn cảm thấy nước Nga bị phương Tây công kích, xúc phạm.
Đây là một trong những lý do khiến lời cáo buộc mà Anh tung ra nhắm vào nước Nga trong vụ cựu đại tá tình báo Sergei Skripal bị đầu độc có thể đã giúp Putin có thêm phiếu để giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vừa diễn ra.
"Tôi đôi khi giận dữ với Putin, nhưng thử tưởng tượng khi người nước ngoài tìm cách chỉ trích ông ấy xem! Tôi sẽ luôn bảo vệ nước Nga", Liza, một cô gái Nga 26 tuổi từng du học ở London và đang làm việc cho một hãng luật phương Tây ở Moscow, tuyên bố.
Với nhiều người dân Nga, chỉ có Putin mới có thể giúp đất nước đứng vững trước làn sóng công kích từ phương Tây và vươn lên chiếm vị thế xứng đáng trong các vấn đề quốc tế.
"Người dân chúng tôi luôn đoàn kết trong những thời khắc khó khăn", Tass dẫn lời Ella Pamfilova, chủ tịch Ủy ban Bầu cử Nga. "Thế nên, rất cảm ơn một số lãnh đạo phương Tây mà tôi không tiện nêu tên, những người đã góp phần đoàn kết người dân Nga. Họ nên nhớ rằng người Nga không bao giờ buông tay khi vẫn còn chịu áp lực".
Trí Dũng